Vì sao Gemadept “cắt” chuỗi mắt xích cảng biển phía Bắc?
Thoái vốn khỏi Cảng Nam Hải, Gemadept chỉ khai thác một cảng duy nhất tại miền Bắc là Nam Đình Vũ, nhằm tăng quy mô, tối ưu chi phí hoạt động, giúp giảm áp lực về vốn khi đầu tư loạt dự án trọng điểm.
>>>Gemadept muốn thoái hết vốn tại Cảng Nam Hải Đình Vũ
Đẩy nhanh tiến độ M&A hoàn thiện hệ sinh thái
Công ty CP Gemadept vừa công bố thông tin nghị quyết Hội đồng quản trị (HĐQT) về việc thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ 999.800 cổ phần của công ty đang nắm giữ tại Công ty CP Cảng Nam Hải (NHP Corp), tương đương 99,98% vốn. Giao dịch dự kiến thực hiện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. Trước thời điểm Gemadept thông qua quyết định chuyển nhượng, Cảng Nam Hải được coi là một mắt xích quan trọng khi đẩy mạnh phát triển mạng lưới khai thác cảng ra thị trường miền Bắc của Gemadept. Kể từ khi hoạt động đến nay, Cảng Nam Hải đã tạo tiền đề để Gemadept tiếp tục mở rộng đầu tư, phát triển các dự án cảng khác tại Hải Phòng, bao gồm Cảng Nam Hải Đình Vũ, cụm cảng Nam Đình Vũ và Nam Hải ICD.
Cảng Nam Hải có đầy đủ chức năng cảng, cửa khẩu quốc tế để thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu và hàng hóa nội địa, cung cấp chuỗi dịch vụ khép kín, gồm dịch vụ depot, vận chuyển đa phương thức bằng sà lan, đầu kéo, khai thác kho bãi, hàng rời, dịch vụ hải quan… với công suất 200.000 TEUs/năm.
Trước đó vào tháng 5/2023, Gemadept cũng đã chuyển nhượng Nam Hải Đình Vũ cho Viconship, công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Đoàn Huy và công ty Thương mại Kim khí Xuất Nhập khẩu Huy Hoàng. Thương vụ này đã mang về khoản lợi nhuận đột biến hơn 1.844 tỷ đồng cho Gemadept, đóng góp vào kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 20023 của doanh nghiệp với luỹ kế ghi nhận doanh thu thuần 2,812 tỷ đồng, giảm 1%, nhưng lãi ròng tăng đến 161%, lên 2,107 tỷ đồng, vượt 154% kế hoạch lợi nhuận năm.
Khi hoàn thành việc thoái vốn khỏi Cảng Nam Hải, Gemadept sẽ chỉ khai thác một cảng duy nhất tại miền Bắc là cảng Nam Đình Vũ.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Gemadept, việc thoái vốn khỏi cảng Nam Hải Đình Vũ là do cảng này được đánh giá là không còn phù hợp với chiến lược phát triển của công ty và công ty muốn tập trung khai thác, vận hành cụm cảng Nam Đình Vũ nhằm tăng quy mô, tối ưu chi phí hoạt động, từ đó có cơ sở tích hợp với các dịch vụ khác trong hệ sinh thái. Cùng với đó, vị trí của cảng Nam Hải không còn phù hợp với việc phát triển cảng, nên Công ty đã di chuyển dịch vụ xuống cảng Nam Đình Vũ để tạo thành một cụm cảng lớn. Cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 1 & 2 hiện có tổng công suất 1,2 triệu TEU, với cầu tàu dài 880 m, trở thành cảng sông lớn nhất khu vực Đình Vũ, có khả năng tiếp nhận 4 tàu feeder (tàu dưới 3.000 TEU) cùng lúc.
>>>Nối dài cầu tàu cụm cảng Nam Đình Vũ
Giữ vững chuỗi mắt xích quan trọng phía Nam
Bên cạnh động lực tái cơ cấu hoạt động khai thác, dồn nguồn lực cho cụm cảng Nam Đình Vũ, việc thoái vốn khỏi các cảng nhỏ còn cho giúp giảm áp lực về vốn khi Cảng Gemadept đang theo đuổi loạt dự án cảng trọng điểm, quy mô lớn, từ nay đến năm 2025, bao gồm Gemalink giai đoạn 2 và Nam Đình Vũ giai đoạn 3. Sau khi hoàn tất cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 3, cụm cảng này sẽ có quy mô 65 ha, tổng công suất 2 triệu TEU, với cầu tàu dài 1,5 km, trở thành cảng sông lớn nhất tại miền Bắc, có khả năng đón được các tàu di chuyển nội Á. Tiếp tục đầu tư, nâng cao năng lực hệ sinh thái cảng và logistics nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, Gemadept sẽ sớm triển khai tiếp giai đoạn 3 của Cụm cảng Nam Đình Vũ để đưa vào khai thác trong năm 2025.
Đối với giai đoạn 2 của cảng nước sâu Gemalink (Cái Mép - Thị Vải), Gemadept dự kiến kéo dài tối đa chiều dài cầu tàu lên mức 1,5 km nhằm đón được tàu trọng tải tới 250.000 DWT – cỡ tàu container lớn nhất thế giới hiện nay, nâng tổng công suất cụm cảng Gemalink lên 3 triệu TEU. Cảng Gemalink hiện là một trong những cảng biển có mớn nước sâu nhất Việt Nam. Ước tính vốn đầu tư cho cảng Gemalink giai đoạn 2 là 300 triệu USD.
Thời gian gần đây, Gemadept liên tục đón thêm nhiều tuyến tàu với sức chở từ 14.000-25.000 TEU. Để bảo đảm năng lực đón các con tàu lớn, doanh nghiệp cảng biển đã và đang liên tục đầu tư vào việc cải thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng với nhiều thiết bị hiện đại. Ngày 11/11, cảng Gemalink đã đã đón thành công tàu Tampa Triumph của Tập đoàn Evergreen với chiều dài 366m, trọng tải 14.770 TEU. Đây là tuyến dịch vụ được ra mắt nhằm kết nối hàng hóa từ châu Á đến phía Đông của nước Mỹ (AUE) với hải trình: Vũng Tàu-Xiamen-Kaohsiung-Hong Kong-Yantian-Panama-Colon Container Terminal-Savannah-Newyork-Norfolk-Baltimore.
Gemadept đang khai thác hệ thống xuyên suốt từ Bắc vào Nam, điển hình như: cảng Dung Quất, cảng Phước Long, cảng Bình Dương, cảng nước sâu Gemalink Cái Mép,...Nổi bật nhất là Cảng Gemalink với sự hợp tác cùng đối tác CMA Terminals (Pháp), là cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam và lọt top 19 thương cảng của thế giới có thể tiếp nhận cỡ tàu lớn nhất hiện nay (250.000 DWT).
Có thể bạn quan tâm