Cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia tạo "bứt phá" cho năm 2019

Thy Hằng 28/12/2018 14:11

Năm 2019 được xác định là năm "bứt phá" cho phát triển kinh tế xã hội, do đó, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2019 những những yêu cầu mà Nghị quyết 02/2019 đề ra.

Trình bày dự thảo Nghị quyết 02 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Nghị quyết bắt đầu sử dụng các bảng xếp hạng liên quan đến môi trường kinh doanh. 

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Nghị quyết bắt đầu sử dụng các bảng xếp hạng liên quan đến môi trường kinh doanh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Nghị quyết bắt đầu sử dụng các bảng xếp hạng liên quan đến môi trường kinh doanh.

Một số cải cách còn hình thức

Cụ thể, sau 3 năm, nhờ thực hiện Nghị quyết 19 và nhiều giải pháp tổng thể ở Trung ương và địa phương, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng được 13 bậc, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng được 5 bậc, chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 14 bậc, chỉ số Chính phủ điện tử tăng 1 bậc. Từng chỉ tiêu cụ thể đều có mức cải thiện như tiếp cận điện năng tăng 69 bậc, thuế và bảo hiểm xã hội tăng 36 bậc, khởi sự kinh doanh tăng 17 bậc.

Đáng chú ý, nếu so sánh với mức thu nhập bình quân của người dân Việt Nam tính theo sức mua tương đương (PPP) hiện đạt 7.378 USD, đứng thứ 124 trên thế giới, thì tất cả các chỉ số đều được xếp hạng cao hơn. Ví dụ năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành đứng thứ 67, chỉ số logistic đứng thứ 39, năng lực đổi mới sáng tạo thứ 45.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng thẳng thắn cho biết, mục tiêu lọt vào tốp 4 nước ASEAN theo Nghị quyết 19 qua các năm còn rất khó khăn. Bên cạnh một số chỉ số cải thiện nhanh vẫn còn nhiều chỉ số cải thiện chậm.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng cho biết, với đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp trong nước, qua khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về 11 chỉ tiêu trọng điểm thì có 6/11 chỉ tiêu được đánh giá tốt, rất tốt, có cải thiện nhanh, 5/11 chỉ tiêu còn kém, ít được cải thiện như phá sản doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư, thủ tục xuất nhập khẩu, hoặc những chỉ tiêu được quốc tế đánh giá tốt như thủ tục xây dựng đứng thứ 21 nhưng 51% doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng. 

“Nhiều chuyên gia độc lập đánh giá chính sách chung của chúng ta tốt nhưng thực hiện cụ thể ở bên dưới liên quan đến đội ngũ công chức chưa thực sự tốt”, Phó Thủ tướng nói.

Qua thời gian thực hiện Nghị quyết 19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng vai trò hướng dẫn của các bộ ngành xuống các địa phương dù đã có cố gắng nhưng chưa thật rõ nét.

Có thể bạn quan tâm

  • Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Năm 2019 phải hơn năm 2018 trên tất cả các phương diện

    Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Năm 2019 phải hơn năm 2018 trên tất cả các phương diện"

    11:50, 28/12/2018

  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Chính phủ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế"

    09:23, 28/12/2018

  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tạo mọi điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tạo mọi điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển

    18:12, 27/12/2018

Hiện mới chỉ có Bộ KHCN có sổ tay hướng dẫn xuống bên dưới, còn lại mới chỉ triển khai ở Bộ mà chưa hướng dẫn xuống ngành dọc. Cùng với đó, việc thực hiện mới chỉ tập trung vào các chỉ tiêu trực tiếp liên quan đến doanh nghiệp mà chưa chú trọng đúng mức đến chỉ tiêu về an sinh, xã hội.

Sự phối hợp giữa các bộ ngành, các cấp chưa thực sự chủ động. Một số cải cách còn hình thức, chưa thực chất.

4 nhóm giải pháp tương lai

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết dự thảo Nghị quyết 02 kiên trì mục tiêu lọt vào tốp ASEAN 4 vào năm 2021 hoặc đa phần các chỉ số lọt vào tốp ASEAN 4 để giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân, mà trực tiếp là tăng doanh nghiệp thành lập mới, giảm tỷ lệ doanh nghiệp ngừng hoạt động, đóng cửa, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.

Để hiện thực những mục tiêu trên, Phó Thủ tướng cho biết, Nghị quyết 02 đã đưa ra 4 nhóm giải pháp chính.

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh bởi dù đến năm 2018 các bộ ngành đã cắt giảm được 50% điều kiện kinh doanh nhưng thực tế các doanh nghiệp phản ánh và khảo sát các chuyên gia độc lập thì thực chất mới cắt giảm được 30%, còn 20% vẫn trên lý thuyết. Vì vậy, Nghị quyết yêu cầu các bộ ngành phải rà soát lại các văn bản chỉ đạo để việc cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh là thực chất.

Tăng trưởng GDP qua các năm.

Tăng trưởng GDP qua các năm.

Thứ hai, trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, Phó Thủ tướng dẫn số liệu hiện có 78.000 nhóm hàng/mặt hàng thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành, trong đó thời gian ở khâu hải quan chỉ chiếm 28%, còn 72% liên quan đến việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành do 12 bộ ngành phụ trách.

“Hiện vẫn còn 57% doanh nghiệp đánh giá thủ tục xuất nhập khẩu chưa có cải thiện rõ nét. Thời gian thông quan của Việt Nam so với các nước trong khu vực thì gấp 2 lần Thái Lan và Malaysia, gấp 5 lần Singapore, chi phí cao gấp 2 lần các nước này. Đây là nhiệm vụ phải tập trung mạnh trong năm tới và trong nhiều giải pháp thì đặc biệt phải kiên quyết một mặt hàng chỉ một cơ quan làm đầu mối kiểm tra chuyên ngành và tăng cường các tổ chức đánh giá phù hợp cả công lẫn tư”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Thứ ba, đẩy mạnh thanh toán điện tử và dịch vụ công trực tuyến mức 4, Phó Thủ tướng cho biết đây là nhóm giải pháp mới được nhấn mạnh trong Nghị quyết 02, không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn liên quan đến công khai, minh bạch, chống tham nhũng.

Theo Phó Thủ tướng, chủ trương không dùng tiền mặt được nói đến từ lâu nhưng thực tế chuyển biến rất chậm. Đơn cử tổng tỷ trọng thanh toán tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán ở Việt Nam là 11,49%, cao hơn nhiều so với các nước như Trung Quốc 4,1%, Malaysia 5,39%, Thái Lan 3,16%, ngay Campuchia 10,37%. Tiền mặt sử dụng cho 90% chi tiêu, 99% cho mặt hàng dưới 100.000 đồng, gần 85% giao dịch tại ATM là rút tiền. Vì vậy, việc cung cấp dịch vụ công mức 4 hiện chỉ đạt 6,98%, trong đó chỉ 20% phát sinh hồ sơ, có một nguyên nhân là thiếu phương thức thanh toán điện tử.

Thứ tư, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trên tinh thần doanh nghiệp là trung tâm, cổ vũ cho sáng tạo, đẩy mạnh tự chủ cho các viện nghiên cứu, trường đại học, “đặc biệt cần phải làm chủ các công nghệ ngoại nhập và tham gia phát triển”.

Cùng với đó là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, hiện mới chỉ có khoảng 3.000 doanh nghiệp trên tổng số hơn 600.000 doanh nghiệp của cả nước trong khi Singapore có 5 triệu dân nhưng đã có 2.400 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, số vốn huy động gấp 4 lần Việt Nam.

“Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần hỗ trợ về thuế, vốn, không gian sáng tạo… nhưng quan trọng nhất là cần tạo cho họ thị trường ban đầu, nhất là thị trường do Nhà nước quản lý và dữ liệu lớn để các doanh nghiệp này cùng tham gia và phát triển trên nền tảng công nghệ mới”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Thy Hằng