Doanh nghiệp tiên phong gỡ "nút thắt" chế biến nông sản
Liên tiếp nhiều nhà máy chế biến sâu các sản phẩm nông sản ra đời cho thấy hướng phát triển tập trung vào lượng, "xuất" ít mà "thu" nhiều của ngành nông nghiệp đang thu hút nhiều doanh nghiệp.
Nhà máy chế biến rau củ quả đầu tiên ở Việt Nam đạt chuẩn Mỹ vừa được khánh thành ngày 6/1 tại Tây Ninh. Nhà máy chế biến rau củ quả này của Công ty Cổ phần Lavifood có quy mô 15 ha, vốn đầu tư lên đến 1.780 tỷ đồng.
Chế biến…“hụt hơi”
Với hơn 60.000 tấn thành phẩm mỗi năm, nhà máy được đánh giá có năng lực chế biến được đánh giá là lớn nhất Việt Nam hiện nay và là một trong 5 nhà máy có công nghệ hiện đại nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây cũng là nhà máy đầu tiên ở Việt Nam đạt chuẩn Lead Silver của Mỹ.
Đặc biệt, nhà máy được kỳ vọng có thể chấm dứt tình trạng thương lái ép giá do thừa nguồn cung nông sản và giúp cải thiện thu nhập cho nông dân Tây Ninh từ 0,26 USD lên 3,6 USD mỗi m2 đất canh tác.
Được biết, với dây chuyền nhập khẩu từ Nhật Bản, Mỹ… áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý và vận hành, sản phẩm có thể sử dụng ngay mà không phải qua chế biến, nhà máy này sẽ cho ra đời các sản phẩm trái cây đông lạnh, nước ép, trái cây sấy khô, sấy dẻo, nước trái cây cô đặc đạt tiêu chuẩn quốc tế, xuất khẩu sang thị trường các nuớc Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia.
Trước đó, những ngày cuối năm 2018, ngành nông nghiệp cũng đón tin vui khi nhà máy chế biến thịt mát đầu tiên được khánh thành tại tỉnh Hà Nam. Chỉ trong 2 năm qua, đã có 18 nhà máy chế biến lớn được khởi công và khánh thành với tổng mức đầu tư khoảng 10.040 tỷ đồng. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đầu tư vốn lớn, công nghệ cao ngang tầm khu vực và quốc tế đã cho thấy sức hút của ngành công nghiệp chế biến theo hướng phát triển chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Nhìn lại, thực tế, dù có mức tăng trưởng lớn, 3,76% năm 2018 với kim ngạch xuất khẩu trên 40 tỷ USD, tuy nhiên khâu chế biến vẫn được coi là yếu điểm của ngành nông nghiệp. Với nhiều ngành hàng, công nghiệp chế biến chưa đáp ứng yêu cầu, thậm chí đang là “nút thắt” trong chuỗi giá trị, một số ngành hàng khâu chế biến chỉ mới sử dụng 5-10% sản lượng sản xuất ra.
Cụ thể, theo Bộ NN&PTNT, trình độ công nghệ chế biến nông sản của nước ta chưa cao, tỷ lệ sản phẩm có giá trị gia tăng cao còn thấp, chủng loại chưa phong phú. Hệ số đổi mới thiết bị những năm qua chỉ ở mức 7%/năm (bằng 1/2-1/3 mức tối thiểu của nhiều nước khác). Trình độ công nghệ chế biến một số mặt hàng nông sản 80% ở mức trung bình trở xuống. Các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp vẫn chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 80% sản lượng.
Có thể bạn quan tâm
Khánh thành Nhà máy chế biến rau củ quả hiện đại nhất Đông Nam Á
16:00, 06/01/2019
Tháo gỡ "điểm nghẽn" chế biến ngành chăn nuôi
11:01, 23/12/2018
Ngành thực phẩm chế biến: Vì sao cứ phải cầu cứu Thủ tướng mới được giải quyết?
05:29, 20/12/2018
Ưu đãi thuế nhập khẩu máy móc chế biến
Do đó, sự đầu tư mạnh mẽ của doanh nghiệp vào chế biến nông sản được kỳ vọng tháo gỡ “nút thắt” này của ngành, nâng cao giá trị nông sản Việt và phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Nói như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: “Trước đây, thế giới vẫn cho rằng Việt Nam không có khả năng sản xuất sữa và chủ yếu phụ thuộc vào nguồn sữa nhập khẩu. Đến nay, với sự đầu tư bài bản, đúng hướng, ứng dụng khoa học-công nghệ tốt của các Tập đoàn như TH True Milk, Vinamilk, sản xuất sữa trong nước đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu trong thời gian tới”.
Do đó, Bộ trưởng khẳng định, thời gian tới, để đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành, từng ngành hàng, trong đó phải tập trung vào việc đẩy mạnh chế biến sâu để gia tăng giá trị. Lấy ví dụ con tôm, phụ phẩm của nó là vỏ tôm, nếu được đầu tư chế biến và tìm kiếm đầu ra tốt thì vỏ tôm có thể làm nguyên liệu đầu vào của mỹ phẩm, dược liệu. Hay như con cá tra, phụ phẩm của nó có thể dùng là dầu cá, collagen. Với trái cây không chỉ xuất khẩu tươi mà còn chế biến nước ép. Thị trường thương mại trái cây toàn cầu hiện khoảng 240 tỷ USD/năm, nước ép, nước đóng hộp khoảng 270 tỷ USD/năm.
“Trong khi đó, chúng ta mới xuất khẩu chiếm khoảng 1,5% tổng giá trị của mặt hàng này trên thế giới. Do đó còn nhiều dư địa để chúng ta phát triển mặt hàng này. Mặt hàng gạo thì tập trung vào chất lượng, thương hiệu, hiệu quả kinh tế cao phải tập trung vào “chất” chứ không chỉ tập trung vào “lượng” như trước đây. Các mặt hàng nông lâm thuỷ sản khác cũng theo hướng này. Nghĩa là “xuất” ít mà “thu” về nhiều. Cùng với đó, chúng ta phải tiếp tục xây dựng thương hiệu cho từng loại nông sản và mở rộng thị trường”, Bộ trưởng khẳng định.
Tuy nhiên, để thực sự thu hút hơn nữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia vào tháo gỡ nút thắt chế biến của ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp, địa phương đều đồng thuận cho rằng, cần có cơ chế khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa. Cụ thể, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Thái Bình Seed kiến nghị: "Nhà nước cần có cơ chế giảm thuế, miễn thuế nhập khẩu với thiết bị máy móc chế biến sản phẩm ngành nông nghiệp cũng như doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu".
Có cùng quan điểm, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, Nhà nước cần có thêm các cơ chế, chính sách ưu đãi về vốn để khuyến khích doanh nghiệp tăng cường liên kết với nông dân trong xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất chất lượng cao, gắn với đầu tư xây dựng các hệ thống sấy lúa, chứa lúa và các dây chuyền chế biến hiện đại. Qua đó, giúp nâng cao chất lượng, năng lực dự trữ, bảo quản sản phẩm để chủ động bán ra thị trường vào thời điểm có lợi về giá.