Tháo gỡ "điểm nghẽn" chế biến ngành chăn nuôi
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, khâu yếu nhất của ngành chăn nuôi thời gian qua là khâu tổ chức chế biến và phân phối lưu thông sản phẩm.
Điểm nghẽn chế biến ngành chăn nuôi
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, chăn nuôi là một ngành hàng có tiềm năng lớn của nước ta. Tuy nhiên, khâu yếu nhất của ngành hàng chăn nuôi hiện nay chính là khâu tổ chức chế biến và phân phối lưu thông sản phẩm. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới cuộc khủng hoảng thừa lợn từ cuối năm 2016 tới đầu năm 2017 một cách nghiêm trọng.
Với các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, đặc biệt là với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ được thực thi vào năm 2019, ngành chăn nuôi Việt Nam đang được xếp vào hàng có nhiều yếu thế.
"Để củng cố ngành chăn nuôi nói chung, đặc biệt là chăn nuôi lợn, không còn cách nào khác là phải tập trung cải thiện đối với hai khâu yếu nhất nói trên", ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Được biết, cả nước hiện có khoảng 20.000 cơ sở giết mổ nhưng chủ yếu là nhỏ lẻ. Chính vì vậy việc kiểm soát chất lượng giết mổ hiện nay khá khó khăn.
“Ngành nông nghiệp đang trong quá trình tái cơ cấu, kim ngạch xuất khẩu 40 tỷ USD, trong đó 10 ngành hàng có giá trị xuất khẩu 10 tỷ USD như ngành tôm, cá tra, hạt điều… Tuy nhiên, ngành thịt lợn đang là yếu nhất, bởi ngành này hiện vẫn sản xuất thịt tươi theo công nghệ cổ truyền, xuất khẩu thịt lợn năm vừa qua không đáng kể, dẫn tới hai cuộc khủng hoảng: 1 thừa và 1 thiếu trong năm qua, cả hai trạng thái này đều không tốt cho sản xuất, thị trường”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Ngành chăn nuôi sẽ phải khuyến khích những doanh nghiệp có tiềm lực lớn, tập trung vào chuỗi giá trị khép kín, đủ sức cạnh tranh và hướng tới hướng tới xuất khẩu. Đến nay, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã chủ trương khuyến khích các thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp có tiềm lực lớn của Việt Nam cũng như doanh nghiệp FDI, cùng với các địa phương tập trung đưa những dự án chế biến hiện đại vào sản xuất.
Do đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tái cơ cấu ngành chăn nuôi mà đặc biệt là điểm yếu trong chế biến là yêu cầu tất yếu.
Có thể bạn quan tâm
Thịt mát vẫn "khó đủ đường"
03:26, 10/11/2018
“Đội” giá lên tới 30% “cản đường” thịt mát
04:42, 07/11/2018
Thịt mát "đón" thị trường tỷ USD
13:09, 05/11/2018
Thịt mát: Xu hướng tiêu dùng mới tại Việt Nam
04:17, 23/10/2018
Cuộc cách mạng từ những doanh nghiệp đi đầu
Là một doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào ngành nông nghiệp, đặc biệt tạo chuỗi sản xuất cung ứng từ trang trại đến bàn ăn, Công ty Cổ phần Masan Nutri-Science (MNS) vừa khánh thành Tổ hợp Chế biến Thịt MNS Meat tại Hà Nam. Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Massan Group cho biết, người tiêu dùng Việt Nam đang phải chi trả cao hơn từ 1,5- 2 lần cho sản phẩm thịt và đặc biệt là mối âu lo của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm đang tiêu dùng mỗi ngày.
Được biết, chế biến thịt lợn mát cũng là mục tiêu để Việt Nam hướng đến trong quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ nhỏ lẻ sang chế biến công nghiệp, quản lý theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu của các thị trường.
Tuy nhiên, trên thực tế, thịt tươi hiện vẫn chiếm hơn 90% thị trường. “Chúng ta hiện có 3 tiêu chuẩn về thịt là thịt tươi, thịt đông và thịt mát. Hiện, thịt tươi chiếm hơn 90% thị phần tiêu thụ. Thịt mát được quy định nghiêm ngặt về về điều kiện nguyên liệu vật nuôi, tiêu chuẩn giết mổ và bảo quản”, TS. Trần Đăng Ninh, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm kiểm chứng và tư vấn chất lượng nông lâm thủy sản (Nafiqad), Bộ NN&PTNT cho biết.
Trong khi đó, theo tiêu chuẩn quốc gia về thịt mát vừa được công bố thì thân thịt lợn ngay sau khi giết mổ ở dạng nguyên con hoặc xẻ đôi, phải trải qua quá trình làm mát bảo đảm tâm thịt ở phần thịt dày nhất đạt nhiệt độ từ 0 đến 4 độ C trong thời gian không quá 24 giờ.
“Chúng tôi tin rằng người Việt Nam hoàn toàn xứng đáng được tiêu dùng sản phẩm chất lượng quốc tế với giá cả thích hợp. Chúng tôi đã xây dựng hoàn chỉnh chuỗi dây chuyền tiêu chuẩn 3s từ trang trại đến bàn ăn, khởi đầu bằng trang trại nuôi heo tại Nghệ An với công suất hơn 230.000 heo thịt mỗi năm với tổng đầu tư trên 1.400 tỷ đồng trên tổng diện tích gần 200 ha”, Chủ tịch Massan Group chia sẻ.
Trang trại chọn lọc khắt khe nguồn heo khỏe và áp dụng công nghệ nuôi heo khép kín theo tiêu chuẩn thế giới nên quá trình chăn nuôi hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của điều kiện thời tiết nóng vào mùa hè và lạnh vào mùa đông lên đàn heo. Ngoài ra, trang trại áp dụng tiêu chuẩn Global GAP và hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm từ trang trại nhằm cung cấp cho thị trường các sản phẩm thịt heo an toàn không kháng sinh, không chất tạo nạc, tuân thủ quy trình kiểm soát dịch bệnh khắt khe và đảm bảo an toàn sinh học.
“Ngày hôm nay chúng tôi hoàn thành mảnh ghép cuối cùng hoàn thiện mô hình tích hợp hoàn chỉnh chuỗi giá trị thịt của Masan, công suất 1.400.000 con/năm”, ông Nguyễn Đăng Quang cho biết.
Như vậy, từ vận hành nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đáp ứng tiêu chuẩn GLOBAL GAP, đến trang trại chăn nuôi kỹ thuật cao tại Nghệ An theo tiêu chuẩn GLOBAL GAP, sau cùng là tổ hợp chế biến thịt công nghệ thịt mát từ Châu Âu đáp ứng tiêu chuẩn BRC, toàn bộ chuỗi cung ứng và phân phối giữ mát của Massan đảm bảo mang thịt mát Meat Deli đến tay người tiêu dùng.