TTF thoát lỗ, cổ phiếu vẫn trong diện cảnh báo và bị cắt margin
Gỗ Trường Thành thoát lỗ quý I/2023 nhờ doanh thu tài chính. Tuy nhiên, do lỗ lũy kế gần 3.073 tỷ đồng, cổ phiếu TTF vẫn bị HoSE quyết định giữ nguyên diện cảnh báo và bị cắt margin.
>>>Lộ diện cổ đông cá nhân lớn sở hữu 9,14% vốn điều lệ của TTF
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 vừa công bố, Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (HoSE: TTF) ghi nhận doanh thu đạt hơn 331 tỷ đồng, giảm 38,2% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của TTF giảm 4% so với cùng kỳ, về gần 72 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính giảm 57,4%, xuống còn 10 tỷ đồng; chi phí tài chính cũng giảm hơn 34%, về hơn 17 tỷ đồng, trong đó, chi phí lãi vay chiếm hơn 15 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 16%, lên gần 63,4 tỷ đồng, các chi phí khác biến động không đáng kể.
Kết thúc quý I, doanh nghiệp ngành chế biến gỗ TTF ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 2,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi, trong quý I/2023, TTF ghi nhận lỗ hơn 8,7 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ hơn 5,8 tỷ đồng. Do vậy, TTF chỉ thoát lỗ nhờ doanh thu tài chính, mặc dù mảng này giảm khá mạnh so với cùng kỳ.
Theo thuyết minh, doanh thu tài chính trong kỳ này của TTF chủ yếu đến từ khoản lãi tiền gửi và lãi cho vay với gần 7 tỷ đồng, cùng với khoản lãi chênh lệch tỷ giá hơn 3 tỷ đồng.
Bên cạnh kết quả kinh doanh lao dốc, dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp trong quý I/2023 cũng ghi nhận âm gần 12 tỷ đồng, cùng kỳ âm gần 10 tỷ đồng. Dòng tiến đầu tư cũng âm 19,5 tỷ đồng; dòng tiền tài chính ghi nhận dương gần 3 tỷ đồng.
Tính tới cuối quý I, tổng tài sản của TTF đạt hơn 3.050 tỷ đồng, tăng 1,5% so với hồi đầu năm. Trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp, các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận hơn 768 tỷ đồng, chiếm hơn 25% tổng tài sản; hàng tồn kho ghi nhận 646 tỷ đồng, chiếm hơn 21% tổng tài sản; tài sản ngắn hạn khác ghi nhận 383 tỷ đồng, chiếm 12,6% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn ghi nhận hơn 364 tỷ đồng, chiếm gần 12% tổng tài sản.
Trong kỳ, doanh nghiệp còn gần 141 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, giảm hơn 17% so với hồi đầu năm, trong đó, tiền mặt chiếm gần 104 tỷ đồng.
Nợ phải trả của doanh nghiệp tính đến cuối quý I/2023 ghi nhận hơn 2.621 tỷ đồng, tăng gần 2% so với hồi đầu năm. Trong cơ cấu nợ của doanh nghiệp, nợ ngắn hạn chiếm gần 1.552 tỷ đồng, trong đó, phải trả người bán ngắn hạn gần 337 tỷ đồng, tăng hơn 17,4% so với đầu năm; người mua trả tiền trước ngắn hạn hơn 334 tỷ đồng; chi phí phải trả ngắn hạn gần 388 tỷ đồng và phải trả ngắn hạn khác là gần 403 tỷ đồng.
Tài sản dài hạn của doanh nghiệp là hơn 1.069 tỷ đồng, trong đó, chiến hầu hết là khoản người mua trả tiền trước dài hạn, với hơn 1.032 tỷ đồng. Vốn chủ sở hửu của doanh nghiệp tại thời điểm cuối quý là hơn 429 tỷ đồng.
>>>TTF bị phạt, giữ nguyên kế hoạch chào bán hơn 41 triệu cổ phiếu riêng lẻ
Mặc dù kết quả kinh doanh quý I/2023 lãi nhẹ. Tuy nhiên, tính đến cuối quý, TTF vẫn còn khoản lỗ lũy kế lên đến gần 3.073 tỷ đồng. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến HoSE quyết định giữ nguyên diện cảnh báo với cổ phiếu TTF, đồng thời đưa cổ phiếu này vào danh sách cổ phiếu không được cấp margin.
Liên quan đến vấn đề trên, lãnh đạo TTF đã đưa ra biện pháp và lộ trình khắc phục như sau: Giữ vững khách hàng truyền thống và phát triển khách hàng tiềm năng, không ngừng cải tiến về mọi mặt, giữ uy tin và niềm tin với khách hàng. Quan tâm các công tác thiết kế sản phẩm, sản xuất các sản phẩm mẫu do chính công ty tự thiết kế, chủ động tìm kiếm khách hàng, đơn hàng có giá trị kinh tế cao
Tiếp tục tìm kiếm khách hàng mới bằng nhiều kênh: tham gia hội chợ, quảng bá sản phẩm của công ty trên các trang hội ngành gỗ... để có thêm khác hàng mới, dơn hàng mới dảm bảo kế hoạch và tạo việc làm cho người lao động:
Với mảng dự án, bên cạnh việc tiếp tục phát triển dự án cho các nhà bất động sản hàng đầu Việt Nam (Vingroup, Hưng Thịnh,..), doanh nghiệp đã hợp tác với các nhà phát triển bất động sản nước ngoài để da dạng hoá tệp khách hàng như Capitalland, Gamuda, Tavistock,... và tiếp tục mở rộng tập khách hàng.
Về thị trường xuất khẩu, TTF sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các khách hàng lớn như Natuzzi, Crate & Barrel, William Sonoma,... ở nhiều ngành hàng để tăng doanh thu, giá trị đơn hàng để từng bước da dạng hoá thị trường xuất khẩu;
Thường xuyên theo dõi diễn biến trên thị trường, có kế hoạch dự phòng các rủi ro có thể xảy ra với hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Chủ động các giải pháp phòng ngừa nếu thị trường Mỹ áp dụng chính sách thuế phỏng vệ thương mại trong tương lai;
Ứng dụng công nghệ 3D vào giới thiệu sản phẩm với khách hàng: Đẩy mạnh công tác tiếp thị, đấu thầu tim kiếm đơn hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm kiếm thị trường, bám sát chủ đầu tư với phương châm chào giá hợp lý có thể ký kết hợp đồng, đảm bảo công việc và thu nhập cho người lao động, đảm bảo sản xuất kinh doanh mang lại lợi nhuận cho năm 2023 và các năm tiếp theo;
Chuyển nhượng các công ty trồng rừng không phù hợp với định hướng phát triển công ty, tập trung thu hồi công nợ, tài sản không đem lại hiệu quả để thu hồi vốn sản xuất kinh doanh. Nghiên cứu và triển khai mở rộng các nhà máy ở ĐăkLăk, Bình Định và tìm kiếm những động lực tăng trưởng trong các ngách ngành mới;
Công ty đang cải tiến quy trình hoạt động ở tất cả các khâu sản xuất LEAN: loại bỏ các hoạt động không tạo thêm giá trị cho khách hàng nhưng lại làm tăng chi phí trong chuỗi các hoạt động sản xuất, rút ngắn thời gian quy trình sản xuất đồng thời cải thiện năng suất cũng như hiệu quả công việc và chất lượng sản phẩm;
TTF sẽ tiếp tục tổ chức triển khai, giám sát mọi diễn biến về tinh hình thực tế hoạt động sản xuất kinh kinh doanh Công ty, giám sát chặt chẽ chi phí sản xuất kinh doanh, tối đa hóa lợi nhuận, quyết liệt trong công tác khắc phục tình trạng lỗ của Công ty, duy trì cơ cấu tổ chức với mô hình quản lý theo hướng tinh gọn, hiệu quả để tiết giảm chi phí quản lý;
“Với những tín hiệu khả quan nêu trên, Công ty tin tưởng hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực, từng bước giảm và xóa được lỗ lũy kế khắc phục được nguyên nhân dẫn tới tình trạng chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo” ông Nguyễn Trọng Hiếu – TGĐ TTF nêu trong văn bản giải trình.
Có thể bạn quan tâm
Lộ diện cổ đông cá nhân lớn sở hữu 9,14% vốn điều lệ của TTF
05:00, 23/12/2022
TTF bị phạt, giữ nguyên kế hoạch chào bán hơn 41 triệu cổ phiếu riêng lẻ
05:00, 28/09/2022
Sunshine Group trở thành nhà đầu tư chiến lược của TTF Group
10:00, 02/07/2022
TTF nói gì về việc “bán chui” 12,6 triệu cổ phiếu quỹ?
05:00, 14/06/2022
TTF khắc phục việc cổ phiếu bị cảnh báo bằng cách nào?
16:45, 05/05/2022