Người Ơ Đu đón Tết đến từ tiếng sấm đầu tiên trong năm
Đồng bào Ơ Đu kể rằng, ngày lễ vui nhất trong năm đối với người Ơ Đu là Tết mừng tiếng sấm đầu tiên (Tết Chăm Phtrong), thường diễn ra từ tháng 2 đến tháng 4 dương lịch hằng năm.
>>Tết cổ truyền tại Trung Quốc: Giao thoa giữa truyền thống và hiện đại
Người Ơ Đu thuộc nhóm dân tộc thiểu số rất ít người sinh sống chủ yếu tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Nhiều năm qua, đồng bào Ơ Đu luôn nỗ lực bảo tồn, gìn giữ trước sự phai nhạt bản sắc văn hóa góp phần phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống…Lễ hội đón Tết từ tiếng sấm của đồng bào Ơ Đu là nét đặc sắc của đồng bào nơi đây.
Tiếng sấm giao thừa
Theo tiếng Ơ Đu, Lễ đón tiếng sấm có nghĩa là “Chăm phtrong” gắn với tục thờ thần sấm. Người Ở Đu quan niệm, sấm như là một vị thần tối cao, biểu tượng cho sự linh thiêng. Vì vậy hàng năm, khi xuất hiện tiếng sấm đầu tiên thì đồng bào Ơ Đu lại tổ chức lễ hội để bắt đầu cho một năm mới. Đây là ngày Tết lớn nhất trong năm của người Ơ Đu, được đồng bào tổ chức rất quy mô.
Đồng bào Ơ Đu kể rằng, ngày lễ vui nhất trong năm đối với người Ơ Đu là Tết mừng tiếng sấm đầu tiên (Tết Chăm Phtrong), thường diễn ra từ tháng 2 đến tháng 4 dương lịch hằng năm. Tết không diễn ra vào một thời gian cố định mà còn phụ thuộc vào thời khắc trên trời xuất hiện tiếng sấm đầu tiên của năm. Do ngày xưa không có lịch như bây giờ nên để phân biệt thời khắc chuyển từ năm cũ sang năm mới, người Ơ Đu thường căn cứ vào tiếng sấm. Mọi người trong bản đều mong đợi đến thời khắc quan trọng này.
Nghi lễ đón Tết Chăm Phtrong được đồng bào Ơ Đu tổ chức với ba phần chính, đó Lễ đón tiếng sấm tại nhà ông mo, lễ đón tiếng sấm tại các gia đình và là lễ đón tiếng sấm chung cho cả cộng đồng.
Nghi lễ tại nhà thầy mo thường diễn ra vào buổi chập tối, với tập tục cúng tổ tiên trong nhà, cúng thần linh ngoài trời, làm vía, buộc chỉ cổ tay cho con cháu trong gia đình. Ngoài các nghi lễ trên, thầy mo còn thực hiện một số nghi lễ khác như: lễ phong sắc truyền nghề cho thầy mo; lễ đặt tên cho những người mới được sinh ra, lễ đổi tên cho người trưởng thành…
Tại các gia đình, nghi lễ cũng được thực hiện tương tự như tại gia đình của thầy mo. Tuy nhiên, không tổ chức lễ truyền sắc mà chỉ có lễ cúng tổ tiên trong nhà, lễ đón thần sấm và các thần linh ngoài trời. Kết thúc là nghi lễ làm vía buộc chỉ cổ tay với mong muốn các vị thần linh, tổ tiên phù hộ cho con cháu trong gia đình có một năm mới khỏe mạnh, không ốm đau bệnh tật, có sức khỏe để làm ruộng, đánh cá, săn bắn,…
Nghi lễ Tết Chăm Phtrong của cộng đồng là nghi lễ quan trọng và quy mô nhất, thể hiện sự cố kết cộng đồng chặt chẽ của đồng bào dân tộc Ơ Đu. Sáng sớm, trước khi nghi lễ cộng đồng diễn ra, thầy mo và các chức sắc, đại diện các gia đình trong bản lên núi nơi có ngôi đền thiêng thờ các vị tổ tiên của người Ơ Đu trú ngụ để làm lễ mời tổ tiên. Các lễ vật cúng tổ tiên khá đơn giản, chủ yếu là do gia đình góp lại, thành một mâm lễ đặt tại đền cho thầy mo làm lễ.
Sau khi làm lễ tại đền, đồng bào trở về sân cộng đồng tiến hành các nghi lễ tâm linh để tạ ơn thần sấm. Thông thường, trong lễ hội sẽ có 5 mâm mây lớn, gọi là bàn vía để bày lễ vật. 2 mâm chính dành cho thần sấm và tổ tiên đặt ở giữa, các mâm lễ khác đặt xung quanh.
Chuẩn bị lễ cúng, các thầy mo và già làng, trưởng bản ngồi quanh 2 bàn làm vía chính, những người đến tham dự ngồi thành 3 vòng xung quanh các bàn vía. Khi mọi người đã ổn định, nghi lễ cũng bắt đầu.
Sau lễ cúng thần linh là nghi lễ buộc chỉ cổ tay làm vía cầu sức khỏe cho các thành viên trong bản. Theo quan niệm của người Ơ Đu sợi chỉ đó là sợi chỉ thiên để buộc hồn buộc vía ở lại với bản thân không được tháo ra cho đến lễ hội năm sau.
>>Đại sứ Cộng hoà Phần Lan: "Tôi rất ấn tượng với Tết cổ truyền của Việt Nam"
Kết thúc phần lễ, bản làng tổ chức ăn uống xen kẽ đó là hoạt động múa hát vui vẻ. Mọi người hòa trong tiếng nhạc, tiếng trống và đi quanh theo mâm lễ và dùng ống tre gõ vào đất để tạo ra âm thanh như tiếng sấm. Bà con còn sử dụng các gậy nhọn để gõ vào đất, tượng trưng cho hoạt động chọc lỗ tra hạt với mong muốn một năm mới mùa màng bội thu. Bên cạnh các điệu múa truyền thống của dân tộc Ơ Du, các trò chơi đồng bào như: đi cà kheo, tọ mạc lẹ, bắn nỏ,….góp phần làm cho lễ hội đón Tết Chăm Phtrong càng vui tươi rộn ràng và giàu bản sắc.
Đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Người Ơ Đu trước đây không phải sinh sống tại nơi đây mà ở xã Kim Đa (huyện Tương Dương), một trong những khu vực thượng nguồn sông Nậm Nơn. Ông Vi Tân Hợi, Nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Tương Dương kể lại, sau cách mạng Tháng Tám, người Ơ Đu quy tụ về sinh sống ở bản Xốp Pột, bản Kim Hòa của xã Kim Đa; một vài hộ sinh sống rải rác ở bản Tạ Xiêng của xã Kim Tiến và bản Xiêng Hương của xã Xá Lượng (Tương Dương).
>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Xuất cấp gạo cho 7 tỉnh dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và giáp hạt năm 2023
Năm 2006, người Ơ Đu ở bản Xốp Pột, bản Kim Hòa lại tiếp tục cuộc di chuyển về sinh sống tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương để nhường đất xây dựng Nhà máy thủy điện Bản Vẽ. Hiện nay, dân số của tộc người Ơ Đu ở Tương Dương khoảng 600 người.
Còn bà Vi Thị Mùi, Phó Chủ tịch UBND xã Nga My thì cho biết, người dân giờ đây biết chăn nuôi gia súc theo hình thức bán chăn thả, biết trồng cỏ làm thức ăn. Nhận thức về chăn nuôi, trồng trọt đã nâng lên một bước, đời sống ngày một khấm khá.
Hiện nay, 100% hộ dân Ơ Đu được sử dụng điện lưới thắp sáng, 100% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, 100% người dân được cấp thẻ BHYT để khám chữa bệnh. Các chế độ chính sách hỗ trợ cho người dân được thực hiện đầy đủ như hỗ trợ cây, con giống, hỗ trợ tiền điện, tiền tết, gạo cứu đói, vay vốn phát triển kinh tế… Đầu năm 2022, từ nguồn hỗ trợ, UBND xã Nga My đã xây dựng mô hình sắn cao sản ở bản Văng Môn với diện tích 5ha.
Được biết, Lễ hội đón tiếng sấm đầu năm của đồng bào dân tộc Ơ Đu ở huyện Tương Dương là một trong số ít các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số ở Nghệ An còn lưu giữ được nhiều yếu tố bản sắc văn hóa, được lưu truyền qua hàng ngàn năm nay. Lễ hội này đã được tỉnh Nghệ An xây dựng hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Có thể bạn quan tâm