Kỳ vọng báo cáo tài chính của doanh nghiệp bán lẻ cải thiện từ quý 3
Mặc dù ngành bán lẻ sẽ không có sự hồi phục hình chữ V vì nền kinh còn gặp nhiều khó khăn, nhưng sẽ đi lên theo mô hình tương đối thoải, biểu hiện là quý 3 tốt hơn quý 2 và quý 4 tốt hơn quý 3.
>>Ngành bán lẻ tăng tốc trên "đường đua 4.0"
Các doanh nghiệp có sự phân hoá
Nhìn vào bức tranh tổng quan về hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ sẽ thấy, doanh thu và lợi nhuận vẫn còn kém; nhưng doanh thu đã bắt đầu có những dấu hiệu khởi sắc từ quý 2/2023.
Biên lợi nhuận của tất cả các doanh nghiệp đang có những câu chuyện trái chiều và có dấu hiệu không mấy tích cực. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp đầu ra cuối như FRT, MWG phải đưa mình vào chiến lược cạnh tranh về giá lớn, nhằm kích cầu doanh số và giành lại thị phần khiến biên lợi nhuận gộp có xu hướng đi xuống.
Ở chiều ngược lại như DWG lại có tỷ lệ biên lợi nhuận ổn định, thậm chí quý 2 có mức tăng trưởng khá tốt. Hay với TLG - một doanh nghiệp rất đặc thù “một mình một ngựa” ở mảng văn phòng phẩm là vẫn giữ được mốc biên lợi nhuận cao liên tục trên 40%.
Như vậy, các doanh nghiệp đều có sự phân hóa nhất định, nhưng các nhóm bán lẻ đa số đã tạo đáy ở quý 1/2023 và quý 2 bắt đầu có sự hồi phục nhẹ. Tuy là có tính chất cục bộ và có những lý do riêng, nhưng đó cũng là tín hiệu đáng mừng.
Xét về tương quan với vĩ mô, tiêu dùng nội địa có sự liên quan trực tiếp đến tăng trưởng GDP. Chúng ta không thể có GDP cao nếu tiêu dùng nội địa ảm đạm và ngược lại.
Nhìn chung quý 2/2023, tăng trưởng kinh tế đã có sự cải thiện mạnh mẽ so với quý 1 (khoảng 4,1%). Bệ đỡ của sự tăng trưởng này phần nào đến từ sự tăng trưởng trở lại của tổng mức bán lẻ hàng hóa dù vẫn còn thấp. Đặc biệt khi nhìn vào câu chuyện tăng trưởng tín dụng ở mức thấp cho thấy nhu cầu tiêu dùng, đầu tư chưa được cải thiện.
>>Ngành bán lẻ năm 2023 có thực sự lạc quan như kỳ vọng?
Chi phí lãi vay cao
Với những chính sách hỗ trợ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, kỳ vọng có độ trễ và sẽ thẩm thấu rõ hơn trong quý tới, nhất là khi mặt bằng lãi suất đang giảm thì tín dụng liên quan đến tín dụng tiêu dùng sẽ có sự hồi phục. Đây là động lực quan trọng để hỗ trợ cho triển vọng ngành bán lẻ nói chung.
Riêng về mảng ICT CE, doanh thu tăng trưởng nhưng vẫn đang trong vùng trũng, cộng thêm với việc dấu hiệu hồi phục chưa quá rõ ràng. Cụ thể, MWG có doanh thu lớn, nhưng mảng ICT CE thì giảm rất nhiều, tạo đáy ở quý 1/2023 và bắt đầu có dấu hiệu quay trở lại. Trong khi đó, các doanh nghiệp khác vẫn chưa có tốc độ tăng trưởng khả quan. Ví dụ như FRT, doanh thu mảng ICT CE là đối thủ cạnh tranh trực tiếp, nhưng đến tận quý 2 vẫn đang chứng kiến lượng doanh thu theo giá trị tuyệt đối giảm so với quý 1 và quý 4/2022. Kinh tế khó khăn, tăng trưởng GDP chưa đạt như kỳ vọng đã ảnh hưởng rõ ràng đến mảng này.
Ngoài ra, số lượng cửa hàng của đại đa số các doanh nghiệp bán lẻ đã và đang dừng. Mặc dù FRT vẫn có tổng lượng cửa hàng tăng đều là do có chuỗi nhà thuốc Long Châu chứ không phải đến từ mảng ICT CE, nên các hoạt động vẫn chưa thực sự mang tính chất phục hồi về pha mở rộng, chủ yếu là phục hồi từ đáy thấp nhất của thị trường đối với ngành bán lẻ trong quý 1 năm nay.
Yếu tố tiếp theo và đi sâu hơn về doanh nghiệp đó là chi phí lãi vay, ảnh hưởng trực tiếp bởi các yếu tố vĩ mô của thị trường. Thứ nhất, về chi phí lãi vay bắt đầu từ cuối quý 1/2022 có dấu hiệu tăng mạnh, là do lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại tăng rất nhiều. Đến hiện tại, gần như các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục với xu hướng tăng đó và chưa có dấu hiệu quay đầu hoặc đạt đỉnh rõ rệt.
Thứ hai, ở khoản vay ngắn hạn bắt đầu có sự phân hóa, các doanh nghiệp bắt đầu giảm lượng vay ngắn hạn sớm như MWG, giảm từ quý 1, quý 2/2022 và tạo đáy cuối năm 2022.
Các doanh nghiệp khác với cơ cấu tỷ lệ lãi vay cao như PET và FRT đến hiện tại vẫn tiếp tục phải giảm lượng vay ngắn hạn, một phần là để giảm áp lực chi phí lãi vay cho doanh nghiệp, nhưng mặt khác cũng thể hiện sự trái chiều trong hoạt động kinh doanh. Vì những doanh nghiệp có nhu cầu vay ngắn hạn tăng cao, chứng tỏ nhu cầu bổ sung vốn lưu động phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đó phục hồi.
Có thể thấy, vay nợ của các doanh nghiệp bán lẻ nhìn chung có xu hướng giảm so với mức đỉnh ở cuối năm 2021 đầu năm 2022, nhưng chi phí lãi vay đang có xu hướng tăng và chưa thấy đỉnh. Nghĩa là lãi suất mà các doanh nghiệp bán lẻ đang phải chịu vẫn đang ở mức cao, cho thấy dù Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ có những động thái hạ lãi suất quyết liệt, song việc này phần nhiều mới nằm ở lãi suất huy động, còn lãi suất cho vay dù có điều chỉnh thì bản thân các doanh nghiệp chưa cảm nhận được rõ nét.
Chúng tôi đánh giá, lãi suất cho vay luôn luôn có độ trễ so với lãi suất huy động và kỳ vọng trong 12 tháng tới, chúng ta sẽ chứng kiến lãi suất cho vay giảm nhanh để bắt kịp nhịp giảm của lãi suất huy động. Đây sẽ là một trong những động lực mà chúng ta kỳ vọng để giúp cải thiện báo cáo tài chính của các doanh nghiệp bán lẻ trong 1-2 quý tới.
Phục hồi từ từ
Qua quan sát của chúng tôi, một số cổ phiếu nổi bật trong ngành bán lẻ trên thị trường hiện nay mà nhà đầu tư có thể quan tâm như: Một là, cổ phiếu MWG đã chiến thắng trong cuộc chiến giá rẻ và đang ngày càng giành được thị phần đặc biệt ở mảng ICT CE.
Nếu so sánh trong giai đoạn quý 2/2023, kể từ lúc MWG bắt đầu mở màn cuộc chiến giá rẻ mang tên “Giá rẻ quá”, thì đồng nghĩa với việc FRT cũng như một số doanh nghiệp bán lẻ khác buộc phải tham gia vào cuộc chiến này, nếu không muốn đánh mất thị phần trong mảng ICT CE.
Sau khi áp dụng cuộc chiến giá rẻ, doanh thu quý 2 của MWG tăng lên đáng kể so với quý 1, ban lãnh đạo của MWG cũng cho biết, doanh thu chung của mảng ICT CE không tăng, nhưng riêng doanh thu ICT CE của MWG tăng cho thấy công ty đã chiến thắng.
Việc giành thị phần này có ưu thế rất lớn đối với tập khách hàng hiện hữu, bởi vì khi khách hàng đến trải nghiệm và cảm thấy hài lòng họ sẽ quay trở lại với cửa hàng. Đây sẽ là yếu tố tạo đà cho MWG trong việc cạnh tranh thị phần, nhưng câu chuyện cuối năm nay còn bị ảnh hưởng nhiều bởi sản phẩm mới ra đó là iPhone 15 khiến chúng ta sẽ phải quan sát thêm.
Nhìn chung, chuyển động của MWG cuối năm nay khá tích cực, song giá cổ phiếu MWG hiện đang ở mức trên 50.000 đồng/cổ phiếu là mức tăng khá lớn (40%) so với vùng đáy trung hạn thiết lập gần đây nhất là từ 38.000 - 39000 đồng. Ở mức giá hiện tại, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư có thể chốt lời nếu có lãi, hoặc tiếp tục nắm giữ trong dài hạn.
Hai là, cổ phiếu FRT có mảng nổi bật là bán lẻ dược phẩm với chuỗi nhà thuốc Long Châu. Trên thị trường hiện nay có 3 đối thủ cạnh tranh chính là Long Châu, An Khang và Pharmacity, tuy nhiên FRT có lợi thế cạnh tranh đặc biệt hơn so với hai nhà thuốc còn lại nhờ vào số lượng nhà thuốc. Giai đoạn quý 1, quý 2/2023, Long Châu vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh so với năm 2022 trong khi hai đối thủ là An khang đã mở mới khá thận trọng và chậm lại; còn Pharmacity phải đóng các cửa hàng không hiệu quả để tái cơ cấu tốt hơn.
Với lợi thế cạnh tranh sẵn có như tư vấn tốt, dịch vụ tốt, Long Châu là chuỗi cửa hàng thuốc duy nhất có lãi trước thuế trong mảng dược phẩm.
Ba là, DGW - doanh nghiệp bán buôn ICT CE. Mặc dù các doanh nghiệp cạnh tranh trong mảng chiến lược giá rẻ, nhưng riêng DGW không bị ảnh hưởng quá nhiều. Nhìn vào doanh thu, lợi nhuận sau thuế của DGW trong quý 2/2023 sẽ thấy, doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế đều có mức tăng trưởng khá tốt so với quý 1, đặc biệt tất cả các mảng của DGW như ICT CE hay thiết bị văn phòng, thiết bị gia dụng, hàng tiêu dùng đều có mức tăng trưởng khá tốt.
Điểm mấu chốt là cuộc chiến giảm giá vừa qua ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp đầu ra như FRT, Phong Vũ, Cellphone S,... nhưng không ảnh hưởng đến bên bán buôn, do vậy cổ phiếu DGW có mức tăng trưởng tốt hơn và sự hồi phục cũng đi trước bao gồm cả tăng trưởng doanh thu.
Bốn là, cổ phiếu PET cũng là doanh nghiệp bán buôn trong mảng ICT CE; mảng điện thoại di động của PET hiện đã chiếm trên 50% thị phần, doanh nghiệp này tập trung chính vào các sản phẩm của Samsung, Realme và Nokia.
Năm là, PNJ đây là cổ phiếu rất đặc biệt. Doanh nghiệp này có thị phần lớn nhất trong ngành bán lẻ trang sức ở Việt Nam với số cửa hàng từ năm 2021 đến 2023 đã tăng lên khá mạnh.
Có thể thấy, PNJ đang chuyển dần cơ cấu doanh thu sang mảng bán lẻ và sau đó, biên lợi nhuận gộp trong giai đoạn từ cuối năm 2022 đến nay đã ở mức nền cao hơn hẳn so với giai đoạn năm 2021 và nửa đầu 2022.
Về tổng thể, bức tranh ngành bán lẻ nói chung, đâu đó vùng đáy đã rơi vào quý 1 hoặc quý 2/2023 tùy vào mỗi doanh nghiệp, vì bản thân mỗi doanh nghiệp cũng có sự phân hóa khác nhau. Chúng tôi kỳ vọng sự hồi phục sẽ xuất hiện rõ nét hơn đối với các doanh nghiệp bán lẻ trong một vài quý tới.
Mặc dù sẽ không thể có sự hồi phục hình chữ V, vì nền kinh tế sẽ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, phải đến năm 2024 chúng ta mới có thể chứng kiến sự bứt phá nếu mọi thứ thuận lợi. Như vậy, sự hồi phục của nhóm ngành này sẽ là mô hình tương đối thoải, biểu hiện là quý 3 tốt hơn quý 2 và quý 4 tốt hơn quý 3.
Có thể bạn quan tâm
World Mode Holdings hỗ trợ toàn diện nhân tài ngành bán lẻ Việt Nam làm việc tại Nhật Bản
09:55, 27/03/2023
Ngành bán lẻ mục tiêu tăng trưởng nhẹ
12:00, 07/03/2023
Ngành bán lẻ năm 2023 có thực sự lạc quan như kỳ vọng?
11:07, 07/03/2023
“Chắt lọc” cổ phiếu ngành bán lẻ
04:00, 24/02/2023
Ngành bán lẻ hút vốn đầu tư ngoại
12:00, 23/02/2023