ASM “đi giật lùi”
Dòng tiền kinh doanh âm cộng với thị trường xuất khẩu gặp khó khiến Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai (HoSE: ASM) phải giảm kế hoạch kinh doanh.
>>Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai Lê Thanh Thuấn: “Làm những gì không ai làm mà xã hội cần”
ASM đặt kế hoạch doanh thu thuần năm 2023 đạt 15.250 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022. Tuy nhiên, lãi sau thuế dự kiến giảm 43%, còn 545 tỷ đồng.
Giữ lại lợi nhuận để bổ sung vốn
Báo cáo tài chính năm 2022 của ASM cho thấy doanh thu và lãi sau thuế ghi nhận 13.750 tỷ đồng và 963 tỷ đồng, tăng lần lượt 21% và 37% so với năm 2021. Dù tăng trưởng mạnh nhưng ASM chỉ thực hiện được 59% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tính đến ngày 31/12/2022, sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của ASM còn lại hơn 489 tỷ đồng. Tuy nhiên, HĐQT dự kiến trình ĐHĐCĐ thông qua phương án dùng số lợi nhuận chưa phân phối này để tái đầu tư và bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh nên chưa thực hiện chi trả cổ tức 2022.
Theo Ban lãnh đạo ASM, việc không chia cổ tức nhằm đảm bảo ổn định hoạt động trong việc phòng chống suy thoái kinh tế, đồng thời tránh pha loãng cổ phiếu dưới hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Hủy chào bán cổ phiếu
Điểm đặc biệt nữa trong báo cáo ĐHĐCĐ, ASM công bố tờ trình hủy phương án phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn điều lệ.
Theo kế hoạch ban đầu, ASM dự định phát hành hơn 168 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1. Như vậy, với giá phát hành dự kiến 12.000 đồng/cp, nếu phát hành thành công, ASM có thể thu về hơn 2.019 tỷ đồng, qua đó nâng vốn điều lệ lên gần 5.048 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, việc định hướng của cơ quan quản lý về việc tăng cường thanh tra việc phát hành tăng vốn của các doanh nghiệp niêm yết đã khiến cho kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn của ASM nói riêng và nhiều doanh nghiệp không còn dễ dàng. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất cao đã ảnh hưởng tới kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn.
Thách thức không nhỏ
Tính đến 31/12/2023, tổng nợ của ASM lên tới 11.270 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 7.321 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu chỉ hơn 7.800 tỷ đồng. Điều này cho thấy ASM cũng chịu áp lực về trả nợ.
Trong năm 2022, cơ cấu dòng tiền của ASM chưa thực sự tốt. Mặc dù kết quả kinh doanh thu và lợi nhuận của Công ty tăng trưởng trong năm 2022, nhưng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Công ty lại âm hơn 263 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do các khoản nợ phải thu vẫn tăng khá mạnh, đồng thời Công ty phải hoàn trả nợ các khoản nợ thương mại trong kỳ. Do thiếu hụt dòng tiền từ kinh doanh, Công ty phải tăng cường vay ngân hàng để tài trợ cho hoạt động đầu tư, mua sắm thương mại…
Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), từ đầu năm nay, lạm phát ảnh hưởng nặng nề đến các thị trường nhập khẩu thủy sản, khiến nhu cầu mua hàng cho giai đoạn quý 1/2023 gần như đình trệ. Không riêng gì ASM, nhiều doanh nghiệp thủy sản cho biết, đơn hàng sụt giảm không chỉ đối với các mặt hàng giá cao như tôm sú, tôm chân trắng cỡ lớn, bạch tuộc, cá ngừ… mà cả các sản phẩm có giá vừa phải cũng đều bị giảm mạnh.
Ngoài ra, giá nguyên liệu đầu vào vẫn neo ở mức cao. Điều này tác động trực tiếp tới sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung và ASM nói riêng.
Có thể bạn quan tâm