Kinh tế tuần hoàn: Xu thế tất yếu hướng đến một nền kinh tế xanh
Trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn chính là công thức tăng trưởng bền vững mà doanh nghiệp Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc
Đây là thông điệp chính được đưa ra tại buổi hội thảo“Mô hình kinh tế tuần hoàn đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng liên ngành hiệu quả” vừa tổ chức tại TP.HCM do Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD) chủ trì.
Nền kinh tế tuần hoàn chính là một giải pháp thay thế bền vững
Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Nam - Bộ Tài Nguyên Môi trường cho biết: Trong nền kinh tế tuyến tính truyền thống, các nhà sản xuất khai thác tài nguyên thiên nhiên để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ, sau đó phế thải từ sản xuất và tiêu dùng bị đưa đi chôn lấp thậm chí là thải ra môi trường tự nhiên, ví dụ như thải ra biển gây ra những “vùng chết” trên đại dương, gây tổn hại đến trữ lượng cá chết vì rác nhựa…
Có thể bạn quan tâm
Tôn vinh sáng kiến kinh doanh vì sự phát triển bền vững
00:00, 25/07/2019
Đổi mới công nghệ ngành nước: chìa khóa của sự phát triển bền vững
14:04, 24/07/2019
Thủ tướng: Miền Trung, Tây Nguyên cần tăng tốc phát triển bền vững
17:14, 12/07/2019
Ngược lại, nền kinh tế tuần hoàn chính là một giải pháp thay thế bền vững cho mô hình truyền thống nói trên. Trong nền kinh tế tuần hoàn, các nhà sản xuất chú trọng kéo dài thời hạn và tận dụng tối đa giá trị sử dụng của tài nguyên, sau đó quản lý và tái tạo những sản phẩm và tài nguyên này vào cuối vòng đời sử dụng. Như vậy, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp giảm phát thải, thúc đẩy sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, góp phần giải quyết các vấn đề về khan hiếm và bảo tồn tài nguyên đồng thời hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam.
Cũng theo chia sẻ của ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD): "Kinh tế tuần hoàn là một xu thế tất yếu – nhằm hướng đến một nền kinh tế xanh. Không chỉ là tiền, mà lợi ích cho toàn xã hội. Tại Việt Nam, khái niệm nền kinh tế tuần hoàn đã bắt đầu trở nên phổ biến, tuy nhiên việc ứng dụng mô hình vào thực tiễn vẫn còn rất hạn chế, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì thế, tôi mong muốn cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ hiểu được vai trò thiết yếu của kinh tế tuần hoàn, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng mô hình này vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình…"
Vậy, doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn như thế nào?
Chia sẻ mô hình thực tiễn từ Heineken Việt Nam, đơn vị này 2 năm (2017 -2018) nhận giải thưởng “Doanh nghiệp bền vững nhất Việt Nam” từ VCCI. Ông Matt Wilson, Giám đốc Ngoại vụ Cấp cao Heineken Việt Nam cho biết: Những sáng kiến ở Heineken không chỉ giúp giảm phát thải mà còn kiến tạo ra giá trị từ rác thải đó là gần 99% phế thải hoặc phụ phẩm được tái sử dụng hoặc tái chế. Quá trình sản xuất bia như bã hèm, men thừa hay bùn lắng sau quá trình xử lý nước thải, đều được tái sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc phân bón cho cây trồng.
Các nguyên vật liệu khác như thủy tinh, giấy bìa, nhôm, nhựa và giấy đều được tái sử dụng hoặc tái chế. Hay gần như 100% chai bia thủy tinh của Heineken được thu hồi lại để tái sử dụng trước khi được tái chế tại nhà máy thủy tinh vào cuối vòng đời sản phẩm. 4 trên 6 nhà máy bia của Heineken sử dụng nhiệt năng từ năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh khối, không phát thải các-bon.
Nhiên liệu sinh khối được sinh ra từ việc tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp như vỏ trấu, mùn cưa (thường bị coi như rác thải không có giá trị và bị đốt bỏ) làm nguyên liệu tạo ra hơi nước phục vụ cho việc nấu bia…Đặc biệt, chương trình thu gom và tái chế hơn 1 tấn nắp chai bia Tiger thành vật liệu sắt đã xây dựng cầu tại tỉnh Tiền Giang, sắp tới tại An Giang, TP.HCM…
Phát triển bền vững nơi chúng ta tạo dựng một tương lai con người và hành tinh của chúng ta cùng phát triển bằng cách xây dựng những chuỗi cung ứng nguyên liệu bền vững, giảm thiểu tác động môi trường và phát triển các loại bao bì không rác thải, ông Hemant Rupani - Tổng giám đốc Mondelez Kinh Đô Việt Nam Mondelēz cũng cho biết mục tiêu phát triển bền vững của Tập đoàn Mondelēz đến năm 2025 là giảm thiểu tác động môi trường thông qua cam kết sử dụng 100% bao bì có khả năng tái sử dụng; Giảm thiểu rác thải thực phẩm, giảm lượng khí thải CO2 trong toàn bộ quy trình sản xuất và lượng nước sử dụng và phát triển nông nghiệp bền vững…
"Những gì từ kinh nghiệm thực tiễn của những doanh nghiệp đi trước sẽ khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tự tin áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong hoạt động của mình một cách sáng tạo, tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường…Tuy nhiên, để thực hiện được mô hình này, Nhà nước phải đóng vai trò “bà đỡ” đưa ra những chính sách phù hợp, và thành bại hay không, đó là quyết định của doanh nghiệp" ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh thêm.