Sau 5 năm tái cơ cấu ngành, mặc dù ngành nông nghiệp đã đạt được bước tiến lớn, tuy nhiên mục tiêu thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành còn chưa được như kỳ vọng.
Khẳng định tại một hội nghị mới đây về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, nhiệm vụ thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đầu tư vào nông nghiệp là trọng tâm trong tái cơ cấu ngành.
Theo đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chỉ có doanh nghiệp mới đảm đương được các nhiệm vụ cung cấp đầu vào cho sản xuất như vốn, giống, nhân lực, công nghệ… tổ chức sản xuất. Đồng thời đầu tư ứng dụng KHCN và tổ chức tiêu thụ sản phẩm.
Trên thực tế, tính đến hết năm 2017 có 11.668 HTX nông nghiệp, gấp gần 2 lần năm 2008. “Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp nông nghiệp tăng từ 2.397 năm 2007, chiếm 1,61% doanh nghiệp cả nước lên 7.033 doanh nghiệp năm 2017, tăng 2,93 lần, với số vốn 213.394,9 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 9/2018, đã có hơn 8.000 doanh nghiệp đầu tư vào ngành. Nhiều doanh nghiệp đã trở thành nòng cốt của chuỗi giá trị nông sản và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển thị trường”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết.
Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào nông nghiệp chế biến phải kể đến, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) như TH True Milk, VinEco (Tập đoàn VinGroup), Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco), Công ty cổ phần Nafoods Group (Nafoods), Hòa Phát, Tập đoàn Việt Úc, Macsan, Dabaco... giúp tăng chất lượng, chế biến sâu làm gia tăng giá trị của nông sản.
Để có được kết quả này, nhiều cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư được ban hành tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng cho các nhà đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Đơn cử, về điều kiện đầu tư kinh doanh, Bộ NN&PTNT đã cắt giảm mạnh mẽ, thực hiện cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 4, giảm gần 80% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan trong hơn 1 năm qua. Đặc biệt, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, Nghị định đã có nhiều quy định khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ mới như doanh nghiệp có dự án nông nghiệp được miễn tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng nhà ở cho người lao động làm việc tại dự án, miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất đó sau khi được chuyển đổi.
Tuy nhiên, dù con số đã tăng gấp 3 lần thời kỳ đầu tái cơ cấu nhưng phải thừa nhận rằng, số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp mới chỉ chiếm 1% doanh nghiệp cả nước, chủ yếu vẫn là DNNVV, doanh nghiệp FDI hầu như không đáng kể.
Nói như Chuyên gia nông nghiệp Đặng Kim Sơn: "Mục tiêu thu hút đầu tư và đặc biệt là đầu tư tư nhân vào nông nghiệp đã không đạt được như yêu cầu của đề án cơ cấu ngành đưa ra. Hiện, đầu tư vào ngành nông nghiệp chỉ chiếm 5% tổng đầu tư toàn xã hội".
Đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chiếm đến 92,35%, doanh nghiệp có quy mô vừa với 2,06% và tiếp đến là doanh nghiệp có quy mô lớn chiếm chưa đầy 6%.
Có thể bạn quan tâm
04:28, 12/11/2018
09:46, 10/11/2018
09:13, 10/11/2018
19:56, 09/11/2018
Theo ông Bùi Ngọc Sơn, Viện Nghiên cứu Kinh tế & Chính trị Thế giới, điểm nghẽn lớn nhất khi thu hút đầu tư vào nông nghiệp tại Việt Nam nằm ở vấn đề đất đai. “Chúng ta phải quay trở lại chế độ tư hữu đất đai. 3 ha bó buộc không thể sản xuất quy mô lớn. Phải có điền trang lớn nghiên cứu thị trường, giống mới, có quy hoạch… mới có thể phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế”, ông Sơn khẳng định cởi trói đất đai là yêu cầu cần ưu tiên cho phát triển nông nghiệp.
Còn theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, doanh nghiệp là lực lượng dẫn dắt ứng dụng công nghệ cao, nòng cốt trong các chuỗi giá trị nông nghiệp và tạo hiệu ứng lan tỏa cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, do đó, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh trong nông nghiệp.
Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận có thời hạn lâu dài với đất đai, phù hợp với các quyền sử dụng hợp pháp của nhà đầu tư, tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án.
Như Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã khẳng định: "Phải coi doanh nghiệp là động lực chính cho phát triển nông nghiệp”. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải gắn thu hút doanh nghiệp cho đầu tư phát triển nông nghiệp với hỗ trợ khởi nghiệp, sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp. Tập trung vào các mô hình kinh doanh mới, góp phần định hướng sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, mới giúp ngành nông nghiệp từ “trụ đỡ” của nền kinh tế trở thành “mũi nhọn” cho phát triển kinh tế đất nước.