Gần 136 triệu cổ phiếu của Công ty CP Gỗ An Cường (UpCOM: ACG) sẽ rời sàn UPCoM vào ngày 28/9, để chuyển qua niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).
>>>Sắp niêm yết cổ phiếu trên HoSE, SIP có gì?
Theo đó, ngày giao dịch cuối cùng của cổ phiếu ACG trên sàn UpCOM là ngày 27/9. Giá trị hủy đăng ký giao dịch tính theo mệnh giá đạt hơn 1.358 tỷ đồng.
Gỗ An Cường hiện đang nắm giữ 55% thị phần gỗ công nghiệp và vật liệu trang trí tại Việt Nam, doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng lên 70% vào 2025. Trước đây, doanh thu của Gỗ An Cường chủ yếu đến từ thị trường nội địa. Tuy nhiên, từ 2018 doanh nghiệp này bắt đầu đẩy mạnh thị trường xuất khẩu để giảm bớt phụ thuộc vào thị trường bất động sản trong nước.
Theo đó, từ việc doanh thu xuất khẩu chỉ chiếm 6% vào năm 2018 đã tăng lên 15% vào năm 2021. Gỗ An Cường đã xuất khẩu sản phẩm vào 15 quốc gia, trọng tâm là Mỹ. Công ty đặt mục tiêu đến 2025, tỷ trọng xuất khẩu đạt 15-18% tổng doanh thu.
Về kết quả sản xuất kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2022, Gỗ An Cường ghi nhận doanh thu đạt 1.914 tỷ đồng, tăng 12% so với nửa đầu năm 2021. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt gần 279 tỷ đồng, tăng 17,4%. Riêng quý II/2022, Gỗ An Cường thu về 1.058 tỷ đồng doanh thu, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2021 và gần 159 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 16,4% so với quý II/2021.
Tại thời điểm cuối quý II/2022, tổng tài sản của Gỗ An Cường đạt 5.143 tỷ đồng, tăng 3,2% so với đầu năm, trong đó có 1.846 tỷ đồng dành cho các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn. Khoản đầu tư 156 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất 13,6%/năm của đơn vị này đã đáo hạn khiến khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 12,7% còn 1.333 tỷ đồng.
Với các khoản đầu tư dài hạn, Gỗ An Cường rót gần 513 tỷ đồng vào các công ty bất động sản. Cụ thể, vào tháng 4/2021, Gỗ An Cường đã chi hơn 119 tỷ đồng mua gần 13% cổ phần của Công ty CP Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi (Thắng Lợi Group).
Trong nửa đầu năm nay, Gỗ An Cường cũng đã chi thêm 393 tỷ đồng để mua 30% cổ phần của Công ty Bất động sản Central Hill từ Thắng Lợi Group. Được biết, Central Hill hiện là chủ đầu tư dự án căn hộ Thắng Lợi Central Hill tại tỉnh Long An. Với việc tham gia góp vốn vào Central Hill, Gỗ An Cường cũng sẽ cung cấp các sản phẩm gỗ ép của mình cho dự án này.
Vào đầu tháng 7 vừa qua, Gỗ An Cường cũng đã ký kết thành công hợp đồng hợp tác kinh doanh với Sumitomo Forestry America. Theo đó, Gỗ An Cường sẽ là nhà cung cấp toàn bộ nội thất cho các dự án mà Sumitomo Forestry America đầu tư tại thị trường Mỹ từ năm 2022 trở đi với giá trị cam kết cho thương vụ lên đến hàng chục triệu USD mỗi năm.
Chủ Tịch HĐQT Gỗ An Cường Lê Đức Nghĩa cho biết, hiện giá trị xuất khẩu vào thị trường Mỹ của An Cường vào khoảng 20 triệu USD mỗi năm, với sự hợp tác đầy tiềm năng này hy vọng giá trị xuất khẩu của Gỗ An Cường vào Mỹ sẽ tăng lên từ 30 đến 50 triệu USD mỗi năm.
Theo Chứng khoán Tân Việt (TVSI), Gỗ An Cường đề ra kế hoạch thành lập liên doanh với Sumitomo để xây dựng nhà máy sản xuất ván MDF vào Qúy III/2022. Đây là nguyên liệu đầu vào cho mảng bề mặt giải pháp. Nhà máy sẽ có công suất sản xuất 400.000 m3. Trong đó, 50% sẽ được tiêu thụ nội bộ bởi Gỗ An Cường (tương đương 40% nhu cầu ván sợi của ACG) và một nửa còn lại sẽ được bán cho các khách hàng bên ngoài.
Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng, dự kiến được triển khai trong năm 2022. Đến cuối 2023 có thể đi vào hoạt động. Sau khi hoàn thành, Gỗ An Cường sẽ là một trong những doanh nghiệp có công suất sản xuất gỗ MDF lớn nhất trên toàn quốc.
TVSI cho rằng, do ảnh hưởng của dịch bệnh và sự trầm lắng của thị trường bất động sản đặc biệt là phân khúc căn hộ, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Gỗ An Cường sụt giảm trong giai đoạn 2020 - 2021 mặc dù trước đó kết quả kinh doanh của công ty luôn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt nhờ việc gia tăng công suất và cơ cấu khách hàng đa dạng.
Trong năm 2022, TVSI dự báo, kết quả kinh doanh của Gỗ An Cường sẽ có sự phục hồi trở lại, với doanh thu dự kiến đạt 3.953 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ; Lợi nhuận sau thuế đạt 596 tỷ đồng, tăng trưởng 32% so với năm 2021.
Mặc dù vậy, TVSI cũng chỉ ra một số rủi ro đối với Gỗ An Cường như: Thứ nhất, giá gỗ nguyên liệu có xu hướng tăng. Việc Nga ban hành lệnh cấp xuất khẩu gỗ tròn sang các nước châu Âu và Mỹ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung gỗ nguyên liệu trên toàn cầu. Do đó, giá các loại gỗ nguyên liệu có xu hướng tăng.
Theo TVSI, xu hướng trên dự báo sẽ còn tiếp tục trong nửa cuối năm 2022 khi nhu cầu về các sản phẩm gỗ và nội thất tăng cao. Việc giá gỗ nguyên liệu tăng, có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp của ACG.
Thứ hai, chi phi logistics cao. TVSI cho rằng, chi phí logistics nội địa và xuất khẩu đều tăng cao do các vấn đề về tắc nghẽn chuỗi cung ứng và giá xăng dầu tăng cao. Dự báo chi phí này vẫn tiếp tục giữ ở mức cao trong năm 2022, do đó sẽ làm gia tăng chi phí bán hàng đối với các doanh nghiệp sản xuất như ACG.
Có thể bạn quan tâm
Sắp niêm yết cổ phiếu trên HoSE, SIP có gì?
05:15, 17/08/2022
Vì sao Vinaconex 9 đối diện án hủy niêm yết cổ phiếu bắt buộc?
11:30, 01/03/2022
Đón cơ hội đầu tư cổ phiếu cuối năm
12:59, 26/09/2022
ASM huỷ phương án tăng vốn, cổ phiếu tránh pha loãng
05:30, 24/09/2022
MSB thông báo ngày chốt quyền cho cổ đông nhận cổ phiếu thưởng
14:38, 22/09/2022