PVD: 9 tháng đã hoàn thành vượt 209% mục tiêu lợi nhuận năm
Hưởng lợi từ đơn giá thuê giàn khoan tự nâng tăng, cùng với tăng khối lượng công việc của các dịch vụ khoan, đã đẩy lợi nhuận của PVD tăng mạnh và vượt chỉ tiêu cả năm sau 9 tháng.
>>>Hưởng lợi từ giá thuê giàn JU cao hơn, PVD làm ăn ra sao?
Báo cáo tài chính quý III/2023 của Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (HoSE: PVD) cho thấy, doanh thu thuần của doanh nghiệp ngành dịch vụ dầu khí này tăng trưởng 11% so với cùng kỳ, đạt 1.381 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn lại giảm, nên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp tăng mạnh 153% so với cùng kỳ, lên 296 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp trong kỳ theo đó cũng tăng mạnh từ 9%, lên 21%.
Bên cạnh doanh thu hoạt động cốt lõi tăng trưởng, doanh thu từ hoạt động tài chính của PVD cũng tăng mạnh 65%, lên 43 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí cho hoạt động này cũng tăng 53%, lên 134 tỷ đồng. Các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng lần lượt 33% và 23%, lên 5 tỷ đồng và 113 tỷ đồng. Phần lãi từ công ty liên doanh liên kết giảm 68% so với cùng kỳ, xuống còn 4 tỷ đồng.
Kết quả, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế của PVD ghi nhận đạt 133 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số lỗ 52 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 151 tỷ đồng, cũng tăng mạnh so với quý III/2022.
Doanh nghiệp cho biết, lợi nhuận tăng mạnh chủ yếu là do đơn giá cho thuê giàn khoan tự nâng tăng và do tăng khối lượng công việc của các dịch vụ liên quan đến khoan. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng ghi nhận một khoản thu nhập từ thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với khách hàng.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, PVD ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.033 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế tăng mạnh lên mức 432 tỷ đồng, tăng mạnh so với số lỗ 169 tỷ trong 9 tháng đầu năm ngoái. Với kết quả đạt được, doanh nghiệp đã hoàn thành vượt 209% mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm 2023.
Trong báo cáo ngành dầu khí mới đây, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) kỳ vọng, hoạt động thăm dò & khai thác sẽ có diễn biến tích cực từ năm 2024 với các dự án trọng điểm như Lô B, Sư Tử Trắng (giai đoạn 2B) và Lạc Đà Vàng. Thông thường, hoạt động thăm dò & khai thác thường phục hồi sau so với mức tăng giá dầu Brent do tác động có độ trễ.
Ngoài ra, luật dầu khí sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 01/07/2023) và Quy hoạch Điện VIII (QHĐ VIII), được phê duyệt ngày 15/05/2023, sẽ hỗ trợ cơ sở pháp lý vững chắc cho việc phát triển hai mỏ khí lớn tại Việt Nam.
Theo TPS, tổng vốn đầu tư đối với hoạt động thăm dò & khai thác cho các dự án dầu khí trong nước ước tính xấp xỉ 13,6 tỷ USD trong giai đoạn 2023 - 2033. Trong đó, tổng vốn đầu tư cho hoạt động thăm dò & khai thác trung bình là khoảng 1,4 tỷ USD/năm trong giai đoạn 10 năm này, gần gấp đôi tổng vốn đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2022 và tương đương khoảng 80% vốn đầu tư trong giai đoạn đỉnh 2010 - 2015.
Trong khi đó, thị trường giàn khoan và giá thuê giàn khoan đã khởi sắc hơn nhờ có thêm một số giếng khoan được phê duyệt thực hiện. Các dự án/lô có chương trình khoan bắt đầu năm 2023 sẽ có giá thuê mới tăng lên phù hợp với giá thị trường thuê giàn khoan trong khu vực.
Năm 2023, trên cơ sở dự báo của Westwood về giá thuê và nhu cầu thuê giàn khoan trong khu vực cùng với chi phí nhiên liệu, nhân công và các dịch vụ đi kèm trên thị trường tăng cao. Theo PVD, giá thuê giàn khoan bình quân cả năm 2023 sẽ đạt 92.700 USD/ngày, tăng tới 54% so với mức giá trung bình 60.000 USD/ngày của cả năm 2022.
Do đó, Công ty Chứng khoán này đánh giá triển vọng tích cực đối với PVD dựa trên triển vọng giá dầu trung bình dự báo ở mức trên 70 USD/thùng là yếu tố hỗ trợ thuận lợi đối với hoạt động cho thuê giàn khoan của PVD. Bên cạnh đó, hoạt động thăm dò và khai thác sôi động hơn sẽ thúc đẩy công suất và giá cho thuê giàn khoan cao hơn. Tác động này sẽ được phản ánh vào kết quả kinh doanh của PVD trong năm 2023.
“Giá cho thuê giàn khoan năm 2024 của PVD sẽ tiếp nối đà tăng của năm 2023 với nhu cầu cao từ khu vực Trung Đông, một số giàn khoan của khu vực Đông Nam Á đã dịch chuyển sang đây. Bên cạnh đó, thời hạn FID dự án Lô B - Ô Môn tới gần và các dự án Sư Tử Trắng - 2B, Lạc Đà Vàng và Nam Du - U Minh nhiều khả năng sẽ sớm được triển khai”, TPS nhận định.
Tương tự, Chứng khoán MBS cũng đánh giá, PVD sẽ tiếp tục có nguồn công việc ổn định và liên tục đến hết năm 2024 khi cung giàn khoan tự nâng tại khu vực Đông Nam Á thắt chặt trong khi nhu cầu trong khu vực tăng cao và các dự án thượng nguồn dầu khí trong nước có tiến triển. Tỷ lệ huy động giàn khoan tự nâng tại Đông Nam Á đã đạt mức cao nhất trong vòng 3 năm qua.
“Việc tăng giá dầu Brent được chúng tôi kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho việc tăng giá thuê giàn khoan tại các hợp đồng tái ký mới trong giai đoạn 2023-2024. Chúng tôi dự phóng lợi nhuận sau thuế của PVD trong năm 2023 sẽ đạt 441 tỷ đồng (năm 2022 lỗ 155 tỷ đồng) và tăng 25,8% so với cùng kỳ trong năm 2024”, MBS nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Hưởng lợi từ giá thuê giàn JU cao hơn, PVD làm ăn ra sao?
04:00, 08/08/2023
Hiệu suất hoạt động giàn khoan và sức hút cổ phiếu PVD
05:20, 03/07/2023
Vì sao lợi nhuận của PVD dương trở lại?
05:15, 06/02/2023
Thế khó của PVD
17:00, 17/09/2022
PVD giải "bài toán" việc làm để gỡ lỗ ròng
05:30, 02/08/2022