Phát triển doanh nghiệp đầu tàu thúc đẩy liên kết chuỗi ngành chăn nuôi

Mộc Miên 26/12/2018 05:12

Việc đẩy mạnh phát triển mô hình chuỗi liên kết trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến thực phẩm và kết nối thị trường đã giúp ngành chăn nuôi có nhiều khởi sắc, đặc biệt thu hút nhiều doanh nghiệp lớn.

Theo đó, năm 2018, nhiều dự án đã khởi công và hoàn thành nhiều hạng mục lớn. Điển hình như nhà máy Hà Nam của Tập đoàn Masan công suất 140.000 tấn thịt heo/năm với công nghệ hiện địa cho thương hiệu Meat Deli đã khánh thành và đi vào hoạt động ngày 23/12.

Dự án nhà máy chế biến thịt mát đầu tiên đã khánh thành tại Hà Nam.

Dự án nhà máy chế biến thịt mát đầu tiên đã khánh thành tại Hà Nam. Ảnh: Thy Hằng

"Đừng vui vẻ trước vòng nguyệt quế"

Trước đó, nhà máy giết mổ, chế biến thịt heo tại huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) do Công ty Biển Đông và Deheus liên kết đã khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 11/2018 với công suất 350.000 heo thịt/năm… 

Đặc biệt, điểm sáng khác của ngành chăn nuôi năm qua là hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai xuất khẩu heo mạnh sang Myanma, xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản và các cơ sở xuất khẩu heo sữa, heo choai sang Hồng Kông, Singapore, Malaysia….

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, năm 2018, ngành chăn nuôi trong bối cảnh nhiều khó khăn khi vừa thoát ra 16-17 tháng về bão giá thịt lợn, nhiều gia đình treo chuồng.

Toàn ngành tăng trưởng ấn tượng, giá trị ngành chăn nuôi chiếm trên 5% GDP, sản phẩm chăn nuôi bắt đầu xuất sang các thị trường. Nhiều chuỗi được hình thành. Tổng lượng xuất khẩu của ngành chăn nuôi khoảng 500-550 triệu USD sản phẩm chăn nuôi. Một số tập đoàn lớn đầu tư vào chăn nuôi… 

Trên thực tế, báo cáo của Cục Chăn nuôi cho thấy, năm 2018, đàn heo tiếp tục tăng trưởng tốt cả về quy mô đầu con và sản lượng vượt so với kế hoạch năm 2018 đề ra. Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, đến nay đàn lợn tiếp tục tăng trưởng tốt về quy mô và chất lượng, vượt so với kế hoạch đề ra. Cụ thể sản lượng thịt đạt 3,8 triệu tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ. Tại một số địa phương như Đồng Nai, Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Nam... sau khi thực hiện việc tái đàn kể từ đợt khủng hoảng năm 2017, quy mô chăn nuôi lợn đã chuyển dịch sang hướng tập trung công nghiệp, trang trại lớn và hộ chuyên nghiệp. Đặc biệt như Đồng Nai có khoảng 94% tổng đàn được nuôi tại trang trại. 

Cùng với đó, lĩnh vực chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định, sản lượng đạt khoảng 1,1 triệu tấn, tăng 6,1%, sản lượng trứng đạt khoảng 11,8 tỷ quả, tăng 11% so với cùng kỳ. 

Cũng theo số liệu Cục Chăn nuôi, ước tính năm 2018, cả nước xuất khẩu khoảng 500 - 550 triệu USD sản phẩm chăn nuôi gồm thịt lợn sữa các loại đông lạnh, trứng vịt muối, mật ong, sữa và các sản phẩm từ sữa; khoảng 400-450 triệu USD nguyên liệu và sản phẩm thức ăn chăn nuôi.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị ngành chăn nuôi “đừng vui vẻ quá trước vòng nguyệt quế”. Bởi, năm 2019, được đánh giá là thời điểm ngành chăn nuôi bước sâu vào hội nhập sâu rộng cùng với đó là tình trạng biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ trên thế giới phát triển mạnh.

“Chiến tranh thương mại, các quốc gia lập các hàng rào kỹ thuật cản trở xuất khẩu. Trong khi đó, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, năng suất chưa cao. Những yếu tố này làm giảm sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý.

Có thể bạn quan tâm

  • Tháo gỡ

    Tháo gỡ "điểm nghẽn" chế biến ngành chăn nuôi

    11:01, 23/12/2018

  • Nông dân Việt Nam và Nông dân Hà Lan giao lưu, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sữa

    Nông dân Việt Nam và Nông dân Hà Lan giao lưu, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sữa

    00:57, 13/12/2018

  • Lập nghiệp thành công với mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp

    Lập nghiệp thành công với mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp

    05:10, 23/11/2018

  • Luật chăn nuôi: Không siết điều kiện chăn nuôi nông hộ

    Luật chăn nuôi: Không siết điều kiện chăn nuôi nông hộ

    17:52, 19/11/2018

Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đầu tàu

Do đó, để nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị, ngành chăn nuôi cần chuyển từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo chuỗi trong đó nhấn mạnh đến vai trò của các doanh nghiệp lớn đầu tàu. 

Đồng thời, Cục Chăn nuôi cần phối hợp với Cục Thú y các địa phương làm tốt công tác kiểm soát tốt dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, nhất là triển khai các giải pháp ngăn chặn xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào nước ta. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện văn bản pháp luật. Cần tiếp tục cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho ngành chăn nuôi....

“Hiện thức chăn nuôi chiếm 67-70% giá thành, Cục cần có những giải pháp để có thể giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm. Cần đẩy mạnh đổi mới, không đổi mới, ngành chăn nuôi sẽ không có sức cạnh tranh", ông Phùng Đức Tiến đề nghị. 

Đây cũng là mục tiêu hành động của ngành chăn nuôi trong năm 2019. Nói như ông Nguyễn Xuân Dương cũng cho biết, trong năm 2019, ngành sẽ tiếp tục tập trung phát triển các doanh nghiệp triển khai các giải pháp nhằm hạn chế tăng giá thức ăn chăn nuôi.

Đồng thời, theo dõi sát về giá cả và nguồn cung thị trường của các sản phẩm chăn nuôi, nhất là mặt hàng thịt heo và thông tin trên các phương tiện thông tin truyền thông để các cơ quan quản lý, người chăn nuôi, người tiêu dùng nắm bắt đầy đủ, kịp thời. Tăng cường quản lý giá thức ăn, giảm giá thịt heo. Theo đó, duy trì giá heo hơi ở mức 40-45 ngàn đồng/kg, giá thành xuống dưới 35.000 đồng/kg.

Mộc Miên