“Mua thời gian” cho trái phiếu doanh nghiệp
Một số quy định mới về trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chỉ có tác dụng “mua thời gian” để doanh nghiệp thoát khó.
>>Guồng mới cho trái phiếu doanh nghiệp
Thống kê từ ngày 6/3 - 17/3/2023, các tổ chức phát hành đã huy động tổng cộng 25.825 tỷ đồng (gần 1,1 tỷ USD), nâng giá trị trái phiếu phát hành từ đầu năm 2023 đến nay lên hơn 27.935 tỷ đồng.
Nhưng giá trị phát hành mới này chưa “thấm tháp” vào đâu so với áp lực đáo hạn TPDN tới đây.
Theo thống kê của VBMA, vào tháng 6 tới, lượng TPDN đáo hạn sẽ lên tới trên 36.000 tỷ đồng, vượt hơn lượng vốn mới mà các doanh nghiệp vừa huy động thành công.
VBMA cũng ghi nhận tính từ đầu năm tới nay, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại là 16.300 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng giá trị trái phiếu đến hạn còn lại 6.700 tỷ đồng (tính đến cuối tháng 3).
Nếu không có chính sách nào khác để tiếp tục thúc thêm cú hích cho thị trường TPDN bật dậy, thì dòng tiền vào thị trường này khó tăng mạnh.
TS Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên ĐH Fulbright, cho rằng các doanh nghiệp cần xác định là “Nhà nước sẽ không bỏ 1 đồng nào từ ngân sách để gỡ nợ cho các doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu”. Ông cũng nhận định các chính sách đang và sẽ là những biện pháp có ý nghĩa “mua thời gian”. Từ nay đến 2024, thị trường TPDN và bất động sản tuy sẽ giảm bớt khó, nhưng khó khăn vẫn kéo dài.
Ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch Saigon Phát Thịnh Ratings, cho rằng Nghị định 08/2023 sẽ chỉ có hiệu lực đến 2023. Sau giai đoạn này, liệu Nghị định có được gia hạn, hay có Nghị định mới thay thế theo hướng tiếp tục hỗ trợ hay kiểm soát chặt hơn… thì chưa thể biết được. Với 3 quý còn ở phía trước, hy vọng thời gian để hiệu lực Nghị định ngấm vào thị trường. Còn về lâu dài, vẫn cần phải xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh cho TPDN phát triển bền vững.
>>Giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị định 08 về trái phiếu doanh nghiệp
Tại Ấn bản mới nhất của báo cáo Giám sát Trái phiếu Châu Á trình bày kết quả của Khảo sát Thanh khoản thị trường trái phiếu AsianBondsOnline năm 2022 của Ngân hàng châu Á ADB được công bố mới đây, các nhà nghiên cứu nhận thấy tính thanh khoản chung suy yếu trong năm ngoái 2022 của thị trường trái phiếu khu vực.
Trong đó, với riêng thị trường Việt Nam, theo ADB, tăng trưởng của thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam được đẩy nhanh, đạt 6,5% so với quý trước nhờ gia tăng phát hành trái phiếu kho bạc và trái phiếu có bảo lãnh Chính phủ. Tính chung cả năm, thị trường đã tăng 19,6%, đạt 105,7 tỉ USD vào cuối tháng 12 năm 2022.
Tổng lượng trái phiếu chính phủ tăng 9,9% lên 74,8 tỉ USD. Trong khi đó, trái phiếu doanh nghiệp giảm 0,9% so với quý trước, do việc các tổ chức phát hành tiếp tục mua lại trái phiếu cũng như sự sụt giảm lượng phát hành trong bối cảnh thắt chặt quy định sau khi Nghị định 65 ra đời. Tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành là 30,9 tỉ USD.
ADB cũng đưa ra lưu ý về sự cần thiết phải phát triển các công cụ phòng ngừa rủi ro cho thị trường trái phiếu đối với những ai tham gia khảo sát. Đây cũng là lưu ý quan trọng cho một thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt sau giai đoạn đóng băng, đang bắt đầu có tín hiệu ấm lên, nhưng thách thức bởi các rủi ro cao thì vẫn còn phía trước.
Có thể bạn quan tâm