Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu
Một ngày ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên năm 2019, Thủ tướng chỉ đạo bãi bỏ nội dung bất cập tại Thông tư 08 và Thông tư 09, cũng như thay đổi phương thức kiểm tra phế liệu nhập khẩu.
Theo đó, sau khi hết kỳ nghỉ Tết, doanh nghiệp sẽ có nguyên liệu để sản xuất. Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét giảm chi phí nộp phạt, giảm tiền lưu kho lưu bãi cho doanh nghiệp.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo thay đổi phương thức kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Theo đó, Thủ tướng vừa yêu cầu, Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành Thông tư bãi bỏ những nội dung bất cập liên quan đến quy trình kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất tại Thông tư số 08/2018/TT-BTNMT và Thông tư số 09/2018/TT-BTNMT của Bộ TN&MT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hoàn thành trước 15/2/2019.
Thống kê của Bộ Tài chính, tính đến ngày 25/1/2019, các container phế liệu đang lưu giữ tại cảng trên toàn quốc là 24.184 container, trong đó, số lưu giữ từ 30 ngày đến 90 ngày là 6.733 container; số tồn đọng trên 90 ngày là 9.872 container. Riêng tại các cảng biển Hải Phòng hiện đang lưu giữ 6.660 container.
Nhận định về vấn đề này, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: “Chúng ta rất tiếc khi thực hiện việc này chúng ta không xem xét kỹ các văn bản, quy định liên quan dẫn đến chồng chéo. Chúng ta ban hành quy định này mà chưa đánh giá kỹ tác động là sự vô cảm, đã vô tình “bóp chết” doanh nghiệp, doanh nghiệp phải rơi nước mắt. Chúng ta phải nhận lỗi với doanh nghiệp”.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, một lô hàng container phế liệu phải qua 4 cơ quan kiểm tra, kiểm soát. Cùng với đó, Thông tư 08 quy định, một container chỉ thực hiện 1 ngày là thông quan nhưng thực tế tại Cảng Cái Mép đang là 29 ngày. Sở TN&MT chiếm tới 90% thời gian này, còn toàn bộ là thời gian của Hải quan để chờ giấy, mặc dù chỉ cần ký xác nhận thôi nhưng Hải quan phải chờ.
Việc chậm được thông quan các lô hàng này, mỗi ngày doanh nghiệp phải chi trả khoảng 40-50 USD/container/ngày tiền lưu kho, bãi, với 16.605 container (đang bị lưu giữ từ 30-90 ngày), gây thiệt hại cho doanh nghiệp khoảng từ 600.000-800.000 USD/ngày.
Ngoài ra, theo phản ánh, nhiều doanh nghiệp phải giảm công suất, công nhân nghỉ việc, hủy hợp đồng, các hãng tàu chở phế liệu từ chối hoặc tăng 1,5 lần giá cước vì chủ tàu cho rằng hàng về Việt Nam khó khăn trong việc thông quan.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu, trong khi Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường (thay thế Điều 60 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP chưa được ban hành và chưa có hiệu lực thi hành), để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ thống nhất thay đổi phương thức kiểm tra chất lượng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo hướng: Đơn vị giám định độc lập được Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định tổ chức giám định chất lượng phế liệu nhập khẩu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ kết quả giám định, phân tích chất lượng của các lô hàng phế liệu nhập khẩu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất và có sự tham gia của cơ quan hải quan trong quá trình kiểm tra, lấy mẫu.
Đơn vị này chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ kết quả giám định, phân tích chất lượng của các lô hàng phế liệu nhập khẩu. Căn cứ vào kết quả kiểm tra, giám định của đơn vị giám định, cơ quan hải quan thực hiện việc thông quan các lô hàng phế liệu nhập khẩu theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng cũng yêu cầu, Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành Thông tư bãi bỏ những nội dung bất cập liên quan đến quy trình kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất tại Thông tư số 08/2018/TT-BTNMT và Thông tư số 09/2018/TT-BTNMT.
Có thể bạn quan tâm
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Hàng vạn container tồn đọng, chúng ta vô cảm “bóp chết” doanh nghiệp
17:57, 31/01/2019
Hàng vạn container tồn đọng và bài học thiết kế chính sách
14:54, 31/01/2019
Đau đầu container chạy rỗng một chiều
10:58, 26/12/2018
5.000 container phế liệu tồn đọng: Doanh nghiệp sợ sai nên bỏ hàng?
06:30, 30/10/2018
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng còn cho biết thêm, Thủ tướng đã có yêu cầu, doanh nghiệp mở tờ khai hàng hoá lúc nào phải được thông quan thời điểm đó. Các lô hàng có thể nhập từ tháng 7, tháng 8 năm 2018, trước khi có Thông tư 08, 09 đều được thông quan.
“Đây là “món quà” để doanh nghiệp ăn Tết, sau khi nghỉ Tết, doanh nghiệp sẽ có nguyên liệu để sản xuất. Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét giảm chi phí nộp phạt cho doanh nghiệp nếu có, đồng thời giảm tiền lưu kho lưu bãi khi để hàng lưu kho lâu không thông quan gây phát sinh chi phí cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ.
Bởi theo Người phát ngôn Chính phủ, nếu là các lô hàng rác thải ô nhiễm, vô chủ thì phải cương quyết ngăn chặn, xử lý, nhưng nếu là lô hàng phế liệu làm nguyên liệu đủ điều kiện, bảo đảm an toàn môi trường thì phải được thông quan, không để ảnh hưởng đến sản xuất.