Giải bài toán đầu tư “nhỏ giọt” ngành nông nghiệp

Thy Hằng 08/09/2018 11:33

Trao đổi với DĐDN, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường Bộ cho biết, cần sự ưu tiên bằng cơ chế và nguồn lực nhất định để khuyến khích thu hút đầu tư vào ngành nông nghiệp thời gian tới.

Mặc dù là "đầu tàu" xuất khẩu của cả nước, mang lại nguồn thu ròng ngoại tệ lớn nhất so với các ngành khác, tuy nhiên, thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn vẫn “nhỏ giọt”. Báo DĐDN đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường về vấn đề này.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định ngành nông nghiệp đã có "bước ngoặt" trong sản xuất và phát triển.

- Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về “bức tranh” ngành nông nghiệp sau 10 năm Nghị quyết 26-NQ/T.Ư về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đi vào đời sống?

Trước tiên phải khẳng định, Nghị quyết 26-NQ/T.Ư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã tạo được “bước ngoặt” quan trọng trong nông nghiệp. Nghị quyết thực sự rất "đúng và trúng", đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Do đó, khi đi vào đời sống nhận được sự đồng tình ủng hộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương và có sự lan tỏa đến các thành phần kinh tế xã hội, tạo ra nguồn lực chung, huy động nguồn lực bằng cơ chế chính sách và hoàn thiện thể chế đơn cử như Luật Đất đai 2013, Luật Hợp tác xã 2012 riêng Luật chuyên ngành đã có 9 bộ luật được hình thành trong giai đoạn này.

Sản xuất nông nghiệp được tiếp tục củng cố, tăng cường theo nhiều nét mới, phát triển lên tầm cao hội nhập. Thể hiện qua các trụ cột của kinh tế nông nghiệp. Một là, chúng ta trở thành một trong những quốc gia có sức sản xuất nông nghiệp lớn đáp ứng nhu cầu trong nước và đứng thứ 15 trên thế giới. Hàng nông sản Việt xuất khẩu đi 180 quốc gia vùng lãnh thổ.

Trong các trục sản phẩm trong đó có trục sản phẩm cấp quốc gia được củng cố theo hướng hiện đại, liên kết rõ hơn. Trục sản phẩm cấp tỉnh ngày càng liên kết chặt chẽ ứng dụng khoa học công nghệ. Ví dụ như sản phẩm vải thiều Bắc Giang, nhãn Hưng Yên… Trục sản phẩm OCOD từ thành công của Quảng Ninh đã được coi là chương trình chung của quốc gia. 

Có thể nói, chưa bao giờ ngành nông nghiệp đón nhận được sự chỉ đạo của cả hệ thống chính trị như vừa qua. Nhờ đó, chỉ trong 2 năm gần đây, số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã tăng gấp ba lần trước đây.

-Tuy tăng gấp ba lần so với 10 năm trước, nhưng số doanh nghiệp ngành nông nghiệp vẫn chỉ chiếm 1,6% doanh nghiệp cả nước? Và giải pháp tăng cường thu hút đầu tư nông nghiệp là gì, thưa Bộ trưởng?

Quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp vừa qua đã một lần nữa khẳng định vai trò “hạt nhân rường cột” của các doanh nghiệp chung tay cùng tổ chức lại nông nghiệp, nông thôn.

Chúng ta rất mừng bằng chùm cơ chế chính sách tổng hợp và sự động viên lực lượng chung, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư vào nông nghiệp. Cụ thể, số lượng doanh nghiệp nông nghiệp từ 2.397 doanh nghiệp năm 2007 đã tăng lên 7.033 doanh nghiệp năm 2017, tăng 2,93 lần, với số vốn 213.394,9 tỷ đồng. Đây là bước phát triển lớn với một ngành nhiều đòi hỏi đầu tư lớn và tỉ lệ rủi ro cao.

Nhiều doanh nghiệp tập đoàn lớn của Việt Nam đã đầu tư vào nông nghiệp, trở thành nòng cốt của chuỗi giá trị nông sản và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển thị trường.

Tuy nhiên, số lượng còn hạn chế. Do đó, thời gian tới, chúng ta tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách một là Nghị định 57/2018/NĐ-CP và Nghị định 98/2018/NĐ-CP và tới đây là Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng cho nông nghiệp sẽ tạo “cú hích” thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp.

-Bên cạnh vấn đề thu hút đầu tư, những thách thức nào mà ngành nông nghiệp còn phải vượt qua trong thời gian tới, thưa Bộ trưởng?

Thời gian tới đây ngànhh nông nghiệp vừa có những cơ hội cho tăng trưởng trên nền tảng thành quả đã đạt được giai đoạn vừa qua, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển xuất khẩu nông lâm, thủy sản trong tiến trình hội nhập. Ngoài ra, những tiến bộ trong công nghệ, đặc biệt là công nghệ 4.0 sẽ tiếp tục hỗ trợ ngành nông nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • Bước chuyển mạnh mẽ của ngành nông nghiệp

    Bước chuyển mạnh mẽ của ngành nông nghiệp

    09:07, 07/09/2018

  • GS Đặng Hùng Võ: Nông dân vẫn “cô đơn” trên đồng ruộng

    GS Đặng Hùng Võ: Nông dân vẫn “cô đơn” trên đồng ruộng

    11:49, 07/09/2018

  • Nông nghiệp đang thànhp/“bà mối” cho các đại gia

    Nông nghiệp đang thành “bà mối” cho các đại gia

    15:12, 22/08/2018

Tuy nhiên, cũng có đầy rẫy những thách thức, đặc biệt là thách thức trong việc liên kết sản xuất quy mô lớn thay vì sản xuất manh mún theo hộ gia đình. Bởi không có yếu tố liên kết sản xuất quy mô lớn thì không thể thành công.

Bên cạnh đó, những diễn biến khí hậu cực đoan ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến năng suất và tình hình sản xuất của bà con nông dân.

Đặc biệt, quá trình hội nhập cũng đặt ra áp lực. Nếu Việt Nam không cố gắng, nguy cơ mất thị trường, 100 triệu dân ngay trên sân nhà rất cao.

Từ đó phải thống nhất nhận thức phát triển khu vực nông nghiệp nông thôn. Căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể, xác định cần có sự ưu tiên nguồn lực nhất định, không chỉ là kinh tế mà bằng cơ chế, chính sách khuyến khích làm sao thu hút được thêm nguồn lực.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Với những thách thức phải đối mặt, Bộ NN&PTNT kiến nghị, Bộ Chính trị có Nghị quyết hoặc Kết luận và thông báo chỉ đạo về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X. Nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp quan điểm phát triển “nông nghiệp toàn diện” và “bảo đảm an ninh lương thực quốc gia” trong bối cảnh nước ta đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Bộ Chính trị giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ xây dựng đề án tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2030.

Đồng thời, Bộ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu và hoàn thiện cơ chế chính sách, nhất là chính sách về Đất đai mà đề xuất cụ thể là sửa Luật Đất đai để tạo động lực mới cho tăng trưởng nông nghiệp và phát triển  nông dân, nông thôn. Ưu tiên nguồn lực tương xứng với mục tiêu mà Nghị quyết Trung ương 7 khóa X đã đề ra là 5 năm sau tăng gấp 2 lần 5 năm trước.

Thy Hằng