Bài toán khó của Đạm Hà Bắc liệu được tháo gỡ?

THY HẰNG 03/04/2022 00:00

Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc là một trong 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương, phải xử lý theo Quyết định số 1468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

>>>Dự án thua lỗ, kém hiệu quả và mệnh lệnh của Thủ tướng

Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc là một trong 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương, phải xử lý theo Quyết định số 1468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Quyết liệt tái cơ cấu

Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Phùng Quang Hiệp, những năm qua, Tập đoàn đã quyết liệt thực hiện tái cơ cấu Công ty, đổi mới công tác quản trị, tổ chức lại sản xuất và quản lý sản xuất theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trực thuộc.

Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc - một trong 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương.

Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc - một trong 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương.

Định biên của Công ty năm 2015 là 1.774 người, đến nay giảm còn trên 1.200 người. Các đầu mối cắt giảm mạnh mẽ, năm 2015 là 32 đầu mối, đến năm 2020 còn 24 đầu mối, dự kiến năm 2022 cắt giảm còn 18 đầu mối. Việc làm và thu nhập của người lao động được đảm bảo, bình quân năm 2021 đạt 8 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm làm ra đều tiêu thụ hết.

Tuy nhiên, 5 năm qua, cho đến năm 2020, đạm Hà Bắc vẫn lỗ lũy kế 4.760 tỷ đồng, tương đương 793 tỷ đồng/năm. Nguyên nhân chính là do giá nguyên vật liệu tăng, chi phí tài chính rất lớn, tăng hơn 2,33 lần.

Hiện đạm Hà Bắc đang vay của Ngân hàng Phát triển (VDB) và ngân hàng thương mại, phải chịu mức lãi suất cao, bình quân chung là 10,78%/năm và lãi phạt (do gốc và lãi đến hạn không trả được) lên đến 16,7%/năm. Có thời điểm, chi phí tài chính của Công ty chiếm 42,5% doanh thu, lãi chồng lãi, dẫn đến rất khó khăn.
Theo ông Phùng Quang Hiệp, năm 2021, tình hình thị trường phân bón có nhiều khả quan, Công ty hoạt động ổn định, đạt 92% công suất và đưa ra thị trường 473.000 tấn ure, đạt doanh thu 4.558 tỷ đồng.

Sau 6 năm đưa dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc đi vào hoạt động, đây là năm đầu tiên Công ty có lãi 6,25 tỷ đồng, tuy còn ít nhưng là nguồn động viên lớn cho cán bộ, công nhân viên.

Công ty đã dành hết nguồn lực để trả cho ngân hàng. Song, do gánh nặng tài chính lớn, nếu không tái cơ cấu, đạm Hà Bắc sẽ không duy trì và phát triển bền vững, dự báo có thể quay lại lỗ vào năm 2023.

Khẳng định việc tái cơ cấu tài chính là đặc biệt quan trọng với Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam bày tỏ mong muốn có cơ chế đặc thù để sớm đưa Công ty thoát khỏi khó khăn.

4 phương án xử lý vấn đề của Đạm Hà Bắc

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả sản xuất kinh doanh đang có dấu hiệu khởi sắc, thì khoản lỗ lũy kế trong 5 năm qua của Đạm Hà Bắc vẫn còn rất lớn. Nguyên nhân cơ bản là do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng và chi phí tài chính rất lớn. Đạm Hà Bắc đang vay của các ngân hàng với lãi suất cao và phải chịu lãi phạt (do không trả đúng hạn), dẫn đến lãi chồng lãi.

  • "Tăng tốc" xử lý 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương
  • 1 trong 12 dự án thua lỗ của Bộ Công Thương: Vừa "gượng dậy" lại “gục ngã”?

"Nếu không tái cơ cấu tài chính thì Đạm Hà Bắc khó có thể phát triển ổn định, bền vững", lãnh đạo Vinachem bày tỏ và cho biết, theo phương án tính toán của Vinachem, nếu tái cơ cấu Đạm Hà Bắc sẽ lãi khoảng 828 tỷ đồng/năm.

Theo đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam xây dựng 4 phương án xử lý vấn đề của Đạm Hà Bắc là: Chuyển vốn vay thành vốn góp; cơ cấu lại tài chính; bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp; cho phá sản doanh nghiệp.

Trên cơ sở đánh giá ưu, nhược điểm của từng phương án, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đề xuất lựa chọn phương án tái cơ cấu lại các khoản nợ ngân hàng của Đạm Hà Bắc, với những giải pháp như: Khoanh nợ, giãn nợ, dừng tính phạt trên số tiền gốc, tiền lại chậm trả…

Lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam khẳng định, nếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt cơ chế đặc thù thì Đạm Hà Bắc cơ sẽ sớm ra khỏi khó khăn và phát triển ổn định.

Về xử lý khó khăn cho doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ: Việc tìm giải pháp để xử lý yếu kém của Đạm Hà Bắc là yêu cầu cấp bách. Công ty đang nợ số tiền lớn. Nếu để lâu, vốn ngày càng mất đi, lỗ nhiều hơn, do đó phải có giải pháp khả thi, xử lý dứt điểm, không để kéo dài.

Phó Thủ tướng cho biết, vừa qua, Bộ Chính trị đã nhất trí đưa 5 dự án ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ, tồn tại kéo dài của ngành công thương để các tập đoàn, tổng công ty thực hiện các giải pháp tiếp theo tháo gỡ khó khăn, đưa dự án vào hoạt động hiệu quả đạt mục tiêu đề ra.

Với 5 dự án này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty có liên quan căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương tiếp tục chỉ đạo chi tiết, có giải pháp cụ thể, hoàn thành trong thời gian sớm nhất, báo cáo Thủ tướng.

Với 7 dự án còn lại, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, tôi sẽ cùng các bộ, ngành xem xét từng giải pháp cụ thể, đề xuất cơ chế, chính sách, nguồn vốn đảm bảo khả thi để tiếp tục tháo gỡ khó khăn. Vấn đề gì thuộc thẩm quyền của doanh nghiệp, của bộ thì phải chủ động xử lý. Vấn đề nào vượt thẩm quyền thì báo cáo, đề xuất các phương án trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Tinh thần là dự án nào dễ thì chúng ta làm trước.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp thu ý kiến các bộ, ngành tại buổi làm việc, tiếp tục chỉ đạo Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc hoàn thiện phương án tái cơ cấu, tổng hợp cùng những dự án còn lại để báo cáo Bộ Chính trị, chậm nhất phải có đề án hoàn chỉnh vào tháng 9/2022.

Phó Thủ tướng cũng chỉ ra rằng, dự án còn nhiều sơ suất, khuyết điểm. Sở dĩ không đạt được mục tiêu là do xây dựng dự án chưa sát tình hình thực tế, nhiều nội dung chưa khả thi, giá nguyên, vật liệu đánh giá chưa sát thị trường, cơ cấu vốn chưa đánh giá hết, vốn vay quá lớn… vì thế dự án rơi vào khó khăn.

"Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo phải cương quyết kịp thời có giải pháp xử lý dứt điểm, không để tồn tại kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, thâm hụt vốn, tài sản của nhà nước", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Nhìn nhận các phương án tái cơ cấu, Phó Thủ tướng cho rằng, phương án khả thi nhất là tái cơ cấu tài chính. Do vậy, cần đưa đây là phương án đầu tiên trong Đề án tái cơ cấu, tiếp đến là phương án bán cổ phần, chuyển vốn vay và cuối cùng là phá sản.

Phó Thủ tướng nêu rõ: Nếu chọn phương án tái cơ cấu tài chính, phải làm rõ từng cơ chế, giải pháp khả thi, từ việc khoanh nợ, điều chỉnh lãi suất cho vay, kéo dài thời hạn vay, dừng tính lãi phạt trả chậm, đến thời hạn cơ cấu lại, phải xác định đến thời hạn nào xử lý được âm vốn chủ sở hữu. Đồng thời phải làm rõ về mặt thẩm quyền về cơ chế, giải pháp tài chính, rà soát tình hình thị trường, dự báo dài hạn giá bình quân…

Có thể bạn quan tâm

  • BIDV rao bán nợ của Nhà Bách Giang tới lần 5 có

    BIDV rao bán nợ của Nhà Bách Giang tới lần 5 có "thoát ế"?

    05:00, 29/06/2021

  • Thua lỗ vẫn đang

    Thua lỗ vẫn đang "phong tỏa" Đạm Hà Bắc

    02:19, 28/10/2020

  • Đạm Hà Bắc lỗ...

    Đạm Hà Bắc lỗ... "có hệ thống"

    12:35, 23/08/2020

  • Đạm Hà Bắc lỗ lớn vì gánh nặng lãi vay

    Đạm Hà Bắc lỗ lớn vì gánh nặng lãi vay

    11:15, 02/08/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bài toán khó của Đạm Hà Bắc liệu được tháo gỡ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO