“Cơn gió ngược” cản bước TAR
Những thách thức trong hoạt động xuất khẩu gạo, huy động vốn cho các dự án… khiến Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HNX: TAR) phải giảm kế hoạch kinh doanh.
>>Doanh nghiệp ngành gạo đang làm ăn ra sao?
TAR đặt mục tiêu năm 2023 đi lùi với doanh thu 3.800 tỷ đồng và lãi sau thuế 50 tỷ đồng, giảm gần 34% so với năm 2022.
Khó khăn còn nhiều
TAR vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất cho quý 1/2023 với doanh thu thuần đạt 897 tỷ đồng, giảm hơn 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ đi các chi phí, TAR lãi ròng hơn 8,4 tỷ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo TAR, lãi ròng giảm chủ yếu do chi phí lãi vay cao hơn so với cùng kỳ 2022.
Trong năm 2023, Công ty tiếp tục theo đuổi định hướng xây dựng thương hiệu gạo sạch Trung An chế biến theo hướng công nghệ cao, hướng tới mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp bền vững, khẳng định thương hiệu gạo Trung An trên thị trường quốc tế, có trữ lượng gạo sạch và xuất khẩu gạo sạch lớn nhất cả nước.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1/2023 vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng. Trong đó, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 35% tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước (đạt trên 129.323 tấn).
Tuy nhiên, gạo xuất khẩu của Việt Nam nói chung và TAR nói riêng sẽ đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn từ gạo Thái Lan. Theo Hiệp hội doanh nghiệp xuất khẩu gạo Thái Lan, xuất khẩu gạo của Thái Lan sang Philippines dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong năm 2023.
Ngoài ra, TAR sẽ đối mặt với rủi ro biến động nguyên vật liệu đầu vào giá phân bón trong nước nếu Chính phủ ưu tiên dùng khí cho sản xuất điện và đóng cửa tạm thời 2 nhà máy đạm Cà Mau và Phú Mỹ.
8,4 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế quý 1/2023 của TAR, giảm tới 68% so với cùng kỳ năm 2022.
Thách thức huy động vốn
Để triển khai các dự án dang dở, trong kế hoạch năm 2023 Công ty sẽ tập trung đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu sang các tỉnh ĐBSCL bằng hình thức liên kết sản xuất. Công ty sẽ cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… cho các vùng chuyên canh trồng lúa sạch. Điều này sẽ giúp TAR chủ động được nguyên liệu đầu vào đảm bảo an toàn, chất lượng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Công ty cũng đầu tư một số hoạt động sản xuất và kinh doanh mang tính bền vững, như xử lý rác thải sinh hoạt ứng dụng công nghệ cao chuyển hóa thành điện năng và sản xuất phân bón hữu cơ để phục vụ trồng lúa sạch của Công ty.
Để triển khai các dự án này, TAR sẽ thực hiện phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ theo phương án đã được thông qua tại ĐHĐCĐ 2022. Cụ thể, Công ty dự kiến phát hành thêm hơn 39 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cp và phát hành riêng lẻ 40 triệu cổ phiếu với giá 20.000 đồng/cp.
Đối với phần vốn góp tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An Kiên Giang, TAR đã thông qua thoái bớt phần vốn góp tại đây, dự kiến số tiền thu về tối thiểu sẽ đạt 191 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được dùng để tăng vốn lưu động, góp vốn thành lập các công ty con của TAR. Tuy nhiên, trong ĐHĐCĐ năm 2023, TAR đề xuất sẽ hủy phương án thoái vốn trên do viễn cảnh huy động vốn qua thị trường chứng khoán không rõ ràng.
Trong khi kinh doanh khó khăn, nhiều dự án kinh doanh còn thiếu vốn, rõ ràng đây sẽ là bài toán đầy thách thức cho Ban Lãnh đạo TAR trong năm 2023.
Có thể bạn quan tâm