Chiến lược phát triển 10 năm: Thách thức lớn nhất là cải cách thể chế!
Theo Chuyên gia Kinh tế Lê Đăng Doanh, khát vọng phát triển đất nước cần đi liền với cải cách thể chế, gồm chính sách pháp luật, bộ máy để các động lực mới cho phát triển được bứt phá.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng và các Phó Thủ tướng vừa có cuộc làm việc với các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học góp ý, hiến kế về định hướng chiến lược, tầm nhìn cho giai đoạn sắp tới của đất nước.
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi nhanh với Chuyên gia Kinh tế Lê Đăng Doanh, một trong những Chuyên gia tham gia đóng góp ý kiến vào Báo cáo Chiến lược 10 năm, văn kiện hiện đang được Tiểu ban tích cực xây dựng.
- Là một trong những Chuyên gia tham gia đóng góp ý kiến, hiến kế về định hướng chiến lược, tầm nhìn cho giai đoạn sắp tới của đất nước, ông đánh giá thế nào về những thách thức của Việt Nam thời gian tới?
Các chuyên gia, nhà khoa học chúng tôi đánh giá cao tinh thần cầu thị, nghiêm túc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Người đứng đầu Chính phủ đã tiến hành họp bàn với 21 chuyên gia và các nhà khoa học để tham khảo ý kiến. Trước đó, Thủ tướng cũng đã đặt hàng Tổ tư vấn đánh giá 30 năm đổi mới và đánh giá các cơ hội thách thức cũng như xu hướng phát triển 10 năm tới để đề xuất giải pháp.
Đã có 11 Chuyên gia kinh tế có ý kiến như Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Chuyên gia Trương Đình Tuyển, Chuyên gia Nguyễn Mại, TS. Võ Đại lược, Nguyễn Quang Thái, Vũ Thành Tự Anh…và tôi cũng đã có ý kiến.
Theo đó, chúng tôi đã phân tích về những biến số khó lường của thế giới trong 10 năm tới sẽ tác động rất lớn đến Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế rất sâu rộng. Cụ thể, nhiều ý kiến đánh giá cần chú ý đến Cách mạng công nghiệp 4.0, chú ý tới khu vực kinh tế tư nhân mà trọng tâm là doanh nghiệp tư nhân.
- Vậy theo quan điểm cá nhân của ông, đâu sẽ là thách thức lớn nhất trong chiến lược phát triển Việt Nam 10 năm tới?
Như Thủ tướng Chính phủ đã nói, yêu cầu đặt ra là có khát vọng phát triển. Khát vọng này cần đi liền với thể chế phát triển, bao gồm pháp luật, chính sách, bộ máy… Tôi cũng đã phát biểu ý kiến trước Thủ tướng rằng thách thức lớn nhất trong 10 năm tới là cải cách thể chế. Bởi vì như Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá về năng lực cạnh tranh của Việt Nam xếp thứ 55, nhưng đánh giá thể chế lại rất thấp xếp thứ 98. Cùng với đó, Ngân hàng Thế giới (Wold Bank) cũng đánh giá môi trường kinh doanh của chúng ta đứng thứ 69 nhưng thể chế lại đứng 104.
Điều này cho thấy bộ máy, hoạt động của bộ máy và khung khổ pháp luật còn nhiều vấn đề cần cải cách mạnh mẽ. Nếu cải cách được thực hiện, sẽ có những tiến bộ, đổi mới được tạo ra một cách bứt phá, là cơ hội cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân phát triển như đúng trọng tâm phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ và các chuyên gia kinh tế hàng đầu nhận định.
Là một trong những cơ quan tham gia vào quá trình đóng góp ý, hiến kế về định hướng chiến lược, tầm nhìn cho giai đoạn sắp tới của đất nước, Hiệp hội Khoa học Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện chuyên đề chuẩn bị cho báo cáo kinh tế xã hội.
- Vậy các động lực tăng trưởng mới sẽ là gì để đạt tốc độ tăng trưởng cao như mục tiêu đã được đề ra, thưa ông?
Yêu cầu đã được Thủ tướng Chính phủ đặt ra tại Báo cáo phát triển Kinh tế- Xã hội cho Đaị hội XIII của Đảng lần này là cần cố gắng để vào dịp 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước, đất nước có sự chuyển biến căn bản, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Nếu không, chúng ta sẽ tiếp tục tụt hậu xa hơn.
Sau khi đánh giá về nguy cơ mà đất nước đối diện, các mục tiêu 10 năm tới, các động lực tăng trưởng mới, những dư địa để đạt tốc độ tăng trưởng cao mức trên 7%, chúng tôi cho rằng, các chỉ tiêu cần linh hoạt, không quá gò bó; đồng thời cần rà soát lại các chỉ tiêu không còn phù hợp, trong đó cần tập trung vào chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người.
Cần lựa chọn các mũi nhọn để phát triển, thực hiện các mục tiêu phải có trọng tâm, trọng điểm, thay vì dàn trải. Chiến lược cần xác định rõ mối quan hệ giữa nội lực và ngoại lực, trong đó nội lực phải xem là then chốt. Cụ thể, có chính sách trọng dụng nhân tài, tận dụng dư địa phát triển như kinh tế ven biển, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch và phát huy động lực tăng trưởng mới như đô thị hóa, khoa học công nghệ, nông nghiệp…
Đặc biệt, các chuyên gia đều nhất trí về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đối với sự phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân sẽ là động lực chính phát triển kinh tế đất nước.
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng đề nghị Tổ tư vấn kinh tế hiến kế xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội
23:13, 25/01/2019
Làm rõ chiến lược để Việt Nam có bước phát triển đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội
20:02, 19/01/2019
Xung lực mới tạo "bứt phá" tăng tốc phát triển kinh tế năm 2019
05:45, 28/12/2018
Tinh thần dân tộc trong phát triển kinh tế
07:28, 21/12/2018
- Theo ông, đâu là giải pháp để thúc đẩy những động lực mới này, đặc biệt là giải pháp thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân?
Có thể thấy rõ vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đối với sự phát triển kinh tế đất nước, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn khi đã thực hiện nhiều công trình lớn, hiện đại và tạo động lực phát triển của các tỉnh, vùng kinh tế và quốc gia. Do đó, trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Cần coi doanh nghiệp là trung tâm, các chính sách phải hướng đến ủng hộ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển, chính sách phải tập trung giải phóng sức sản xuất.
Chúng tôi đã kiến nghị nghiên cứu Quỹ vận dụng khoa học công nghệ cho doanh nghiệp tư nhân, đồng thời có hẳn Chương trình hành động cho Cuộc Cách mạng 4.0 và cho các doanh nghiệp.
Đồng thời, cần chú ý phát triển kinh tế biến và tiếp tục tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ đã hứa sẽ cho biên tập và nghiên cứu những kiến nghị nói trên, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học đề xuất các giải pháp.
-Xin cảm ơn Ông!