VCCI: Cần đưa ra những ưu đãi đặc biệt với các dự án đầu tư lớn
Đó là một trong những nội dung góp ý đáng chú ý của VCCI liên quan đến góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ưu đãi đầu tư đặc biệt.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc đưa ra những ưu đãi đặc biệt với các dự án đầu tư lớn là cần thiết nhằm thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Quá trình thu hút đầu tư nước ngoài trong nhiều năm qua cũng bộc lộ một số vấn đề về sự liên kết lỏng lẻo giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nội địa, cũng như chưa tạo ra được hiệu ứng lan tỏa cần thiết từ khu vực này sang khu vực kinh tế nội địa như kỳ vọng.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 cũng đã chỉ đạo về vấn đề này như sau: “đan xen lợi ích trong hợp tác đầu tư nước ngoài và kết nối hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, phù hợp với định hướng … nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế”, “Ưu tiên các dự án … có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu”.
Do vậy, các ưu đãi đầu tư ở mức đặc biệt, ngoài việc thu hút các dự án đầu tư lớn của các tập đoàn đa quốc gia, cần giúp định hướng và khuyến khích các tập đoàn này tạo ra sự kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam, từ đó tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu
Về các mức ưu đãi đầu tư, hiện nay Dự thảo đang đề xuất 3 mức ưu đãi với dự án thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư trên 30000 tỷ đồng như sau:
Mức ưu đãi | Thuế thu nhập doanh nghiệp | Tiền thuê đất, thuê mặt nước | ||||
Thuế suất | Thời gian hưởng | Thời gian miễn thuế | Thời gian giảm 50% tiếp theo | Thời gian miễn | Mức giảm trong khoảng thời gian còn lại | |
Mức 1 | 9% | 30 năm | 5 năm | 10 năm | 18 năm | 55% |
Mức 2 | 7% | 33 năm | 6 năm | 12 năm | 20 năm | 65% |
Mức 3 | 5% | 38 năm | 6 năm | 13 năm | 23 năm | 75% |
Điều kiện để dự án đầu tư được hưởng mức 2, mức 3 là đạt thêm một số tiêu chí bổ sung như công nghệ cao, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi, giá trị gia tăng, chuyển giao công nghệ. Theo VCCI đánh giá, việc đưa các tiêu chí bổ sung này là cần thiết, tuy nhiên, theo một số chuyên gia, việc thực hiện các tiêu chí này đòi hỏi nỗ lực hơn rất nhiều của doanh nghiệp thực hiện đầu tư, so với việc không thực hiện thêm bất kỳ tiêu chí nào bổ sung để hưởng mức ưu đãi 1.
Trong khi đó, các mức ưu đãi lại dường như được thiết kế theo hướng tăng dần đều theo từng mức, và khoảng cách giữa các mức dường như chưa thực sự lớn. Cách thiết kế như dự thảo hiện tại có thể chưa tạo được đủ động lực để các dự án đầu tư lớn thực hiện thêm các tiêu chí bổ sung.
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại cách thiết kế các mức ưu đãi, có thể nghiên cứu điều chỉnh theo hướng tạo khoảng cách xa hơn giữa mức ưu đãi 1 (không có tiêu chí bổ sung) với các mức 2, 3 (có tiêu chí bổ sung) nhằm tạo cơ chế đủ mạnh và có động lực hơn .
Với tiêu chí về giá trị gia tăng và tỷ lệ doanh nghiệp tham gia chuỗi, Dự thảo xây dựng hai tiêu chí bổ sung để dự án đầu tư được hưởng ưu đãi mức 2, 3 là tiêu chí về hàm lượng giá trị gia tăng và tiêu chí về số doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi.
VCCI cho rằng, các tiêu chí này cần được xem xét ở một số điểm sau. Hiện nay mức định lượng của hai tiêu chí về giá trị gia tăng và tiêu chí tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi dường như chưa thực sự tương xứng với nhau.
Cả hai tiêu chí đang đều đặt ở ngưỡng 30% (mức ưu đãi 2) và 40% (mức ưu đãi 3). Tuy nhiên, thực tế, tiêu chí có tỷ lệ doanh nghiệp Việt sẽ khó thực hiện hơn tiêu chí giá trị gia tăng. Lý do là vì để thực hiện tiêu chí giá trị gia tăng, các tập đoàn lớn có thể kêu gọi các nhà cung ứng nước ngoài nằm trong chuỗi cung ứng của họ sang Việt Nam đầu tư mở nhà máy, cung cấp linh kiện, vật tư cho họ tại chính Việt Nam.
Trong khi, để thực hiện tiêu chí về tỷ lệ doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi, các tập đoàn lớn lại cần nhiều thời gian và công sức để xây dựng lại chuỗi, thậm chí hỗ trợ, đào tạo cho doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực tham gia chuỗi. Giá trị bền vững, lợi ích lâu dài của giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi chắc chắn là cao hơn.
Do các tiêu chí này đều là hai tiêu chí phụ độc lập và doanh nghiệp có thể lựa chọn áp dụng một trong các tiêu chí này để hưởng ưu đãi, mức định lượng của tiêu chí tỷ lệ doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi có thể chưa tạo ra sức hấp dẫn đủ mạnh để các tập đoàn lớn xây dựng chuỗi cung ứng có doanh nghiệp Việt Nam tham gia.
VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi các định lượng của hai tiêu chí trên nhằm đảm bảo tính khả thi và công bằng giữa các tiêu chí phụ.
Bên cạnh đó, Dự thảo chưa có quy định về khoảng thời gian để đáp ứng hai tiêu chí này. Lý do là vì nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn chưa đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn lớn, do vậy, các tập đoàn này cũng cần thời gian để xây dựng chuỗi cung ứng tại Việt Nam hoặc đào tạo các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi cung ứng.
Khi đó, trong khoảng thời gian đầu, các dự án đầu tư này chưa thể ngay lập tức đáp ứng hai tiêu chí này, và có nguy cơ phải bồi hoàn ưu đãi theo Điều 4.2 Dự thảo. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung quy định về khoảng thời gian để thực hiện các tiêu chí này, trong đó cho phép dự án đầu tư vẫn được hưởng ưu đãi ở mức 2 (hoặc mức 3) trong khoảng thời gian này nếu sau đó đáp ứng được các tiêu chí như cam kết.
Có thể bạn quan tâm
VCCI kiến nghị một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi
03:47, 27/07/2021
VCCI ủng hộ chính sách miễn thuế tiêu thụ đặc biệt với xe ôtô điện chạy pin
12:50, 15/06/2021
VCCI đề nghị lùi thời hạn lắp đặt camera giám sát sang 1/7/2022
02:30, 02/06/2021
VCCI phát huy vai trò tiên phong của cộng đồng doanh nghiệp
06:03, 27/04/2021