Camimex muốn phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu

ĐÌNH ĐẠI 04/12/2022 05:00

Công ty CP Camimex Group (HoSE: CMX) dự kiến sẽ chào bán 3 triệu trái phiếu ra công chúng để thanh toán tiền mua nguyên vật liệu.

>>>Camimex bị phạt vì "để rớt" nhiều nội dung công bố thông tin

Cụ thể, Camimex Group sẽ chào bán tối đa 3 triệu trái phiếu ra công chúng với mã CMXH2326001, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, tổng giá trị phát hành là 300 tỷ đồng. Thời gian dự kiến phát hành trong quý IV/2022 đến quý I/2023.

Camimex muốn phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu để thanh toán nguyên vật liệu.

Camimex muốn phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu để thanh toán nguyên vật liệu.

Lô trái phiếu này có kỳ hạn 36 tháng kể từ ngày phát hành, lãi suất 11,2%/năm, là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và được đảm bảo bằng tài sản. Theo đó, tài sản đảm bảo là cổ phiếu của Công ty CP Camimex Group (HoSE: CMX) được sở hữu bởi bên thứ ba, cổ phiếu Công ty CP Camimex (UPCoM: CMM) được sở hữu bởi tổ chức phát hành và cổ phiếu CMM được sở hữu bởi bên thứ ba.

Trong phương án phát hành trái phiếu, doanh nghiệp này cũng đề cập đến quyền mua lại trái phiếu. Theo đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, tại bất kỳ thời điểm nào sau thời gian đủ 12 tháng kể từ ngày phát hành, tổ chức phát hành có quyền mua lại, trong một hoặc nhiều lần vào bất kỳ thời điểm nào đối với các trái phiếu được sở hữu bởi các chủ sở hữu trái phiếu chấp thuận bán lại.

Số tiền huy động 300 tỷ đồng sẽ được Camimex Group dùng để thanh toán tiền mua nguyên vật liệu của nhà cung cấp. Trong đó, Camimex Group phải thanh toán cho Công ty TNHH Thương mại Kim Ngân Phú 140 tỷ đồng; thanh toán cho Công ty TNHH MTV XNK Thủy sản Thiên Mã Quỳnh 110 tỷ đồng và Công ty TNHH Thủy sản Bùi Ngọc Quyên 50 tỷ đồng. Thời gian sử dụng vốn dự kiến trong năm 2023 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho phép phát hành.

Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022, Camimex Group ghi nhận doanh thu thuần đạt 823 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ tăng giá vốn bán hàng cũng mạnh hơn cùng kỳ với 714 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp chỉ còn 100 tỷ đồng; biên lãi gộp đạt 12%.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của Camimex Group tăng gấp đôi cùng kỳ lên gần 9 tỷ đồng. Chi phí hoạt động này cũng tăng 120% lên mức 26,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, chi phí bán hàng của Camimex Group cũng tăng mạnh lên mức 28 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận mức 14 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp báo lãi sau thuế quý III đạt 33,7 tỷ đồng - tăng 22% so với cùng kỳ.

Trên thị trường, cổ phiếu CMX đã giảm 66,5% thị giá so với hồi giữa tháng 4/2022.

Trên thị trường, cổ phiếu CMX đã giảm 66,5% thị giá so với hồi giữa tháng 4/2022.

Lũy kế 9 tháng năm 2022, doanh nghiệp thủy sản này đạt tổng doanh thu 2.200 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ở mức gần 87 tỷ đồng. Với kết quả này, Camimex Group mới thực hiện được 56% kế hoạch doanh thu và chỉ 29% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Trên bảng cân đối kế toán đến ngày 30/9/2022, tổng tài sản của Camimex Group ở mức hơn 2.900 tỷ đồng trong đó có 51 tỷ tiền mặt và 200 tỷ đồng khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn.

Ngoài ra, lượng hàng tồn kho của công ty cũng ở mức cao khi tăng 27% so với đầu năm lên mức gần 1.100 tỷ đồng (đã khấu trừ hơn 41 tỷ đồng dự phòng giảm giá) và chiếm 38% tổng tài sản.

Nợ phải trả của công ty tính đến cuối quý III là gần 1.520 tỷ đồng trong đó 1.033 tỷ đồng là vay nợ tài chính tăng mạnh so với đầu năm và chiếm 68% tổng nợ. Khoản vay nợ tài chính lớn khiến công ty chịu gần 41 tỷ đồng chi phí lãi vay kể từ đầu năm.

Tại Hội thảo “Ngành thủy sản 2023: Nhận diện thách thức và giải bài toán đơn hàng giảm, lãi suất tăng” mới đây, Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 sẽ đạt khoảng 11 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 4,3 tỷ USD; cá tra đạt 2,5 tỷ USD; hải sản đạt 3,2 tỷ USD; cá ngừ 1 tỷ USD.

Đáng chú ý, tất cả các sản phẩm đều tăng trưởng 2 con số, bình quân từ 18 - 77%; tất cả các thị trường đều tăng trưởng 2 con số, bình quân từ 15 - 75%, trừ thị trường Anh chỉ tăng 3%, trong khi thị trường Nga vẫn tăng trưởng 0,2%.

Theo ông Hòe, hiện xuất khẩu thủy sản Việt Nam đứng thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc (18 tỷ USD) và Na Uy (11 tỷ USD), chiếm 7% thị phần. Trong đó, xuất khẩu tôm nằm trong TOP 4 thế giới cùng với Ecuador, Ấn Độ và Indonesia. Với gần 8% thị phần tại Hoa Kỳ, Trung Quốc trong năm 2022 và xuất khẩu thủy sản đang tăng dần thị phần tại EU sau 2 năm có EVFTA bất chấp COVID-19.

Mặc dù được đánh giá là tăng trưởng mạnh, tuy nhiên, ông Trương Đình Hòe cho rằng, ngành thủy sản đang đối mặt với những thách thức nội tại như: vấn đề về cơ sở hạ tầng cho nuôi trồng; chất lượng con giống, giống bố mẹ; chi phí đầu vào; công tác quản lý thủy sản theo Quy định IUU; chi phí nhiên liệu cho khai thác thủy sản; cường lực khai thác và đánh giá nguồn lợi.

Bên cạnh đó là những thách thức từ bên ngoài như: lạm phát, suy giảm tăng trưởng ở các thị trường chính ảnh hưởng đến chi tiêu và hạn chế nhu cầu tiêu dùng; cạnh tranh khó khăn với các nước cung cấp thủy sản có điều kiện nuôi trồng tốt hơn; thị trường Trung Quốc hết sức tiềm năng nhưng bên cạnh nhiều cơ hội cũng có những rủi ro do sự đa dạng trong thương mại cũng như chính sách quản lý COVID-19.

Có thể bạn quan tâm

  • Camimex bị phạt vì

    Camimex bị phạt vì "để rớt" nhiều nội dung công bố thông tin

    05:15, 01/10/2022

  • Lãi ròng “tuột dốc” nhưng Camimex khẳng định

    Lãi ròng “tuột dốc” nhưng Camimex khẳng định "tồn kho tốt"

    11:07, 24/01/2021

  • "Quả bom nổ chậm" của Camimex

    02:00, 20/04/2020

  • Thủy sản Camimex nhọc nhằn về đích?

    Thủy sản Camimex nhọc nhằn về đích?

    11:25, 31/08/2019

ĐÌNH ĐẠI