Không chủ quan với tăng trưởng năm 2018
Mặc dù 12/12 chỉ tiêu năm 2018 mà Quốc hội giao có thể đạt và vượt, GDP có khả năng đạt trên 6,7%, tuy nhiên không thể chủ quan với tăng trưởng kinh tế 4 tháng cuối năm.
Chiều ngày 30/8, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2018.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 30/8, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nghe, thảo luận về Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
“Trước khi vào buổi làm việc chính thức, Thủ tướng đã có lời khen ngợi tới đội tuyển Olympic Việt Nam chúng ta chưa vô địch nhưng chúng ta là người chiến thắng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Tính đến ngày 29/8, Việt Nam đã đạt 4 huy chương Vàng và nhiều huy chương Bạc, Đồng, đứng thứ 13 toàn đoàn, đạt mục tiêu đề ra, đặc biệt, đội bóng đá Olympic Việt Nam đã vào bán kết, một thành tích lịch sử.
Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung xem xét, thảo luận để hoàn thiện một số báo cáo sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp tới để bảo đảm kịp tiến độ.
“Thủ tướng yêu cầu báo cáo tiến độ cắt giảm điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính. Đến nay chính thức cắt 698 điều kiện của các ngành, chiếm 31,16%, số còn lại là gần 20% đang được Văn phòng Chính phủ rà soát và tiến hành trình thủ tướng. Như vậy, điều kiện kinh doanh đã cơ bản được cắt bỏ. Các Bộ đã cơ bản trình xong phương án cắt giảm”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho rằng, tình hình tháng 8 tốt hơn tháng 7. Kinh tế vĩ mô ổn định. Lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2018 tăng 0,45% so với tháng trước. CPI bình quân 8 tháng năm 2018 tăng 3,52% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
“Các ngành kinh tế chủ yếu tiếp tục phát triển mạnh, xu hướng tăng tốt hơn. Trong đó đặc biệt là sự tăng trưởng vượt bậc của các ngành thủy sản. Sản xuất xe hơi, thuốc, hoá dược, dệt may…đều tăng trưởng là tín hiệu đáng mừng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,2%. Xuất siêu 2,8 tỷ USD. “Đến nay, có trên 25 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 5 mặt hàng tăng 10 tỷ USD…”, Bộ trưởng nói.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá khu kinh tế trong nước tăng là tín hiệu rất mừng mức 17,4%, khu vực FDI là 13,4%. Đầu tư từ các nguồn vốn có sự cải thiện rõ nét.
Tính đến 20/8, tổng vốn đầu tư có yếu tố nước ngoài (bao gồm FDI) đăng ký đạt trên 24,3 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ. Niềm tin của các nhà đầu tư ngoại tiếp tục được khẳng định khi mà nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao triển vọng phát triển của Việt Nam. Cả nước có trên 87.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 2,4% về số doanh nghiệp và tăng 6,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Có 21.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 9,3%.
“Trong 8 tháng, tinh thần Thủ tướng yêu cầu kiểm soát mạnh mẽ kinh tế vĩ mô đặc biệt các vấn đề về nợ công. Thực hiện đúng phương châm 10 chữ kỷ luật kỷ cương chấn chỉnh, đánh gía thực tiễn và tháo gỡ khó khăn. Tập trung tái cơ cấu nền kinh tế, không lấy khai thác và tăng trưởng tín dụng, ví dụ năm 2015 khai khoáng 16,2 triệu năm nay còn 11 triệu tấn dầu”, Bộ trưởng nói. Đồng thời cho biết Thủ tướng yêu cầu không tăng giá điện.
Có thể bạn quan tâm
Tiếp tục xử lý những "điểm nghẽn" trong nền kinh tế
18:50, 29/08/2018
Tương lai của kinh tế chia sẻ (Kỳ I): Kinh tế nền tảng và tư duy quản lý
05:23, 26/08/2018
Kinh tế thế giới trong vòng xoáy tin tặc
05:29, 25/08/2018
Tác động của chống chuyển giá đối với nền kinh tế
15:15, 24/08/2018
Thủ tướng đặt một số “đầu bài” cho Tổ tư vấn kinh tế
21:23, 23/08/2018
Thay vì Chính phủ kiểm soát chuyển sang Chính phủ phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Đặc biệt sẽ công khai chỉ số chi phí của doanh nghiệp ở từng lĩnh vực. “Tinh thần của Thủ tướng, chúng ta chỉ còn 4 tháng cho năm 2018, chúng ta không chủ quan có nhiều vấn đề cần thận trọng vấn đề kè đập, an ninh…”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Được biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 30/8, từ các báo cáo, đánh giá sơ bộ của các bộ, ngành chức năng, Thủ tướng đã nhận định một điều đáng mừng là qua phân tích, 12/12 chỉ tiêu năm 2018 mà Quốc hội giao có thể đạt và vượt, trong đó, 8 chỉ tiêu vượt, 4 chỉ tiêu đạt.
GDP có khả năng đạt trên 6,7%, thu ngân sách vượt dự toán 3-5%, nợ công giảm, lạm phát dưới 4%. Chất lượng tăng trưởng được nâng lên. Năng suất lao động tăng.
Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận về các chỉ tiêu, định hướng năm 2019, giai đoạn 2019 – 2021, “tăng trưởng ở mức nào?” và cho rằng, trước bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, quy mô nền kinh tế trong nước đã lớn hơn, nên việc tăng thêm 1% GDP rất khó khăn, điều đó đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu rất lớn của các cấp, các ngành để đạt, vượt kế hoạch đề ra.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự kiến kế hoạch năm 2019, GDP năm 2019 được đặt ra tăng khoảng 6,6-6,8%, kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7 – 8%, tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4 – 5%....
Tuy nhiên, tình hình tháng 8 và 8 tháng cũng nổi lên một số vấn đề tồn tại, hạn chế như kết cấu hạ tầng bị ảnh hưởng nhiều bởi mưa lũ, giá một số mặt hàng nông sản trên thế giới đang giảm, tình hình cháy nổ, tai nạn giao thông...