"Tam nông" khởi sắc sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X

Thy Hằng 26/11/2018 07:42

Sau 10 năm thực hiện, Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về "tam nông", Nghị quyết đã được các cấp ủy và cả hệ thống chính trị nỗ lực triển khai thực hiện, đạt nhiều kết quả đột phá.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Thủ tướng Chính phủ chủ trì sẽ diễn ra vào ngày 27/11tại Hà Nội.

10 năm qua, nông nghiệp luôn duy trì được tăng trưởng và phát triển khá toàn diện, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện hơn

10 năm qua nông nghiệp luôn duy trì được tăng trưởng, sản xuất chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng.

Đột phá tái cơ cấu nông nghiệp

Tại Hội nghị về nông nghiệp tại Lâm Đồng mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã định hướng: "Đặt hàng cho ngành nông nghiệp Việt Nam trong 10 năm tới sẽ đứng vào top 15 nước phát triển nhất thế giới với ngành chế biến nông sản thuộc top 10".

Có thể thấy, điều này phần nào làm rõ mục tiêu của Chính phủ với phát triển nông thôn giai đoạn mới. Tuy nhiên, áp lực để hiện thực mục tiêu này là không hề nhỏ trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và những biển đổi toàn cầu như hiện nay. 

Trước tiên, nhìn lại giai đoạn phát triển vừa qua, có thể thấy, Nghị quyết TW7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một Nghị quyết toàn diện về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với các quan điểm và chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình và hưởng ứng. Nói như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cương: “Đây là một Nghị quyết rất đúng và rất trúng về “tam nông”. Nghị quyết đã được các cấp ủy và cả hệ thống chính trị nỗ lực triển khai thực hiện, đạt nhiều kết quả đột phá”.

Cụ thể, 10 năm qua, nông nghiệp luôn duy trì được tăng trưởng và phát triển khá toàn diện, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện hơn, tiếp tục khẳng định được vị thế quan trọng trong nền kinh tế. Sản xuất chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng. Giá trị và sản lượng nhiều nông sản đều tăng mạnh, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được quan tâm phát triển, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Có thể bạn quan tâm

  • Biến đổi khí hậu

    Biến đổi khí hậu "cản bước" đầu tư vào nông nghiệp

    01:37, 26/11/2018

  • Thương mại hoá nông nghiệp... còn xa!

    Thương mại hoá nông nghiệp... còn xa!

    17:16, 14/11/2018

  • Giải bài toán doanh nghiệp đầu tư

    Giải bài toán doanh nghiệp đầu tư "èo uột" vào nông nghiệp

    11:20, 12/11/2018

  • Tái cơ cấu nông nghiệp: Thay đổi “tư duy quy ra thóc”

    Tái cơ cấu nông nghiệp: Thay đổi “tư duy quy ra thóc”

    09:46, 10/11/2018

Giai đoạn 5 năm (2013-2017), ngành đã tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và xuyên suốt chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, bước đầu tạo chuyển biến tích cực, rõ nét về sự thống nhất cao của toàn xã hội đối với tính tất yếu khách quan và yêu cầu cấp bách là  "phải thay đổi căn bản nền sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển mạnh mục tiêu số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng".

Nhờ đó, xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng nhanh, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, tạo nguồn thu ngoại tệ quan trọng, góp phần giảm nhập siêu cho cả nước. Tổng kim ngạch xuất khẩu 10 năm (2008 - 2017) đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm.

Riêng năm 2017 đạt 36,52 tỷ USD, tăng 20,05 tỷ so với năm 2008 và dự kiến năm 2018 kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 40 tỷ USD.

Đã có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên (năm 2008 chỉ có 5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên), trong đó có 5 mặt hàng (tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD  (năm 2008 có 2 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD). Nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 15 thế giới.

Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng được nhiều sự ủng hộ, với 3.069 xã được công nhận đạt chuẩn nông thô mới, trình độ khoa học công nghệ nông nghiệp được đẩy mạnh, tạo ra 7,2 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo có chứng chỉ 13,7%, tăng 5,5% so với 2008.

“Qua 10 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết, đã đạt nhiều thành quả quan trọng: Nông nghiệp chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2017 tăng gần 6 lần so với năm 2008”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Thu hút các nguồn lực

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều vấn đề nội tại cần giải quyết. Kinh tế nông thôn đang phát triển không đồng đều, thiếu tính ổn định, hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu nhập của người dân dù được cải thiện nhưng vẫn còn thấp. Đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường chưa được kiểm soát chặt chẽ. 

Tại buổi làm việc trước đó với Bộ NN&PTNT, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cũng nhấn mạnh tới những thách thức kể trên. Đồng thời yêu cầu, thực hiện đồng bộ các giải pháp trên các lĩnh vực tuyên truyền vận động nhân dân và nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

"Xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, làm tốt công tác quy hoạch, huy động các nguồn lực đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, nâng cao năng lực, vai trò làm chủ của người dân nông thôn, phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn", ông Bình nhấn mạnh.

Có thể thấy, cũng về chú trọng cọn người trong phát triển nông nghiệp, tại lễ khai giảng Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Tổng Bí Thư đã nhấn mạnh: “Học viện phải hướng tới "tam nông", tức nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh. Trọng tâm nghiên cứu của Học viện là phục vụ yêu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng phát triển một nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh”.

Cũng trong bối cảnh sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về “tam nông”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong Hội nghị về Nông nghiệp tại Lâm Đồng mới đây đã nhấn mạnh: "Đặt hàng cho ngành nông nghiệp Việt Nam trong 10 năm tới sẽ đứng vào top 15 nước phát triển nhất thế giới với ngành chế biến nông sản thuộc top 10".

Điều phần nào thể hiện quan điểm, định hướng của Đảng, Nhà nước đối với phát triển nông nghiệp giai đoạn mới. Thời điểm sau 10 năm, cũng là lúc để nhìn lại những gì đã diễn ra trong quá khứ, những bài học cả về thành công, lẫn thất bại. 

Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh thành trong cả nước tổng kết Nghị quyết TW7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với quy mô 500 đại biểu đầu cầu Hà Nội và 50-100 đại biểu tại các đầu cầu mổi tỉnh, thành phố; 3 hội thảo quốc tế, quy mô 250 đại biểu; triển lãm thành tựu về 10 năm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn với quy mô hơn 100 gian hàng của các Bộ, ngành, địa phương, Viện nghiên cứu, doanh nghiệp tiêu biểu về nông nghiệp, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Chương trình Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết TW7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” sẽ diễn ra với 3 vấn đề chính là: Báo cáo tóm tắt kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết TW7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; những tham luận về thành tựu, thực trạng đến từ đại biểu cấp cao của các tỉnh có nền nông nghiệp tiêu biểu…

Thy Hằng