Thấy gì từ kế hoạch gọi vốn mới của DXG
Sở hữu rất nhiều dự án địa ốc “khủng”, song Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (HoSE: DXG) vẫn đang phải liên tục thay đổi phương án huy động vốn.
>>Thị trường bất động sản TP.HCM bắt đầu khởi sắc?
DXG đã tiến hành ĐHĐCĐ thường niên 2023 với nhiều nội dung được thông qua như chỉ tiêu kinh doanh, kế hoạch dừng huy động vốn quốc tế và kế hoạch huy động vốn mới.
Thay đổi phương án gọi vốn
Đáng chú ý là kế hoạch huy động vốn trái phiếu quốc tế trị giá 300 triệu USD của DXG. Dù có đối tác, dù toàn bộ công tác chuẩn bị cần thiết đã hoàn thành, song theo HĐQT trình cổ đông, do tình hình thị trường tài chính nửa cuối năm 2022 không thuận lợi, nên DXG phải dừng lại kế hoạch nói trên.
Đây không phải lần đầu DXG có các đợt trình ĐHĐCĐ phương án gọi vốn khủng, đã được cổ đông thông qua nhưng không đi đến kết quả. Còn nhớ vào năm 2021, ĐHĐCĐ DXG thông qua kế hoạch phát hành 200 triệu cổ phần, cũng như vào tháng 6/2021 HĐQT DXG phê duyệt việc chào bán tối đa 300 triệu USD, dự kiến niêm yết trái phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán Singapore. Dù các phương án gọi vốn hoành tráng, cổ đông nhà đầu tư tin tưởng đã đến “phút 89”, chỉ còn “chờ tiền về”, song lại có cùng một lý do, cùng một kết quả - trình ĐHĐCĐ năm sau cho tạm dừng các kế hoạch nói trên.
Với một công ty đại chúng như DXG, việc xây dựng các phương án gọi vốn cho viễn cảnh triển khai dự án quy mô lớn, luôn có thể tác động đến tâm lý của nhà đầu tư. Và với những phương án tưởng chắc chắn gần như 100%, nhà đầu tư có thể thiệt hại trên thị trường chứng khoán khi tiến độ sau đó không như kế hoạch.
DXG sẽ gọi vốn ra sao?
ĐHĐCĐ DXG đã thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Theo đó, Tập đoàn dự kiến chào bán và phát hành thêm 161,6 triệu cổ phiếu qua 3 phương thức chào bán cho cổ đông hiện hữu, nhà đầu tư chuyên nghiệp và phát hành ESOP, qua đó nâng vốn lên hơn 7.794 tỷ đồng.
Kế hoạch sử dụng vốn của DXG chủ yếu cho công ty phát triển dự án - CTCP Đầu tư Kinh doanh BĐS Hà An. Theo đó, DXG sẽ dùng hơn 1,1 nghìn tỷ đồng rót vốn cho Hà An, trong đó sử dụng cho thanh toán thuế và các khoản phải nộp, thanh toán nợ gốc và lãi tại 2 công ty BĐS Hội An Invest và TMDV Hà Thuận Hùng. Cả 3 công ty thuộc đối tượng rót vốn- thanh toán nợ, đều thuộc công ty con mà DXG nắm giữ 100% và trên 99%.
Chưa thấy DXG có phương án vốn nào cho các dự án khủng ở các giai đoạn tới, trong khi Hà An đang lỗ sâu. Rất có khả năng sau khi ‘sạch nợ’, các công ty con lại sẽ có các phương án huy động vốn tiếp theo cho các dự án mà DXG tính toán, quỹ đất còn lớn mang đến doanh thu khủng trong tương lai.
Ngoài ra trong số tiền huy động từ phát hành cổ phiếu, DXG sẽ dùng hơn 100 tỷ để thanh toán thuế và các khoản phải nộp Nhà nước, chi phí hoạt động cho DXG.
Hiện cổ phiếu của DXG trên thị trường đang dao động quanh mốc 14.500đ/cp. DXG có thời điểm tuột mốc giao dịch dưới thị giá và kể từ đầu tháng 5 đến nay, DXG chỉ nhích nhẹ từ mức 13.3 lên thị giá hiện tại, khá chậm so với nhiều cổ phiếu bất động sản khác.
Với triển vọng kinh doanh BĐS nhà ở - phân khúc DXG tập trung và đang có các dự án kỳ vọng ghi nhận doanh thu - vẫn được dự báo còn khó khăn trong 2023. Bản thân DXG cũng đặt kế hoạch thận trọng so sánh trên nền sụt giảm của 2022 và kết quả kinh doanh quý I/2023 đã chuyển lãi sang lỗ so với cùng kỳ, nhà đầu tư lại cũng đang thận trọng về khả năng tăng vốn và gây loãng giá cổ phiếu DXG trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm