Xuân về bàn chuyện phát triển nông nghiệp công nghệ cao (kỳ I): Phá vỡ "bức tường" tư duy

Diendandoanhnghiep.vn Sản xuất nông nghiệp manh mún, đơn thuần cần được chuyển đổi mạnh mẽ sang nền sản xuất kinh tế thị trường, hội nhập, để nông nghiệp Việt Nam không còn mãi là “người khổng lồ” trên đôi chân đất sét.

Không phải ngẫu nhiên mà tại Hội nghị đầu tiên của ngành nông nghiệp năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định yêu cầu: “Nông nghiệp Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. 

doanh nghiệp

Doanh nghiệp hoạt động trong nông nghiệp.....

Chuyển đổi tư duy kinh tế nông nghiệp

Còn nhớ tháng 10/2018 vừa qua, “bức tường lúa” của Israel từng gây xôn xao khi được trưng bày giữa thủ đô Hà Nội, phá vỡ mọi lối suy nghĩ thông thường về sản xuất nông nghiệp cũng như đặt ra kỳ vọng về sự sang trang của nông nghiệp Việt Nam. 

Theo đó, cây lúa mặc dù được trồng trong các chậu nhỏ trên bức tường thẳng đứng dựng từ thép vẫn sinh trưởng tốt nhờ sự kết hợp giữa công nghệ tận dụng đất nền và công nghệ tưới nhỏ giọt. Công nghệ hiện đại của các kỹ sư Israel này đã giải quyết được thách thức rất lớn trong việc đảm bảo nước tưới trên bức tường lúa không bị trôi và rơi xuống nhanh do lực hấp dẫn. Đồng thời, đảm bảo tiết kiệm diện tích, lượng nước cũng được cắt giảm hơn 95% so với thông thường mà vẫn đảm bảo nước được phân phối đều đến cây lúa, giải quyết vấn đề sản xuất nông nghiệp tại chính các đô thị mà nguồn lực đất đai là hạn hẹp. Đặc biệt, công nghệ này được cho là có thể ứng dụng trên nhiều loại cây trồng khác, không riêng cây lúa.

Trên thực tế, “bức tường lúa” của Israel chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về sự phát triển đáng kinh ngạc của sản xuất nông nghiệp ngày nay. Công cuộc tìm kiếm phương pháp nâng sản lượng, chất lượng và bảo vệ môi trường trong nông nghiệp đang bước sang trang mới với sự tăng trưởng của việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số trong “canh tác thông minh” hay còn gọi là “nông nghiệp 4.0”. Đây là cuộc cách mạng nông nghiệp khởi nguồn bởi việc áp dụng các công nghệ mới về vệ tinh, hệ thống định vị chính xác cao, cảm biến thông minh và nhiều ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp với kỹ thuật công nghệ cao.

Điều đáng nói, câu chuyện phát triển như “vũ bão” của cuộc cách mạng này mới chỉ là với thế giới, trong khi lại khá mới mẻ tại Việt Nam. Nhưng có lẽ cũng là dễ hiểu với nền sản xuất nông nghiệp mà 9 triệu nông hộ là chủ yếu, quy mô chỉ đạt 0,18 ha trên mỗi thửa đất và 2,5 thửa đất trên mỗi hộ gia đình. Con số 9.000 doanh nghiệp hoạt động thực chất trong ngành kỳ thực còn quá nhỏ nhoi.

Chủ tịch Tập đoàn Mavin David Whitehead từng thẳng thắn chia sẻ rằng, chưa nói đến công nghiệp 4.0, còn rất nhiều nông dân Việt Nam vẫn đang “kẹt” lại ở công nghiệp 3.0 và rất rất nhiều vẫn còn ở công nghiệp 2.0, phụ thuộc vào điện thoại, bóng đèn, động cơ đốt trong. "Họ còn một quãng đường rất dài mới hiểu và áp dụng được những lợi thế của Công nghiệp 4.0", ông David Whitehead nói.

Trăn trở về điều này, rất nhiều lần Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu, thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 phải áp dụng mạnh mẽ vào nông nghiệp. Bởi thực tế, việc áp dụng tiến bộ khoa học trong nông nghiệp nhìn chung còn yếu, công nghệ lạc hậu, tỉ lệ giá trị chất xám trong giá thành sản phẩm nông nghiệp chưa cao, dẫn đến 90% hàng nông sản Việt Nam là xuất nguyên liệu thô, chưa qua chế biến, tỉ lệ thải loại rất cao. 

Rất nhiều chính sách khuyến khích đã được đưa ra, cùng với đó, ngành nông nghiệp đang có bước đà thuận lợi với mức tăng trưởng 3,76% năm qua cho thấy nông nghiệp 4.0 không phải xa vời mà chính là cơ hội cho Việt Nam. Muốn làm được điều đó, nền nông nghiệp, trước tiên, phải bước chuyển từ tư duy nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp, vượt qua chính “bức tường” tư duy sản xuất nhỏ lẻ manh mún bước sang nền sản xuất kinh tế thị trường, hội nhập sâu rộng. Nếu không thay đổi tư duy, xắn tay vào làm thì có lẽ nông nghiệp Việt Nam sẽ mãi chỉ là “người khổng lồ” trên đôi chân đất sét mà thôi. 

 … và cơ chế hỗ trợ linh hoạt cho “người chơi”

Công bằng mà nói, mô hình “nông nghiệp 4.0 hoàn chỉnh” thì Việt Nam và nhiều nước đang phát triển chưa có được, nhưng những mô hình phát triển nông nghiệp sử dụng hàm lượng công nghệ cao với cảm biến kết nối internet (IoT) ở Việt Nam không phải hiếm, nhiều doanh nghiệp như Việt Úc, TH, Massan hay Dabaco… đã đầu tư các dự án vào nông nghiệp công nghệ cao. 

Thu hút doanh nghiệp đầu tư cũng được xác định là giải pháp trọng tâm để phát triển nông nghiệp thông minh. Tuy nhiên thực tế con số này là không nhiều. Vì đầu tư nông nghiệp công nghệ cao với chi phí lớn, đầu tư dài hạn, rủi ro cao là cuộc chơi vô cùng mạo hiểm mà ở đó “người chơi” có thể “trắng tay” bất cứ lúc nào. Vậy làm sao để mở rộng hơn nữa, thu hút hơn nữa các nguồn lực, thu hút doanh nghiệp vào nông nghiệp mà đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao?

Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc từng khẳng định, trước khi gieo hạt, người nông dân, doanh nghiệp cần biết nhu cầu thị trường cần gì, bởi vậy mà đưa công nghệ cao vào nông nghiệp phải bắt đầu ngay từ khâu dự báo thị trường. Theo đó, Nhà nước, cơ quan trung ương cần hỗ trợ xây dựng các trang thông tin thị trường trong khi các địa phương xây dựng dữ liệu nguồn cung của từng địa phương, tạo sự kết nối minh bạch, giúp đồng thuận trong việc đưa ra quy hoạch vùng cũng như tổ chức xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao.

Một khi bài toán cần là thị trường tiêu thụ đã “nắm trong tay”, thì bài toán đủ là chính sách thúc đẩy thực hiện cũng cần phải có để đưa công nghệ cao vào nông nghiệp được thuận lợi và nhanh chóng hơn. Nói như ông Đặng Kim Khôi, Viện chính sách và Chiến lược nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Cần một cơ chế linh hoạt hơn như cho doanh nghiệp, nông dân được dùng chính tài sản đầu tư vào công nghệ cao để thế chấp. Bởi các thủ tục về tín dụng hiện cơ chế cho đối tượng hưởng lợi được áp dụng một cách cứng nhắc, kém linh hoạt dẫn đến việc triển khai các quyết định chính sách ưu đãi hết sức khó khăn”.

Cùng với đó là vấn đề đất đai, có lẽ cuộc cách mạng giải phóng đất đai đã là câu chuyện tốn nhiều giấy mực. Với nông nghiệp công nghệ cao, quỹ đất lớn ở vị trí thuận lợi nhằm giảm chi phí cho nhà đầu tư, doanh nghiệp là yêu cầu tiên quyết.

Và trong khi quy định về hạn điền chưa được tháo gỡ thì các địa phương có thể trực tiếp gỡ khó cho nhà đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, hỗ trợ người nông dân liên kết doanh nghiệp để họ sẵn sàng hội nhập nền sản xuất thông minh, đúng tinh thần phát triển “không để ai bị bỏ lại phía sau”. 

(kỳ II): Khi chính quyền là “bà đỡ”... kinh nghiệm từ Hà Nam

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Xuân về bàn chuyện phát triển nông nghiệp công nghệ cao (kỳ I): Phá vỡ "bức tường" tư duy tại chuyên mục Kinh tế của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711630442 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711630442 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10