Thép Tiến Lên đột ngột đi lùi vì đầu tư chứng khoán
Ngoài hoạt động kinh doanh chính, Thép Tiến Lên còn phiêu lưu trên thị trường chứng khoán với danh mục đầu tư 107 tỷ đồng. Tuy nhiên, danh mục này hiện đang tạm lỗ 60%, tương đương 63 tỷ đồng.
>>>Đầu tư chứng khoán, nhiều doanh nghiệp ôm “trái đắng”
Theo báo cáo tài chính quý IV/2022, Công ty CP Tập đoàn Thép Tiến Lên (HoSE: TLH) ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 1.662 tỷ đồng, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, do kinh doanh dưới giá vốn nên lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Thép Tiến Lên ghi nhận lỗ hơn 51,2 tỷ đồng, cùng kỳ lãi hơn 55,4 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu tài chính của doanh nghiệp giảm 38,6% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 22,5 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí tài chính lại tăng mạnh lên gần 236%, lên gần 69,3 tỷ đồng, trong đó, có khoản lỗ kinh doanh chứng khoán hơn 20,3 tỷ đồng và khoàn hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán hơn 2 tỷ đồng.
Mặc dù, doanh nghiệp đã tiết giảm được một phần chi phía bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, nhưng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận lỗ gần 127 tỷ đồng.
Kết quả, do kinh doanh dưới giá vốn, cùng với chi phí tài chính tăng cao, khiến doanh nghiệp ngành thép này ghi nhận lỗ kỷ lục hơn 114 tỷ đồng trong quý cuối cùng của năm 2022.
Luỹ kế cả năm 2022, Thép Tiến Lên ghi nhận doanh thu đạt hơn 5.324 tỷ đồng, tăng 14,6% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận hơn 7,5 tỷ đồng, giảm 98,3% so với lợi nhuận đạt được của năm 2021. Với kết quả này, doanh nghiệp chỉ mới hoàn thành 2,5% kế hoạch lợi nhuận năm.
Không chỉ lợi nhuận lao dốc, dòng tiên kinh doanh của doanh nghiệp ngành thép này trong năm 2022 cũng ghi nhận âm gần 190 tỷ đồng, cùng kỳ âm hơn 428 tỷ đồng; dòng tiến đầu tư ghi nhận dương gần 199 tỷ đồng.
Tính tới cuối năm 2022, tổng tài sản của Thép Tiến Lên đạt gần 4.200 tỷ đồng, tăng nhẹ so với hồi đầu năm. Chiếm phần lớn trong tổng tài sản của doanh nghiệp là tài sản ngắn hạn với hơn 3.643 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho ghi nhận hơn 2.994 tỷ đồng, chiếm 71,3% tổng tài sản. Khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng là hơn 513 tỷ đồng.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh chính xuống dốc do ngành thép xoay chiều, doanh nghiệp còn “ôm” hơn 100 tỷ đồng đi đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, đến cuối năm danh mục đầu tư chứng khoán của thép Tiến Lên lỗ nặng hơn 60%, tương ứng với mức lỗ 63 tỷ đồng.
Theo thuyết minh, tính tới 31/12/2022, danh mục đầu tư chứng khoán chủ yếu đầu tư 23,5 tỷ đồng vào cổ phiếu SHB, trích lập dự phòng 13,5 tỷ đồng; đầu tư 21,2 tỷ đồng vào cổ phiếu VIX, trích lập dự phòng 14,7 tỷ đồng; đầu tư 18,2 tỷ đồng vào cổ phiếu IJC, trích lập dự phòng 11,2 tỷ đồng; và đầu tư còn lại 42,7 tỷ đồng vào các cổ phiếu khác, đã trích lập dự phòng 23,5 tỷ đồng.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp là hơn 2.289 tỷ đồng, trong đó, chiếm phần lớn là nợ ngắn hạn với hơn 2.263 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là hơn 1.540 tỷ đồng, tăng hơn 4% so với đầu năm. Vố chủ sở hữu của doanh nghiệp đạt hơn 1.910 tỷ đồng.
Theo Chứng khoán Agribank (Agriseco), nhóm ngành Vật liệu xây dựng, bao gồm: thép, đá, xi măng, nhựa đường sẽ là một trong những nhóm ngành hưởng lợi từ việc đẩy mạnh đầu tư công trong năm 2023. Theo đó, nhóm vật liệu xây dựng được hưởng lợi trực tiếp ngay sau giai đoạn giải phóng mặt bằng, bước vào triển khai dự án cho đến khi hoàn thành hoạt động xây dựng dự án.
Mặc dù vậy, đặc thù của từng ngành khiến mức độ hưởng lợi của các doanh nghiệp là khác nhau. Với ngành thép, doanh nghiệp cung ứng thép xây dựng được hưởng lợi. Với các ngành mà chi phí vận chuyển tác động lớn đến khả năng tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp như xi măng và đá xây dựng, các doanh nghiệp có thị phần lớn và có vị trí gần các dự án đang triển khai sẽ được hưởng lợi tốt hơn phần còn lại của ngành.
Về mức độ cải thiện biên lợi nhuận của các doanh nghiệp VLXD (thép, xi măng), Agriseco cho rằng, biến động chi phí nguyên liệu đầu vào như giá than có thể ảnh hưởng đáng kể đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành. Mặc dù vậy, sự kiện Trung Quốc mở cửa trở lại được dự báo sẽ đem lại những hiệu ứng tích cực cho 1 vài nhóm ngành VLXD như thép và xi măng. Trong khi giá thép có thể sẽ dừng đà giàm và dần bước vào chu kỳ tăng giá trở lại, nhu cầu và điều kiện nhập khẩu của clinker của Trung Quốc được cải thiện sẽ làm giảm bớt áp lực dư cung của thị trường xi măng khu vực phía Bắc.
Trong báo cáo chiến lược ngành thép năm 2023, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng đưa ra nhận định rằng ngành thép đã trải qua năm 2022 khó khăn dồn dập ở cả thị trường xuất khẩu và nội địa. Dự báo năm 2023, ngành thép chưa thể thoát khỏi khó khăn một cách nhanh chóng khi ảnh hưởng tiêu cực của các xung đột địa chính trị, suy thoái kinh tế sau COVID-19 và lạm phát khó hạ nhiệt nhanh chóng trong năm 2023.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ thép trong nước năm 2023 có thể được hỗ trợ bởi đầu tư công. Cụ thể, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 đạt 2,8 triệu tỷ đồng, tăng 43,5% so với kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020. Giải ngân đầu tư công đã tăng tốc dần trong quý 4/2022.
Về tình hình xuất khẩu thép, VDSC cho biết lạm phát tăng nhanh và làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu làm giảm nhu cầu đầu tư và tiêu dùng, kéo theo tiêu thụ thép yếu dần từ quý III/2022. Dự báo, xuất khẩu thép sẽ tiếp tục trầm lắng trong các quý I, II/2023 và đến giữa năm 2023 mới phục hồi khi áp lực tăng lãi suất dịu bớt trên toàn cầu. Tuy nhiên, xuất khẩu thép trong nửa cuối năm 2023 vẫn khó bật tăng mạnh trong bối cảnh ngày càng nhiều thách thức về cạnh tranh và rào cản thương mại.
Có thể bạn quan tâm