ACG sụt giảm 70% lợi nhuận do đâu?
Tình hình kinh tế trong nước và thế giới diễn biến phức tạp; người tiêu dùng thận trọng trong chi tiêu; chi phí bán hàng tăng… là những nguyên nhân khiến lợi nhuận quý I/2023 của ACG sụt giảm 70%.
>>>Mất gần 50% vốn hóa, ACG vẫn tham vọng trở thành doanh nghiệp tỷ USD
Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý I/2023 vừa công bố, Công ty CP Gỗ An Cường (HoSE: ACG) ghi nhận doanh thu thuần đạt 680 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ. Mặc dù giá vốn giảm 19% về 489 tỷ đồng, nhưng vẫn còn khá cao, khiến lợi nhuận gôp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp chỉ đạt 191 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính gần như đi ngang, với 41 tỷ đồng, trong khi chi phí từ hoạt động này lại tăng mạnh lên gần 96%, lên 16 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay chiếm 13 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ. Các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng tương ứng 28% và 16%, lần lượt là 136 tỷ đồng và 37 tỷ đồng, khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chỉ đạt 44 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ.
Kết thúc quý đầu năm, doanh nghiệp ngành gỗ này ghi nhận lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 70% so với cùng kỳ năm 2022, về mức 36 tỷ đồng. Đây cũng là quý có lãi sau thuế giảm sâu nhất so với cùng kỳ của ACG.
Theo giải trình từ doanh nghiệp, nguyên nhân lãi sau thuế giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do tình hình kinh tế trong nước và thế giới diễn biến phức tạp; người tiêu dùng thận trọng trong chi tiêu; chi phí bán hàng tăng do công ty chủ động mở rộng hệ thống phân phối làm cho lợi nhuận kinh doanh của công ty giảm so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến cuối quý I/2023, ACG nắm giữ hơn 5.265 tỷ đồng tổng tài sản, giảm gần 3,7% so với hồi đầu năm, chủ yếu do khoản tiến và tương đương tiền của doanh nghiệp giảm mạnh từ gần 388 tỷ đồng, về còn hơn 32 tỷ đồng, tương đương giảm gần 92% so với đầu năm.
Trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp, tài sản ngắn hạn chiếm hơn 3.738 tỷ đồng; đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn 1.228 tỷ đồng; hàng tồn kho hơn 1.546 tỷ đồng, tăng gần 7% so với đầu năm; tài sản dài hạn là hơn 1.526 tỷ đồng.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của doanh nghiệp đến cuối quý I giảm gần 16%, xuống còn hơn 1.306 tỷ đồng, trong đó, chủ yếu là nợ ngắn hạn với hơn 1.295 tỷ đồng. Doanh nghiệp cón khoản vay ngắn hạn hơn 789 tỷ đồng, trong đó, khoản vay lớn nhất tại Ngân hàng Vietcombank là hơn 460 tỷ đồng và hơn 5,7 triệu USD; vay tại Ngân hàng VietinBank hơn 110 tỷ đồng và hơn 69,9 triệu USD.
Bước sang năm 2023, ACG đặt mục tiêu kinh doanh với doanh thu thuần đạt 5.000 tỷ đồng, tăng gần 12% so với năm 2022 và Lợi nhuận sau thuế đạt 668 tỷ đồng, tăng gần 9% so với lợi nhuận đạt được của năm trước.
Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, năm 2023, tình hình vẫn còn nhiều khó khăn khi nguy cơ suy thoái gia tăng và lạm phát bào mòn “túi tiền” của người dân. Doanh nghiệp vẫn sẽ phải chịu mức lãi suất cao, trong khi, các kênh huy động vốn tiếp tục bị hạn chế. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản trong nước vẫn chưa có tín hiệu khả quan và dự báo khó khăn sẽ còn tiếp tục kéo dài.
Trong báo cáo ngành gỗ và các sản phẩm gỗ (G&SPG) mới đây, chứng khoán VNDirect cho rằng, triển vọng ngành G&SPG của Việt Nam năm 2023 vẫn kém khả quan do nhu cầu yếu ở cả thị trường Mỹ và EU. Đồng thời, cho rằng, nhu cầu sẽ không phục hồi cho đến năm 2024.
Theo VNDirect, năm 2022, khoảng 90% giá trị G&SPG của Việt Nam là từ các thị trường xuất khẩu, 54% từ Mỹ và tiếp theo là Trung Quốc với 13,4%. Triển vọng vĩ mô kém khả quan của Mỹ đã ảnh hưởng đến thị trường bất động sản nhà ở và xây dựng nhà ở. Lãi suất cho vay mua nhà của Mỹ tăng lên 6,1%, mức cao nhất kể từ năm 2011, trong khi giá nhà trung bình tăng 10,4% so với cùng kỳ trong quý IV/2022, điều này đã làm giảm sức mua nhà tại Mỹ.
Chỉ số nhu cầu nhà ở của Mỹ đã giảm 48,1% so với cùng kỳ trong tháng 2/2023. VNDirect cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ có tỷ trong xuất khẩu cao tới thị trường Mỹ như PTB, GDT, SAV sẽ bị sụt giảm doanh thu xuất khẩu khoảng 10 - 15% so với cùng kỳ trong năm 2023. Thêm vào đó, VNDirect kỳ vọng rằng biên lợi nhuận gộp của ngành sẽ giảm 0,6-1 điểm % trong 2023 do giá bán trung bình thấp hơn.
Theo Hiệp hội các nhà xây dựng nhà quốc gia, doanh số bán nhà cho một hộ gia đình sẽ giảm xuống còn 744.000 căn (-25,5% so với cùng kỳ) trong năm 2023 trước khi tăng trở lại 925.000 căn vào năm 2024. Trong khi Forest Economic Advisors dự phóng nhu cầu về gỗ xẻ mềm ở Bắc Mỹ sẽ giảm 8,3 % vào năm 2023, sau khi giảm 1,6% trong 2022 do thị trường tiêu dùng suy yếu và khả năng xảy ra suy thoái vẫn có thể xảy ra.
Riêng đối với ACG, VNDirect lạc quan về triển vọng doanh thu xuất khẩu dài hạn của doanh nghiệp trong giai đoạn 2023 – 2025 vì trong quý II/2022, ACG đã ký kết hợp tác với Sumitomo, công ty bất động sản Mỹ — một cổ đông chiến lược của ACG, điều này sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu của ACG trong năm 2023 - 2024.
Có thể bạn quan tâm