Chi phí nhân công và thuê giàn khoan tăng cao, cộng với chi phí tài chính tăng cao… khiến Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (HOSE: PVD) gặp nhiều khó khăn, thách thức.
>>>Cổ phiếu Dầu khí- Nhóm ngành chống chịu tốt trong khủng hoảng
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã đưa cổ phiếu PVD vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ do doanh nghiệp này bị lỗ ròng trong 6 tháng đầu năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, PVD ghi nhận doanh thu đạt 2.659 tỷ đồng, tăng 60% và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 148,63 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ lỗ hơn 115 tỷ đồng.
Theo giải trình của PVD, sở dĩ PVD lỗ ròng trong 6 tháng đầu nă nay do giảm mạnh lợi nhuận từ các công ty liên doanh do khối lượng công việc giảm; chi phí tài chính tăng mạnh do tăng tỷ giá đồng USD, cũng như biến động lãi suất Libor làm tăng chi phí lãi vay. Ngoài ra, PVD thực hiện hoàn nhập dự phòng sửa chữa lớn giàn khoan PV Drilling V và hoàn nhập Quỹ phát triển khoa học công nghệ…
Đặc biệt đến cuối tháng 6/2022, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của PVD tiếp tục ghi nhận âm hơn 359 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái âm 503 tỷ đồng).
148,63 tỷ đồng là mức lỗ sau thuế của PVD trong 6 tháng đầu năm 2022, trong đó Công ty mẹ lỗ ròng 115 tỷ đồng.
PVD gặp khó khăn do tăng chi phí nhân công, chi phí thuê ngoài và chi phí dự phòng liên quan đến các khoản phải thu của KrisEnergy Campuchia. Hiện giá thuê giàn khoan tự nâng (JU) tăng từ mức trung bình 52 nghìn USD/ngày vào năm 2021 lên mức trung bình 57 nghìn USD/ngày trong quý 1/2022 và 58 nghìn USD/ngày vào quý 2/2022. Hiệu suất hoạt động của giàn khoan được cải thiện so với năm ngoái, nhưng vẫn thấp hơn 80%, do hoạt động đấu thầu giảm và giai đoạn này chủ yếu là các công việc ngắn hạn, dẫn đến giàn khoan PVD III và PVD VI phải tạm dừng hoạt động…
Ngoài ra, trên thị trường trong nước hiện nay, có khoảng 15-20 giếng khoan, so với 65-70 giếng trong giai đoạn những năm trước. Điều này là do số lượng các mỏ dầu mới được phát hiện tương đối hạn chế, trong khi các mỏ hiện tại đang cạn kiệt nhanh chóng. Những yếu tố này dẫn đến nhu cầu đối với hoạt động khoan thăm dò và khai thác ở Việt Nam giảm đi. Hơn nữa, hầu hết các dự án đấu thầu hiện có trên thị trường trong nước là những công việc ngắn hạn (tần suất một vài tháng một lần), dẫn đến chi phí cao hơn và hiệu suất sử dụng của giàn khoan thấp hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của PVD trong ngắn hạn.
Mặc dù PVD phải chịu khoản lỗ lớn hơn dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2022, nhưng SSI nhận thấy sự cải thiện tích cực về hiệu suất sử dụng và giá thuê giàn khoan theo ngày của PVD cũng như toàn ngành, dù mới chỉ ở mức khiêm tốn. Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục được duy trì trong 6 tháng cuối năm 2022.
SSI cho rằng giá thuê ngày và hiệu suất sử dụng của giàn PVD JU sẽ duy trì xu hướng tích cực trong nửa cuối năm 2022 nhưng vẫn chậm hơn các đối tác trong khu vực. Do vậy, SSI điều chỉnh giảm ước tính cho năm 2022, cụ thể là hiệu suất sử dụng và giá thuê ngày sẽ giảm từ 90% và 68.000 USD/ngày xuống còn 80% và 60.800 USD/ngày. Theo đó, PVD có thể hòa vốn năm 2022.
Có thể bạn quan tâm
Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần “gỡ vướng” về thẩm quyền, trình tự thủ tục đầu tư
04:00, 23/08/2022
Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Gỡ chồng chéo pháp luật
03:50, 19/08/2022
Tuy nhiên, là một doanh nghiệp thượng nguồn trong lĩnh vực dầu khí và kết quả kinh doanh vẫn chịu ảnh hưởng nhất định từ diễn biến giá dầu thế giới – loại hàng hóa có biến động khó lượng do các yếu tố trên thế giới, PVD có thể sẽ vẫn còn gặp nhiều rủi ro, thách thức trong thời gian tới.