Gỡ nút thắt của ngành công nghiệp ô tô

Tiến Minh 30/11/2018 01:03

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam tuy còn non trẻ nhưng đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, để ngành thực sự phát triển thì còn khá nhiều việc phải làm.

Bắt đầu đà tăng trưởng

Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 10 vừa qua đã có 28.899 xe được bán ra, tăng 21% so với tháng trước và tăng 18% so với cùng kỳ năm 2017, trở thành tháng có số xe bán cao nhất kể từ đầu năm nay.

Tháng 10 cũng đánh dấu sự bùng nổ lượng xe bán ra của các thương hiệu được ưa chuộng như KIA (2.657 xe), Honda (3.475 xe), Toyota (8.426). Các mẫu xe Vios, Wigo, Fortuner và Innova của Toyota là 4 mẫu xe nằm trong top 10 mẫu xe bán chạy nhất của VAMA tháng vừa qua.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, đã có 214.466 xe được các thành viên VAMA bán ra thị trường, trong đó thương hiệu được tiêu thụ nhiều nhất là Mazda với 26.165 xe, tiếp theo là KIA với 23.310 xe, Honda với 21.054 xe, Ford với 17.210 xe.

Đánh giá về thị trường, các chuyên gia trong ngành cho rằng, mảng ô tô nhập khẩu từ giờ đến cuối năm sẽ rất sôi động. Bởi sau khoảng thời gian dài chờ đợi vì thiếu nguồn cung (do vướng Nghị định 116), những mẫu xe bán chạy đã được nhập khẩu trở lại sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng.

Nhìn xa hơn về thị trường ô tô Việt Nam, ông Choi Duk Jun - Tổng giám đốc Công ty Mercedes-Benz Việt Nam cho rằng, thị trường ô tô sẽ chuyển động theo hướng của thị trường Trung Quốc hay Hàn Quốc. Chính sách ít con và quen dần với hình thức mua trả góp thay vì trả một lần khiến khách hàng xe sang ngày càng trẻ hơn và sẵn sàng mua ô tô hơn so với trước đây.

Tạo lực đẩy cho ngành công nghiệp ô tô

Dù đánh giá có nhiều chuyển biến nhưng trong báo cáo mới nhất gửi Chính phủ về thực hiện quy hoạch phát triển ngành ô tô và sản phẩm cơ khí trọng điểm, Bộ Công Thương cho biết, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn rất nhiều chuyện đáng bàn và suy ngẫm. Theo đó, ngành công nghiệp ô tô đã phát triển khá nhanh trong 2 năm trở lại đây và một số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ…

Có thể bạn quan tâm

  • TP HCM thu phí đỗ ôtô bằng công nghệ mới: Tiền vào túi ai?

    TP HCM thu phí đỗ ôtô bằng công nghệ mới: Tiền vào túi ai?

    07:06, 24/11/2018

  • Chiêm ngưỡng loạt xe Lexus đẳng cấp ở Triển lãm Vietnam Motor Show 2018

    Chiêm ngưỡng loạt xe Lexus đẳng cấp ở Triển lãm Vietnam Motor Show 2018

    11:06, 31/10/2018

  • Xem trước loạt xe sang sẽ

    Xem trước loạt xe sang sẽ "toả sáng" tại Vietnam Motor Show 2018

    10:32, 12/10/2018

  • Công nghiệp ôtô 30 năm và 1 năm Vinfast!

    Công nghiệp ôtô 30 năm và 1 năm Vinfast!

    05:00, 07/10/2018

Thị trường đã tăng, tuy nhiên về lâu dài cần có chiến lược bài bản. Theo ông Toru Kinoshita - Chủ tịch VAMA, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, Việt Nam sẽ sớm bước vào giai đoạn xã hội hóa xe hơi với sự tăng trưởng nhanh chóng của phân khúc khách hàng cá nhân.

Vì vậy, từ bây giờ, các nhà sản xuất ô tô cần phải nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng để đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của khách hàng. Cùng với đó, doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng dịch vụ để mang đến cho khách hàng những trải nghiệm thú vị nhất khi sở hữu xe.

Đến nay, thị trường đã có sự tham gia tích cực từ các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, trong đó có Thaco, Vingroup và các tập đoàn ô tô lớn trên thế giới như Toyota, Ford, Honda, Mitsubishi... Tổng năng lực sản xuất, lắp ráp ô tô (xe con, xe tải và xe khách) khoảng 600.000 xe/năm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tỷ lệ nội địa hóa của công nghiệp ô tô còn thấp là do thị trường không đủ lớn để doanh nghiệp đầu tư. Bên cạnh đó, quan hệ giữa nhà lắp ráp và nhà cung cấp phụ tùng linh kiện thiếu chặt chẽ… 

Theo Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, với dòng ô tô dưới 9 chỗ ngồi, Việt Nam từng đặt mục tiêu nội địa hóa 40% vào năm 2005 và tăng lên 60% vào năm 2010. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ đạt bình quân từ 7 đến 10%, một số dòng xe do Trường Hải (THACO) lắp ráp đạt tỷ lệ nội địa hóa 15-18%. Ngay cả dòng xe du lịch như Toyota Innova (dòng xe đạt tỷ lệ nội địa hóa cao nhất hiện nay) cũng mới đạt tỷ lệ nội địa hóa 37%. Hiện nay, tổng số các doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô là 358 doanh nghiệp, trong đó có 50 doanh nghiệp lắp ráp ô tô, 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe và thùng xe, 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô. Con số này quá thấp so với số lượng 2.500 doanh nghiệp Thái Lan về sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô. Không chỉ ít về số lượng, mà công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam mới sản xuất được chủ yếu là sản phẩm phụ tùng, linh kiện ở mức độ đơn giản, với hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp.

Theo ông Lương Đức Toàn, Phó trưởng phòng Phòng Công nghiệp chế biến, chế tạo (Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương): Công nghiệp hỗ trợ là một trong những yếu tố quyết định giá cả xe ô tô do DN trong nước sản xuất và lắp ráp. Nhưng do công nghiệp hỗ trợ còn yếu kém nên chi phí sản xuất xe ở Việt Nam đang cao hơn xe nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN khoảng 10-20%. Nguyên nhân khiến công nghiệp hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chậm phát triển, là do dung lượng thị trường nội địa hạn chế, lại bị phân tán bởi nhiều nhà lắp ráp và nhiều mẫu mã khiến các công ty cả sản xuất, lắp ráp và sản xuất linh kiện phụ tùng rất khó đầu tư, phát triển sản xuất hàng loạt… Cùng với đó, chưa tạo được sự hợp tác-liên kết và chuyên môn hóa giữa các DN trong sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện.

Còn theo lãnh đạo Toyota Việt Nam, khó khăn lớn nhất là quy mô thị trường còn nhỏ dẫn đến chi phí sản xuất cao, giá chênh lệch nhiều so với các nước trong khu vực, đặc biệt khi thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN về Việt Nam là 0%.

Từ thực tế này, vị lãnh đạo Toyota Việt Nam đề xuất: "Chúng tôi muốn xây dựng các chính sách dài hạn nhằm đảm bảo sự tăng trưởng ổn định của thị trường ô tô, giữ tỷ lệ hợp lý giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc. Đồng thời, Chính phủ nên có chương trình hỗ trợ các nhà sản xuất để giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu, có những chính sách phù hợp với tất cả các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam".

Tiến Minh