VCCI: Nên áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế cho cả doanh nghiệp SMEs

Ngọc Hà 28/04/2019 04:31

Góp ý cho Dự thảo Đề án áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) vào Việt Nam, VCCI kiến nghị bỏ quy định về việc loại trừ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

i

VCCI đề xuất nên áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế cho cả doanh nghiệp SMEs.

Bỏ quy định loại trừ doanh nghiệp SMEs

Dự thảo quy định, IFRS chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn, mà không cho phép các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa áp dụng chuẩn mực này. 

Theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có vốn dưới 100 tỷ đồng được coi là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong khi đó, theo Luật Chứng khoán hiện hành, doanh nghiệp có mức vốn 10 tỷ đồng trở nên đã có thể niêm yết (dự thảo Luật Chứng khoán dự kiến tăng lên 30 tỷ đồng).

Mặt khác, trên thực tế, vẫn có thể có một số doanh nghiệp quy mô không lớn nhưng có quan hệ chặt chẽ với nước ngoài như vay vốn, sử dụng thương hiệu, nhượng quyền, trong chuỗi sản xuất… thì những doanh nghiệp này có thể vẫn sẽ phải áp dụng IFRS theo yêu cầu của phía đối tác.

Vì vậy, theo VCCI, quy định như vậy của dự thảo có thể dẫn đến tình trạng những doanh nghiệp quy mô không lớn vừa phải áp dụng IFRS theo yêu cầu của đối tác, vừa phải áp dụng chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS). Điều này sẽ gây lãng phí không cần thiết cho doanh nghiệp. Vì vậy, VCCI đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh quy định theo hướng, bỏ quy định về việc loại trừ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Trường hợp các doanh nghiệp này đủ năng lực và tự nguyện áp dụng IFRS thì vẫn được miễn VAS.

  • Có thể bạn quan tâm

    • Lộ trình áp dụng IFRS với các doanh nghiệp như thế nào?

      Lộ trình áp dụng IFRS với các doanh nghiệp như thế nào?

      00:19, 13/04/2019

    • Áp dụng IFRS: Minh bạch

      Áp dụng IFRS: Minh bạch "sức khỏe" doanh nghiệp

      00:02, 04/03/2019

    • Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS): Công cụ huy động vốn hiệu quả

      Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS): Công cụ huy động vốn hiệu quả

      00:58, 23/02/2019

Đối tượng "được Bộ Tài chính lựa chọn" chưa rõ

Một trong những nội dung góp ý đáng chú ý khác của VCCI liên quan đến Đề án "áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế" tại Việt Nam, đó là đối tượng "được Bộ Tài chính lựa chọn" theo dự thảo quy định chưa rõ ràng. 

Cụ thể, dự thảo đề án đang quy định 3 trường hợp được áp dụng IFRS là: tự nguyện áp dụng, bắt buộc áp dụng, và được Bộ Tài chính lựa chọn.

VCCI cho rằng, với việc quy định như trên, không rõ nhóm đối tượng doanh nghiệp “được Bộ Tài chính lựa chọn” sẽ thuộc diện tự nguyện hay bắt buộc áp dụng? Việc lựa chọn sẽ được diễn ra như thế nào? Nếu được chọn nhưng không thuộc diện bắt buộc thì doanh nghiêp có quyền từ chối không? Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ các vấn đề như vừa nêu.

Trong trường hợp không thể xác định được nhóm doanh nghiệp “được Bộ Tài chính lựa chọn” có gì khác với nhóm tự nguyện và bắt buộc, VCCI đề nghị bỏ đối tượng này, chỉ còn hai nhóm đối tượng là tự nguyện và bắt buộc.

Ngoài ra, liên quan đến đối tượng thực hiện báo cáo tài chính của doanh nghiệp, hiện nay dự thảo đang phân loại thành hai trường hợp: báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tài chính riêng.

Cụ thể, dự thảo quy định nhóm báo cáo tài chính hợp nhất bao gồm các công ty niêm yết và công ty đại chúng quy mô lớn- là công ty mẹ chưa niêm yết. Trong khi đó, theo pháp luật kế toán, báo cáo tài chính hợp nhất áp dụng cho các nhóm công ty được tổ chức theo hình thức tập đoàn, tổng công ty (gồm công ty mẹ, công ty con và các công ty thành viên khác). Tuy nhiên, không phải công ty niêm yết, công ty đại chúng nào cũng có công ty con, công ty thành viên. Những công ty này thuộc diện lập báo cáo tài chính riêng chứ không phải là báo cáo tài chính hợp nhất.

Theo VCCI, quy định của dự thảo có thể dẫn đến cách hiểu rằng, chỉ những công ty niêm yết, công ty đại chúng nào có công ty con thì mới thuộc phạm vi điều chỉnh. Nếu dụng ý chính sách đúng như vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo chỉnh sửa lại nội dung một cách rõ ràng hơn.

Trong trường hợp, nếu dụng ý chính sách là mọi công ty niêm yết, công ty đại chúng đều thuộc phạm vi điều chỉnh (bất kể được tổ chức theo hình thức nhóm công ty, tập đoàn, tổng công ty hay độc lập) thì cần quy định cho cả diện lập báo tài chính riêng.

Ngọc Hà