Khơi vốn trái phiếu chống lạm phát
Sau đề xuất của VAFI, Thủ tướng đã giao các cơ quan chức năng nghiên cứu loại trái phiếu đảm bảo chống rủi ro lạm phát, và loại do NHNN bảo lãnh.
>>>Tạo dựng niềm tin với TPDN: Vì sao đề xuất NHNN bảo lãnh trái phiếu?
VAFI đã đề xuất xây dựng các loại trái phiếu gần như tuyệt đối an toàn: Thứ nhất, đây là trái phiếu được bảo lãnh thanh toán tiền lãi và gốc đúng hạn trong mọi tình huống, nhưng có thể có rủi ro nhỏ như lạm phát, VND mất giá.
Thứ hai, trái phiếu gần như tuyệt đối an toàn còn có trái phiếu do các ngân hàng kinh doanh hiệu quả, tình hình tài chính lành mạnh phát hành và được NHNN bảo lãnh thanh toán, hội đủ điều kiện niêm yết trên HoSE, có tiêu chuẩn về tỷ suất lợi nhuận tương đối, tỷ lệ nợ xấu thấp, NHNN cần quy định khối lượng phát hành...
Ở loại thứ nhất, cần phân định rõ trái phiếu Chính phủ (TPCP) và trái phiếu an toàn gần như đảm bảo trong mọi tình huống. Trong đó, TPCP có 2 loại là trái phiếu kho bạc và trái phiếu đầu tư.
Nếu như trái phiếu kho bạc được phát hành qua hệ thống Kho bạc Nhà nước thì trái phiếu đầu tư được phát hành qua phương thức đấu thầu qua trung tâm giao dịch chứng khoán tập trung, bảo lãnh hoặc là đại lí phát hành.
Theo Chuyên gia tài chính Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, riêng đối với loại trái phiếu an toàn gần như đảm bảo trong mọi tình huống, bao gồm không mất giá do lạm phát, thì đã được phát hành ở Mỹ, châu Âu. Trong đó, Mỹ đã phát hành loại trái phiếu điều chỉnh theo lạm phát, có tên gọi tắt là TIPS.
Nếu phát hành trái phiếu chống lạm phát với lãi suất và mức điều chỉnh lên xuống theo lạm phát, thì về cơ bản Nhà nước sẽ dễ dàng huy động vốn tốt hơn và cân đối ngân sách tốt hơn. Đây là sản phẩm rất đáng được xem xét để đưa vào phát hành.
Còn đối với trái phiếu ngân hàng, nếu là nhóm NHTMCP, cần xem xét ở khía cạnh NHNN bảo lãnh có phù hợp, có đi ngược cơ chế thị trường, có làm méo mó và làm chậm lại nỗ lực thúc đẩy thị trường phát triển mạnh mẽ theo hướng ổn định, bền vững...
Có thể bạn quan tâm