Thiếu vốn, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản còn khó khăn trong quá trình phục hồi

AN ĐỊNH 22/09/2023 16:00

Cùng với bối cảnh vĩ mô tiêu cực, việc khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng, tồn kho, thiếu vốn..., là những vấn đề thách thức các doanh nghiệp thủy sản, nhất là nhóm hoạt động xuất khẩu.

>>>Lấy lại đà cho xuất khẩu thuỷ sản

Theo các chuyên gia của FiinRatings, có 3 yếu tố chính là trở ngại đối với quá trình phục hồi của ngành thủy sản và các doanh nghiệp trong năm nay.

2023, ngành xuất khẩu thủy sản có một năm khó khăn hơn so với 2022

2023, ngành xuất khẩu thủy sản có một năm khó khăn hơn so với 2022

3 yếu tố trở ngại với xuất khẩu thủy sản

Khó trong tìm kiến đơn hàng: Ngay từ đầu năm, những khó khăn đã xuất hiện đối với ngành thủy sản, trái với kết quả tích cực của năm 2022, khi xuất khẩu thủy sản chịu nhiều áp lực từ các yếu tố vĩ mô tiêu cực cả trong nước vào quốc tế.

Đầu tiên, giá xuất khẩu của các mặt hàng thủy sản đầu năm nay có xu hướng giảm đáng kể. Sự cạnh tranh về giá thủy sản trên thị trường quốc tế từ Ấn Độ hay Ecuador đã khiến việc tìm kiếm các đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam gặp khó khăn, dẫn tới việc các doanh nghiệp liên tục giảm giá.

Thứ hai, nhu cầu thủy sản nhập khẩu cũng giảm do các quốc gia nhập khẩu cũng chưa tiêu thụ hết lượng hàng tồn kho rất lớn ở năm trước. Hai nhân tố chính trên đã tác động làm giảm giá trị xuất khẩu thủy sản nửa năm đầu 2023 khi giảm từ 5,7 tỷ USD trong năm 2022 về còn 4,1 tỷ USD trong năm 2023, tương ứng giảm khoảng 27%, đánh dấu sự đứt đoạn hồi phục kể từ năm 2021 của ngành.

Áp lực tồn kho: Trong bối cảnh giá xuất khẩu và nhu cầu nhập khẩu quốc tế giảm, ngành thủy sản Việt Nam cũng cần phải giải quyết vấn đề hàng tồn kho cao của năm 2022. Nhóm phân tích FiinRatings cho biết theo quan sát về một doanh nghiệp thủy sản, bình quân tồn kho ước tính đã tăng tới gần 30% từ 4,4 tỷ VND lên hơn 5,6 tỷ VND vào cuối thời điểm năm 2022.

Việc tồn đọng hàng tồn kho cao vào cuối năm trước trong khi thời gian luân chuyển hàng tồn kho chậm sẽ có thể dẫn tới các chi phí lưu trữ bảo quản hàng tồn kho gia tăng thêm trong bối cảnh lạm phát trong năm 2023. Đây là một thách thức lớn cho các doanh nghiệp thủy sản nếu như không tìm kiếm được thị trường tiêu thụ trong năm 2023.

Khó tiếp cận tài chính: Khó khăn đối với doanh nghiệp năm 2023 không chỉ dừng lại ở khâu bán hàng, việc tìm kiếm nguồn vốn đặc biệt là vốn vay cũng đang đặt ra một số trở ngại nhất định cho ngành thủy sản.

Nhóm phân tích thống kê, tỷ trọng vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản của doanh nghiệp ngành thủy sản luôn ở trên mức 50% và tỉ lệ nợ vay trên tổng nguồn vốn chủ sở hữu ngành thủy sản có xu hướng giảm trong giai đoạn 2018-2022. Điều này cho thấy việc tài trợ dài hạn cho doanh nghiệp thủy sản thường đến từ vốn tự có.

Giai đoạn cuối 2022 sang 2023, lãi suất tăng cao cùng với thắt chặt tín dụng sẽ vẫn tiếp tục khiến cho các doanh nghiệp thủy sản gặp khó trong việc tiếp cận vốn vay để duy trì sản xuất – xuất khẩu. Việc khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay sẽ khiến doanh nghiệp ngành thủy sản chưa thể đầu tư phát triển công nghệ để giải quyết bài toán năng suất, giảm chi phí sản xuất đã đề cập ở phần trước.

>>>Fed giữ nguyên lãi suất lần thứ 2 trong năm, nhưng sẵn sàng cho đợt tăng cuối 2023

"Trong năm 2023, chúng tôi nhận định rủi ro về tài chính sẽ là vấn đề mà các doanh nghiệp thủy sản cần đặc biệt quan tâm", các chuyên gia lưu ý.

Giải pháp ứng phó

Ngành sản xuất thủy sản của Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong hành trình phục hồi của mình trong năm 2023. Những thách thức này xuất phát từ tác động tiêu cực từ thị trường quốc tế và các vấn đề đang kéo dài từ năm 2022. Các thách thức quan trọng bao gồm việc quản lý hàng tồn kho chưa hiệu quả, đối phó với sự gia tăng trong chi phí sản xuất và khó khăn trong việc đảm bảo nguồn tài chính. Bên cạnh các giải pháp bản thân các doanh nghiệp cần tự thực hiện, Chính phủ và Hiệp hội ngành cũng nên có sự hỗ trợ nhất định cho ngành thủy sản để tháo gỡ các khó khăn.

Gỡ khó cho ngành thủy sản, giúp giải phóng hàng tồn kho, tăng cơ hội tiếp cận vốn

Gỡ khó cho ngành thủy sản: Hỗ trợ tìm đơn hàng giúp giải phóng hàng tồn kho, tăng cơ hội tiếp cận vốn

Nhóm chuyên gia FiinRatings đề xuất một số giải pháp:

Cụ thể, đối với những thách thức này, các doanh nghiệp thủy sản nên tập trung vào việc đa dạng hóa nguồn tài chính thông qua việc cộng tác mạnh mẽ với các tổ chức tài chính và nhà đầu tư. Sự hợp tác này có thể bao gồm việc thiết lập các đối tác chiến lược và phân tích các lựa chọn tài chính khác nhau. Doanh nghiệp cũng nên tìm kiếm các nguồn vay dài hạn nhằm tập trung cho việc nghiên cứu phát triển hay đầu tư vào công nghệ tiên tiến để cải thiện hiệu quả sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh từ đó tăng giá trị xuất khẩu và giảm thiểu được áp lực giá bán quốc tế.

Ngoài ra, các doanh nghiệp thủy sản cũng có thể áp dụng các chiến lược linh hoạt và tiến hành phân tích rủi ro toàn diện để vượt qua biến động trên thị trường.

Từ quan điểm của Chính phủ, việc tăng tốc việc thực hiện các biện pháp cụ thể để hỗ trợ sự phát triển bền vững của ngành sản xuất thủy sản là cực kỳ quan trọng. Điều này bao gồm việc hỗ trợ việc cấp vốn thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp các gói vay tín dụng như gói vay 10 nghìn tỷ VND, tối ưu hóa chính sách hoàn thuế GTGT và phát triển hạ tầng giao thông vận tải.

Đồng thời, việc tích cực thúc đẩy xúc tiến thương mại, khuyến khích các doanh nghiệp thủy sản đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, cải thiện hiệu suất sản xuất và tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường cũng sẽ hỗ trợ đáng kể cho xuất khẩu thủy sản trong tương lai. Cũng cần lưu ý các chính sách của Chính phủ cũng cần phải duy trì sự phù hợp với các hiệp định thương mại giữa các đối tác quốc gia để đảm bảo môi trường thuận lợi và cạnh tranh cho sự phát triển và khả năng phục hồi của ngành công nghiệp thủy sản.

Kỳ vọng "rộng đường" hơn về cuối năm

Bên cạnh các giải pháp đề xuất kể trên, một chuyên gia cũng lưu ý rằng bối cảnh của xuất khẩu thủy sản hiện đang phụ thuộc lớn vào nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường chủ chốt, các đối tác bạn hàng lớn. Ngay từ tháng 6, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã nhận định là thị trường thủy sản đang có những tín hiệu tốt dần lên. Trong đó, Mỹ trở lại vị trí thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Mặt khác, tín hiệu sáng sủa hơn nữa là các mặt hàng chủ lực đang hạ dần mức độ sụt giảm so với cùng kỳ. Không chỉ thị trường Mỹ mà xuất khẩu sang các thị trường chủ lực khác như EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều đạt doanh số cao nhất từ đầu năm tới nay.

"Đây là những tín hiệu rất tích cực cho kỳ vọng tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, tháo gỡ trực tiếp các khó khăn về tồn kho và tìm kiếm đơn hàng mới vào cuối năm", chuyên gia cho biết.

Cùng với đó, có nhiều thông tin/ diễn biến cũng đang tác động kỳ vọng xuất khẩu thủy sản cuối năm. Trong đó, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt nền tảng cho việc mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong hợp tác giao thương với Mỹ ở rất nhiều lĩnh vực, bao gồm các ngành xuất khẩu với các mặt hàng trọng yếu trong đó có thủy sản. Hay việc từ 24/8, Trung Quốc thông báo cấm nhập khẩu toàn bộ hải sản từ Nhật Bản, sau khi Tokyo bắt đầu đợt xả nước thải hạt nhân ra biển đầu tiên, cũng là điều kiện cho kỳ vọng tăng đơn hàng vào quý IV/2023. Tuy nhiên, xét trên tổng kim ngạch xuất khẩu, ở góc độ toàn diện của ngành, các doanh nghiệp đều cho rằng, cơ hội cho thủy sản Việt sang thị trường Trung Quốc không quá lớn.

"Đối với các nhà sản xuất cá tra niêm yết tại Việt Nam: IDI, ANV và VHC đều có xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong 6 tháng đầu 2023, doanh thu từ Trung Quốc lần lượt chiếm 40%, 30% và 11% tổng doanh thu của IDI, ANV và VHC. Chúng tôi ghi nhận khối lượng tăng nhẹ so với cùng kỳ của xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc vào tuần trước (thời điểm Trung Quốc tuyên bố chính thức cấm nhập hải sản Nhật Bản), tuy nhiên không đáng kể và chúng tôi cho rằng không liên quan đến tin cấm nhập khẩu này, và giá bán trung bình vẫn ở mức thấp là 2 USD/kg (trung bình năm 2022: 2,5 USD/kg)", SSI Research nhận định.

Theo ước tính của VASEP, ghi nhận đến tháng 8/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 846 triệu USD, tăng hơn 15% so với tháng 8/2022, tuy nhiên đây là mức tăng trưởng âm thấp nhất trong 6 tháng qua. Tín hiệu tích cực là doanh số cao hơn so với những tháng trước cuối năm, có thể là chỉ báo cho thấy sự phục hồi của ngành thủy sản xuất khẩu, tuy còn trở lại, nhưng đã rộng đường hơn.

Có thể bạn quan tâm

  • Động lực cho thuỷ sản Tây Nguyên

    Động lực cho thuỷ sản Tây Nguyên

    11:33, 31/08/2023

  • Lâm thuỷ sản “trượt dốc”, xuất khẩu trông chờ vào rau quả

    Lâm thuỷ sản “trượt dốc”, xuất khẩu trông chờ vào rau quả

    04:00, 31/08/2023

  • Cổ phiếu ngành thủy sản tăng “nóng” khi Trung Quốc cấm thủy sản Nhật Bản

    Cổ phiếu ngành thủy sản tăng “nóng” khi Trung Quốc cấm thủy sản Nhật Bản

    04:30, 26/08/2023

  • Quảng Ninh: Quyết liệt gỡ “thẻ vàng” thuỷ sản

    Quảng Ninh: Quyết liệt gỡ “thẻ vàng” thuỷ sản

    01:23, 18/08/2023

AN ĐỊNH