Sự hoành hành của tin tặc khiến thế giới mỗi năm thiệt hại khoảng 600 tỷ USD.
Với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thời gian trung bình từ khi tin tặc tấn công cho đến khi chúng bị phát hiện ra ước chừng khoảng 498 ngày (thống kê ở thời điểm năm 2017), theo khảo sát của công ty an ninh mạng Mỹ FireEye. Con số này quá cao nếu so với 75,5 ngày tại các nước châu Mỹ và 175 ngày tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi.
Theo báo cáo của Lloyd’s - công ty bảo hiểm lớn nhất nước Anh, ước tính mức độ thiệt hại kinh tế bởi một cuộc tấn công mạng lớn trên thế giới có thể giao động từ 4,6 đến 53 tỷ USD, tương đương với mức tổn thất của một thảm họa thiên tai thảm khốc như siêu bão Sandy (cơn bão lớn nhất trong lịch sử 100 năm qua của nước Mỹ), diễn ra vào năm 2012.
Mới đây, vụ tin tặc tấn công vào hệ thống dữ liệu y tế SingHealth của Singapore đã tiếp cận và sao chép thông tin cá nhân 1,5 triệu người dùng của SingHealth. Thông tin đơn thuốc của 160.000 bệnh nhân cũng bị đánh cắp, trong đó có cả của Thủ tướng Lý Hiển Long. Việc đánh cắp các dữ liệu cá nhân nhạy cảm như thông tin đơn thuốc là một dấu hiệu cảnh báo cho các thành phố và các quốc gia trên khắp thế giới đang tìm cách số hóa các dịch vụ của chính phủ và xây dựng cơ sở dữ liệu nhạy cảm.
Vì cuộc tấn công này, các quan chức Singapore cho biết tất cả các kế hoạch số hóa của quốc gia bao gồm một dự án hồ sơ điện tử quốc gia sẽ bị hoãn lại và một cuộc điều tra sẽ được đưa ra để đánh giá các vi phạm.
Có thể bạn quan tâm
10:27, 24/08/2018
01:11, 24/08/2018
01:28, 10/08/2018
06:15, 03/08/2018
Còn Việt Nam thì sao? Năm 2017, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam đã lên tới 12.300 tỷ đồng, tương đương 540 triệu USD, vượt xa mốc 10.400 tỷ đồng của năm 2016. Kết quả này được đưa ra từ chương trình đánh giá an ninh mạng do Bkav thực hiện. Mức thiệt hại tại Việt Nam đã đạt kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Ở các nền kinh tế khổng lồ như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức, tội phạm mạng gây ra tổng thiệt hại lên tới 200 tỷ USD mỗi năm.
Nhưng điểm đáng lo ngại hơn cả, ở các nước, 60% người dân nhận ra nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng do cá nhân nhưng tỷ lệ này ở Việt Nam chỉ là 11%. Điều đó cho thấy chưa có sự nhận thức rõ về nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin của cả tổ chức lẫn cá nhân. “Qua quá trình làm việc với các nhiều đơn vị, tổ chức, tôi nhận thấy hiện các doanh nghiệp nhà nước và rất nhiều các doanh nghiệp ở Việt Nam chưa thực sự nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc đảm bảo tính bảo mật doanh nghiệp”, ông Nguyễn Quang Trung, Giám đốc trung tâm kỹ thuật CMC Service cho biết.
Ông Sharath Martin - Chuyên viên tư vấn về chính sách của ACCA khuyến nghị: “Hội đồng quản trị và quản lý cấp cao nên đưa những suy nghĩ an ninh mạng vào tất cả các hoạt động chiến lược của công ty, có thể là hoạt động sáp nhập và mua lại, ra mắt sản phẩm mới hoặc dự án mới. Đối với các công ty tiên tiến hơn trong lộ trình chuyển đổi kỹ thuật số, một chiến lược an ninh mạng toàn diện cần được phát triển”.