Xuân về bàn chuyện phát triển nông nghiệp công nghệ cao (kỳ II): Khi chính quyền là “bà đỡ”
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao được xác định là mũi nhọn trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhiều địa phương đã chủ động thí điểm nhiều giải pháp đột phá giúp doanh nghiệp tích tụ được đất đai.
Trao đổi với Phóng viên Báo DĐDN, ông Trương Minh Hiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tích tụ đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng công nghệ cao, liên kết nông dân theo chuỗi giá trị là chìa khoá để địa phương thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
- Việc khánh thành nhà máy thịt mát đầu tiên của Việt Nam trên địa bàn đã đưa Hà Nam trở thành điển hình về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông nghiệp, thưa ông?
Trước đây, phần lớn diện tích nông nghiệp của Hà Nam là trồng lúa lên tới 33.000 ha. Tuy nhiên, hiện địa phương đang đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Bởi tỉnh xác định muốn tái cơ cấu nông nghiệp, không thể không có doanh nghiệp đầu tư. Đây là vấn đề vừa lý luận, vừa thực tiễn. Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, vừa là động lực, vừa là hạt nhân, vừa là nhân tố quyết định sản xuất chuỗi từ trồng trọt, chăn nuôi, chế biến tiêu thụ.
Xác định rõ vấn đề trên, đến thời điểm này, Hà Nam đã tập hợp được 3.000 ha đất nông nghiệp, chiếm khoảng 10% tổng diện tích đất của tỉnh. Trong đó, tỉnh quy hoạch 6 khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích khoảng 600 ha. Nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn tại Hà Nam như: VinEco, Vinaseed, Dabaco, Vinamilk, MASAN… Những doanh nghiệp này sẽ là đầu tàu đầu tư vốn và công nghệ vào sản xuất, tăng cao giá trị. Đồng thời, với thương hiệu của doanh nghiệp sẽ giúp tiêu thụ sản phẩm dễ hơn.
- Quá trình thu hút doanh nghiệp chắc hẳn vẫn có khó khăn, đặc biệt, như về đất đai trước nay vẫn được xem là điểm nghẽn, tỉnh đã tháo gỡ thế nào, thưa ông?
Đúng vậy, với doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp thì tích tụ đất đai luôn là rào cản bởi chính sách hạn điền. Theo Luật đất đai, khi doanh nghiệp cần quỹ đất cho phát triển sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp phải tự thỏa thuận thuê đất với người dân. Tuy nhiên, doanh nghiệp sợ nông dân không tuân thủ hợp đồng cho thuê đất, trong khi nông dân sợ mất đất.
Vì vậy mà, nếu để doanh nghiệp tự đi vận động vài nghìn hộ dân mới có được 100 ha, sẽ gặp điểm nghẽn không vượt qua được. Trong một cánh đồng, phần lớn các hộ đồng ý cho thuê, nhưng một vài hộ không đồng ý, thì cũng không thể tập trung toàn cánh đồng để triển khai cơ giới hóa đồng bộ.
Giải quyết vấn đề này, tại Hà Nam, chính quyền cấp xã, cấp huyện đứng ra tuyên truyền vận động nông dân cho Chính quyền thuê đất, sau đó sẽ cho doanh nghiệp thuê lại. Giá đất cho doanh nghiệp thuê, đúng bằng giá nông dân cho chính quyền thuê. Giá đất của Hà Nam cho doanh nghiệp thuê ở thời điểm này là khoảng gần 3.000 đồng/m2. Cho thuê có dự án 10 năm, có dự án 20 năm, có dự án tới 40 năm. Thuê như thế, nông dân Việt Nam rất sợ mất đất. Để giải quyết lo lắng này của người dân, chính quyền để dân giữ sổ đỏ, khi cho doanh nghiệp thuê, phải ràng buộc một số điều khoản. Đồng thời cho phép nông dân có thể chuyển nhượng đất, nhưng người nhận chuyển nhượng đó phải tuân thủ thực hiện tiếp hợp đồng cho thuê đất.
Nhờ giải pháp hiệu quả, Hà Nam đã tập hợp được 3.000 ha đất nông nghiệp, có thể cho doanh nghiệp thuê, chiếm khoảng 10% diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh. Đơn cử một dự án gần đây của Vinaseed cần 22 ha, chúng tôi đã giao 21 ha.
Với những hộ nông dân vẫn muốn tự phát triển sản xuất, nhất quyết không muốn cho thuê đất, tỉnh xây dựng quy hoạch đất đai. Mỗi xã, đều có sẵn quỹ đất 5% ở ngoài vùng cho doanh nghiệp thuê. Sử dụng đất này đem đổi cho những hộ dân muốn tự phát triển sản xuất. Tỉnh sẽ bỏ ngân sách ra đầu tư hệ thống thủy lợi giao thông, điện nước tốt hơn chỗ cũ, thì người ta mới muốn rời bỏ ruộng cũ và đến khu ruộng mới.
Có thể bạn quan tâm
Xuân về bàn chuyện phát triển nông nghiệp công nghệ cao (kỳ I): Phá vỡ "bức tường" tư duy
10:50, 31/01/2019
Giải bài toán doanh nghiệp nông nghiệp "khát" đất năm 2019
11:46, 30/01/2019
Năm 2019, ngành nông nghiệp phấn đấu xuất khẩu tối thiểu 43 tỷ USD
19:23, 29/01/2019
Doanh nghiệp Quảng Bình gặp khó trong đầu tư nông nghiệp
05:08, 24/01/2019
- Thưa ông, bên cạnh đó, địa phương còn có các chính sách thu hút doanh nghiệp như thế nào?
Ngoài cơ chế ưu đãi của Chính phủ cho các dự án nông nghiệp, Hà Nam có ưu đãi riêng. Tỉnh có 10 cam kết với các doanh nghiệp đầu tư. Cụ thể, khi dự án được vào, Tỉnh cam kết đầu tư hạ tầng đến chân hàng rào của dự án. Đơn cửa, với đất lúa chuyển sang đất trồng rau, mưa úng thì phải tiêu nước. Hà Nam xây dựng trạm bơm cưỡng bức, để nếu có trận mưa trên 200 mm thì sẽ bơm tiêu úng chỉ trong 3-4 tiếng là phải cạn hết nước. Địa phương đứng ra giải quyết vấn đề này sẽ giảm chi phí lớn cho nhà đầu tư, nước sạch, nước sinh hoạt, điện, viễn thông cung cấp đến chân hàng rào dự án.
Là tỉnh có lợi thế về chăn nuôi với vật nuôi chủ lực là con lợn, phát triển bò sữa, phát triển bò sinh sản và nuôi trồng thủy sản. Tỉnh đều ban hành các đề án, cơ chế hỗ trợ cho từng loại này rất rõ rang. Có 16-17 đề án. Đơn cử, xác định phát triển thủy sản theo hướng tập trung thâm canh những mô hình nuôi cá công nghệ cao trong ao đã được hình thành. Nuôi theo mô hình này có thể đạt 100 tấn/ha, gấp 10 lần so với năng suất nuôi bình thường, kế hoạch đến hết năm 2019 này sẽ có 80 hộ nuôi theo công nghệ này.
Hà Nam cũng quy hoạch 12 khu chăn nuôi tập trung theo quy trình tiêu chuẩn quốc tế, tại đó Chính quyền sẽ xây dựng các nhà máy xử lý chất thải, nước thải chăn nuôi đạt chuẩn, để chấm dứt hoàn toàn tình trạng ô nhiễm môi trường.
- Xin cảm ơn ông!