BMP “đẻ trứng vàng”
Dù thị trường vật liệu xây dựng gặp khó, nhưng Công ty CP Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP) vẫn đang là “gà đẻ trứng vàng” cho cổ đông ngoại.
>>>Doanh nghiệp xây dựng, vật liệu xây dựng chờ “cú hích” từ Sân bay Long Thành
Cổ đông Thái Lan sẽ được hưởng lợi kép từ bán hạt nhựa PVC nhiều hơn lẫn thu cổ tức nhiều hơn từ BMP.
Lãi nhờ giá nguyên liệu
Trong quý 3, BMP ghi nhận doanh thu thuần đạt 926 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhờ giá vốn hàng bán giảm mạnh, giúp lợi nhuận gộp chỉ giảm 5,6%; Biên lợi nhuận gộp chạm mức 43%. Theo đó, lãi ròng đạt 209 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, BMP ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.703 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lãi ròng lại đạt 784 tỷ đồng, tăng tới 75% so với cùng kỳ năm 2022. So với kế hoạch kinh doanh đã đề ra, BMP đã thực hiện được 58% mục tiêu doanh thu và 120% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Để đạt được kết quả kinh doanh này, BMP đã chủ động đa dạng hoá nguyên vật liệu từ kênh nội địa lẫn nhập khẩu theo tỷ lệ 70% nhập khẩu và 30% nội địa. Những yếu tố này đã giúp cho công ty hạn chế sự biến động của giá nguyên vật liệu đầu vào, duy trì biên lợi nhuận gộp ở mức cao.
Có thể thấy với các doanh nghiệp có sản phẩm được sản xuất từ nguyên vật liệu nhập khẩu có tỷ lệ cao, thì việc biến động giá hàng hóa nguyên liệu đầu vào sẽ quyết định rất lớn giá vốn hàng bán và lợi nhuận của doanh nghiệp. Với BMP, việc chuyển hướng sang nhập nguyên vật liệu từ Tập đoàn SCG (Thái Lan) sở hữu công ty mẹ của BMP, trong bối cảnh ngành xây dựng gặp khó, đã giúp Công ty duy trì đà tăng trưởng.
Người Thái hưởng lợi kép
Sở hữu hơn 54% cổ phần tại BMP, Nawaplastic Industries Co.Ltd (Thái Lan) không chỉ hưởng lợi theo hướng công ty thành viên cung cấp chuỗi nguyên liệu khép kín tại doanh nghiệp đầu ngành ống nước nhựa của Việt Nam, mà còn hưởng lợi trực tiếp trên khoản đầu tư tài chính góp vốn cổ phần.
Nối tiếp “truyền thống” chia cổ tức cao, năm nay BMP (trước đây do SCIC kiểm soát lợi ích kinh tế) tiếp tục dự chi cổ tức ngất ngưởng. Theo đó, BMP vừa cho biết sẽ tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ lên tới 65%, tức cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu BMP sẽ được nhận 6.500 đồng/cổ tức. Dự kiến đợt tạm ứng này sẽ được thanh toán trong tháng 12/2023.
Ước tính, với hơn 81,8 triệu cổ phiếu BMP đang lưu hành, BMP sẽ chi khoảng 532 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức đợt này cho cổ đông. Cổ đông lớn nhất Nawaplastic Industries Co.Ltd (Thái Lan) sẽ được nhận về khoảng 293 tỷ đồng từ đợt tạm ứng cổ tức lần này. Bên cạnh đó, quỹ đầu tư ngoại KWE Beteiligungen AG (Thuỵ Sĩ) đang sở hữu hơn 9 triệu cổ phiếu BMP sẽ nhận về gần 59 tỷ đồng.
Năm 2022, BMP cũng dành đến 99% lợi nhuận (khoảng 690 tỷ đồng) để chia cổ tức bằng tiền mặt. Tức mỗi cổ đông sở hữu một cổ phiếu nhận được 8.400 đồng. Được biết cả năm nay, BMP dự kiến dành ít nhất 50% lợi nhuận sau thuế để chia cổ tức. Theo BVSC, cổ tức tiền mặt năm 2023-2025 của BMP sẽ duy trì ở mức 8.500-12.000 đồng/cp, trong đó cổ tức tiền mặt năm 2023 có thể ở mức 12.000 đồng/cp (chi trả trong 2023-2024). Đồng thời, ước tính tỷ lệ cổ tức trên mỗi cổ phiếu lưu hành giai đoạn 2024-2025 là 8.500 đồng/cp.
Có thể nói người Việt tiêu thụ ống nhựa ngày càng nhiều thì BMP càng lãi lớn và cổ đông Thái Lan càng có điều kiện để được hưởng lợi kép từ bán hạt nhựa PVC nhiều hơn lẫn thu cổ tức nhiều hơn.
Có thể bạn quan tâm