Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sẽ đảm nhận vai trò trung tâm
Cụ thể từ cung cấp vốn, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực, cung cấp các dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất - chế biến - bảo quản - đến tìm kiếm thị trường... tạo thành chu trình khép kín.
Sáng nay (30/7), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc “Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp” tại TP Đà Lạt, Lâm Đồng.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ những nội dung chính trong khuôn khổ hội nghị.
Theo Phó Thủ tướng, trước hết cần đánh giá thực trạng, chỉ rõ những hạn chế, bất cập về cơ chế, chính sách cũng như những “điểm nghẽn” cản trở việc phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, như quy hoạch, kế hoạch, hạ tầng, tiếp cận đất đai, tín dụng, thuế, giống, công nghệ, thị trường, thủ tục hành chính, vệ sinh an toàn thực phẩm…
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nhìn chung ngành nông nghiệp nước ta vẫn còn phát triển thiếu bền vững. Năng suất, chất lượng, hiệu quả chưa cao; sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn thấp.
“Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, quy mô nhỏ. Đầu tư cho nông nghiệp còn thấp, ứng dụng khoa học công nghệ còn chậm, sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thị trường tiêu thụ nông sản còn thiếu ổn định”, Phó Thủ tướng nhận xét.
Cụ thể, theo Báo cáo của Bộ KH&ĐT, cả nước hiện có hơn 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Tính đến thàng 07/2018, các doanh nghiệp FDI đã đầu tư 3,37 tỷ USD vào lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp.
“Điều đáng nói, số doanh nghiệp chế biến, chế tạo các sản phẩm nông lâm thủy sản gấp 9 lần số doanh nghiệp trực tiếp sản xuất khi chỉ có 7.600 doanh nghiệp. Cùng với đó, doanh thu của các doanh nghiệp có xu hướng tăng nhưng tổng lợi nhuận lại giảm gần 60% trong giai đoạn từ 2008-2016 và tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ tăng khoảng 28% trong cùng quãng thời gian trên”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Trên thực tế, nông nghiệp mặc dù là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, tạo sự ổn định xã hội và nâng cao chất lượng sống cho người nông dân, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Tính đến cuối năm 2017, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Trong đó, thủy sản là ngành có giá trị xuất khẩu cao nhất, đạt 8,3 tỷ USD, tiếp đến là hạt điều với 3,516 tỷ USD, rau quả đạt 3,502 tỷ USD, cà phê với 3,24 tỷ USD, gạo đạt 2,6 tỷ USD, hạt tiêu đạt 1,1 tỷ USD, sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,03 tỷ USD…
Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp của ngành chiếm chỉ 8% số doanh nghiệp cả nước, đồng thời sức hút đầu tư vào ngành vẫn kém hấp dẫn mặc dù là một trong những “trụ cột” của nền kinh tế.
Cùng với đó, doanh nghiệp mới chủ tập trung đầu tư ở một số ngành chế biến, chế tạo các sản phẩm nông lâm thủy sản, việc chuyển dịch hình thức sản xuất sang doanh nghiệp diễn ra còn khá chậm chạp.
Đặc biệt, đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chiếm đến 92,35%, doanh nghiệp có quy mô vừa với 2,06% và tiếp đến là doanh nghiệp có quy mô lớn chiếm chưa đầy 6%. Vì thế, ngay ở Đà Lạt - vùng đất nổi tiếng với các sản phẩm rau, hoa, quả, nhưng việc quảng bá các loại sản phẩm cũng như kêu gọi thêm các nhà đầu tư vào lĩnh vực này vẫn còn là một hạn chế.
Do đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, xác định rõ giải pháp trước mắt và lâu dài để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cũng như những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
“Cần tính đến các giải pháp tổng thể về quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng, khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nâng cao năng lực dự báo, đổi mới công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường…”, Phó Thủ tướng đề nghị.
Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, cần chỉ rõ các giải pháp để doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực nông nghiệp. Tạo dựng được các thương hiệu Việt có uy tín trên thị trường quốc tế.
“Lĩnh vực nông nghiệp sẽ không thể phát triển bền vững nếu không tập trung tái cấu trúc ngành, lĩnh vực, sản phẩm nông nghiệp, gắn với nhu cầu thị trường trong nước và thế giới, gắn với điều kiện phát triển của từng vùng, từng địa phương, gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Nhiều rào cản “ngáng chân” doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
08:40, 30/07/2018
Quyết sách đột phá khơi thông dòng vốn đầu tư vào nông nghiệp
05:48, 30/07/2018
“Cửa mới” cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
17:12, 27/07/2018
Do đó, phải đầu tư phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, trong đó phải dựa vào đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và nguồn nhân lực có chất lượng cao trong mọi quy trình từ sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Đổi mới tổ chức sản xuất, cách thức tổ chức chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.
Để giải quyết những yêu cầu trên, việc thúc đẩy doanh nghiệp (trong đó có các hợp tác xã) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là nhân tố có ý nghĩa quyết định.
“Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sẽ đảm nhận vai trò trung tâm, từ cung cấp vốn, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực, cung cấp các dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất - chế biến - bảo quản - đến tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm - tạo thành một chu trình khoa học, khép kín”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Hội nghị toàn quốc “Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp” có sự tham gia của khoảng 600 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp, tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Hội nghị này. |