DHB lỗ nặng quý thứ 3 liên tiếp, kỳ vọng giá phân bón tăng vào cuối năm

ĐÌNH ĐẠI 24/10/2023 04:50

Trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu cũng như giá phân bón giảm mạnh, kết quả kinh doanh quý III của DHB ảm đạm với mức lỗ sau thuế 309 tỷ đồng và là quý thua lỗ thứ 3 liên tiếp của doanh nghiệp này.

>>>Tiêu thụ khó khăn, DHB lỗ đậm

Theo Báo cáo tài chính quý III/2023 mới công bố, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (UpCOM: DHB) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.138 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Do tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn khiến doanh nghiệp ngành phân bón này lỗ gộp gần 40 tỷ đồng, cùng kỳ lãi gộp 580 tỷ đồng.

Đạm Hà Bắc lỗ nặng quý thứ 3 liên tiếp.

Đạm Hà Bắc lỗ nặng quý thứ 3 liên tiếp.

Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp chỉ đạt vỏn vẹn 3 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ, trong khi chi phí cho hoạt động này lại tăng 35% lên 225 tỷ đồng, chủ yếu là do tăng lãi vay dài hạn.

Mặc dù, doanh nghiệp đã cắt giảm được phần lớn các chi phí như chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, với mức cắt giảm lần lượt là 51% và 19% so với cùng kỳ, xuống còn 15 tỷ đồng và 31 tỷ đồng, nhưng vẫn không đủ để giúp doanh nghiệp thoát lỗ quý III, với con số lỗ sau thuế 309 tỷ đồng. Đây cũng là quý thua lỗ thứ 3 liên tiếp của doanh nghiệp ngành phân bón này.

Luỹ kế 9 tháng năm 2023, doanh thu thuần của DHB đạt 3.224 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ hơn 788 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi sau thuế 1.694 tỷ đồng. Kết quả này cũng đã nâng số lỗ luỹ kế của DHB tại thời điểm 30/9 lên gần 3.762 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối quý III, tổng tài sản của DHB đạt gần 6.794 tỷ đồng, trong đó, hàng tồn kho còn 603 tỷ đồng, giảm 31% so với cuối quý II. Các khoản phải thu ngắn hạn là 133 tỷ đồng, giảm 20% so với hồi đầu năm.

Doanh nghiệp có lượng tiền, tiền gửi ngân hàng gần 300 tỷ đồng, nhưng dư nợ tài chính tại cuối kỳ hơn 3.009 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã đi vay gần 1.310 tỷ đồng và trả nợ gốc vay 1.584 tỷ đồng.

Với mức lỗ lũy kế đến cuối quý III xấp xỉ 3.763 tỷ đồng đã khiến vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này bị ăn mòn và âm 1.040 tỷ đồng. Ngoài ra, vốn lưu động của doanh nghiệp cũng âm 5.270 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh ảm đạm của DHB trong quý III, cũng như 9 tháng đầu năm nay, phản ảnh những khó khăn của ngành phân bón, khi cả kim ngạch xuất khẩu, cũng như giá phân bón liên tục giảm trong thời gian qua.

Cụ thể, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng năm 2023 cả nước xuất khẩu 1,1 triệu tấn phân bón các loại, tương đương 449,95 triệu USD, giá trung bình 408,8 USD/tấn, giảm 10,3% về khối lượng, giảm 43,2% về kim ngạch và giảm 36,7% về giá so với cùng kỳ năm 2022.

Phân bón của Việt Nam hiện đang xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia, riêng thị trường này đã chiếm trên 36,5% trong tổng khối lượng và chiếm 37,3% tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước, đạt 401.941 tấn, tương đương 167,74 triệu USD, giá trung bình 417,3 USD/tấn, tăng 19,6% về lượng nhưng giảm 6,8% kim ngạch và giá giảm 22,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, trái ngược với tình hình xuất khẩu phân bón, nhập khẩu phân bón của Việt Nam trong 8 tháng lại tăng rất cao. Cụ thể, trong tháng 8, Việt Nam nhập khẩu hơn 472.283 tấn phân bón, tương đương 159 triệu USD, tăng 54% về lượng và tăng 85% về giá trị so với tháng 7.

Lũy kế 8 tháng năm 2023, nhập khẩu phân bón về Việt Nam đạt gần 2,5 triệu tấn, tương đương 833 triệu USD, tăng 13% về lượng nhưng giảm 19% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá phân bón nhập khẩu trong tháng 8 ở mức 338 USD/tấn, tăng 19% so với tháng 7 nhưng giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022.

Trên UpCOM, cổ phiếu DHB đang giao dịch quanh mức giá 7.200 đồng/cổ phiếu, giảm

Trên UpCOM, cổ phiếu DHB đang giao dịch quanh mức giá 7.200 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 26,5% so với hồi đầu tháng 9 vừa qua.

Mặc dù vậy, từ đầu tháng 9/2023, thông tin một số nhà sản xuất phân urê lớn của Trung Quốc ngừng ký các hợp đồng xuất khẩu mới theo yêu cầu của Chính phủ nước này đã tác động không nhỏ tới thị trường phân bón toàn cầu.

Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ urê hàng đầu thế giới, nên việc đưa ra lệnh hạn chế xuất khẩu phân urê có thể tạo ra nguy cơ thắt chặt nguồn cung và đẩy giá phân bón tăng cao. Các thị trường xuất khẩu phân bón lớn nhất của Trung Quốc là Ấn Độ, Hàn Quốc, Myanmar, Australia.

Theo Bloomberg, nhà sản xuất urê lớn của Trung Quốc là CNAMPGC Holding hạn chế xuất khẩu phân bón để đảm bảo nguồn cung trong nước và ổn định mức giá. Chính sách tạm dừng xuất khẩu phân urê được cơ quan quản lý Trung Quốc đưa ra vì lo ngại thiếu hụt nguồn cung phục vụ sản xuất nông nghiệp và nạn đầu cơ sẽ đẩy giá tăng cao.

Trước những thông tin tích cực mang lại, giới chuyên gia nhận định, các doanh nghiệp phân bón của Việt Nam sau một thời gian kinh doanh gặp nhiều khó khăn đang đón nhận một cú hích lớn từ thị trường, đồng thời, kỳ vọng giá phân bón tăng sẽ góp phần cải thiện biên lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Công ty Chứng khoán BSC nhận định, ngành phân bón có triển vọng tích cực trong những tháng cuối năm 2023. Giá phân bón trong nước sẽ duy trì xu hướng tăng để bắt kịp đà tăng của giả urê thế giới. Theo BSC, giá urê trong nước có thể đạt 11.500 - 11.800 đồng/kg, tương ứng tăng 25 - 30% so với mức đáy đầu tháng 6.

Tương tự, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng chỉ ra những tín hiệu tích cực hỗ trợ ngành trong nửa cuối năm. Theo đó, cuộc đấu thầu phân bón tại Ấn Độ trong tháng 8 có thể tạo tâm lý tích cực trong ngắn hạn lên giá ure. Ngoài ra, việc Brazil và Mỹ đang bước vào mùa gieo trồng có thể hỗ trợ giá phân bón.

Theo VDSC, giá ure thế giới có thể tăng trong những tháng cuối năm 2023 và thị trường nội địa của Việt Nam cũng diễn biến cùng pha. Tại Việt Nam, sản lượng sản xuất ure trong 6 tháng cuối năm thường cao hơn nửa đầu năm từ 5-12%, chủ yếu phục vụ cho vụ mùa Đông-Xuân.

Có thể bạn quan tâm

  • Tiêu thụ khó khăn, DHB lỗ đậm

    Tiêu thụ khó khăn, DHB lỗ đậm

    04:00, 21/07/2023

  • Bài toán khó của Đạm Hà Bắc liệu được tháo gỡ?

    Bài toán khó của Đạm Hà Bắc liệu được tháo gỡ?

    00:00, 03/04/2022

  • Thua lỗ vẫn đang

    Thua lỗ vẫn đang "phong tỏa" Đạm Hà Bắc

    02:19, 28/10/2020

  • Đạm Hà Bắc lỗ...

    Đạm Hà Bắc lỗ... "có hệ thống"

    12:35, 23/08/2020

  • Đạm Hà Bắc lỗ lớn vì gánh nặng lãi vay

    Đạm Hà Bắc lỗ lớn vì gánh nặng lãi vay

    11:15, 02/08/2020

ĐÌNH ĐẠI