Tinh thần dân tộc trong phát triển kinh tế

Sông Hàn 21/12/2018 07:28

Cần lắm tinh thần dân tộc để tất thảy cộng đồng chung tay góp phần vào sự phát triển chung của đất nước, trong đó cộng đồng doanh nghiệp phải tiên phong.

Phát biểu tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngày 19/12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ “Phát triển CNHT cần có tinh thần như đội bóng quốc gia Việt Nam do HLV Hàn Quốc, Park Hang-Seo dẫn dắt với tầm nhìn chiến lược về bố trí đội hình, dành nguồn lực, cả thể lực và trí lực, “chứ bình bình thì làm sao thành công được”.

Thủ tướng mong muốn phát triển CNHT phải có tinh thần như đội bóng quốc gia Việt Nam do HLV Hàn Quốc, Park Hang-Seo dẫn dắt.

Tinh thần Samurai của người Nhật

Chúng ta đều biết rằng, sau chiến tranh thế giới thứ hai, là một nước thua trận, bị tàn phá nặng nề, Nhật Bản có nỗi đau khổ, nhục nhã của một nước thua trận, thậm chí đã có hàng vạn người Nhật tự sát.

Nhật Bản từng đối mặt với thảm họa kép động đất- sóng thần xảy ra vào năm 2011, chỉ 3 ngày sau đó, người dân Nhật Bản tiếp tục đón nhận thêm thảm họa kinh hoàng khi nhà máy điện hạt nhân Fukushima phát nổ làm sập tòa nhà chứa lò phản ứng, gia tăng lo ngại lõi lò phản ứng bị tan chảy, gây thảm họa phát tán phóng xạ.

Hay, mùa hè năm 2018 thực sự là “cơn ác mộng” khủng khiếp với người dân Nhật Bản khi các trận động đất làm rung chuyển hai thành phố Osaka hồi tháng 6 và Hokkaido cũng khiến cho nơi này hoang tàn..v..v.

Nhưng Nhật Bản là một dân tộc kỳ lạ, họ thắng ngay sau khi thua. Gạt bỏ nỗi đau của kẻ thua trận và thừa nhận những sai lầm của mình, người Nhật dồn toàn tâm toàn ý xây dựng lại đất nước của mình. Cứ sau mỗi thảm họa ở Nhật Bản, thế giới lại chứng kiến những hành động thể hiện tinh thần đáng ngưỡng mộ của người dân Nhật Bản.

Tinh thần đó ngày xưa thể hiện rõ nét trong phim cổ trang về tướng quân người Nhật, một khi đã đánh trận, nếu thua trận là lập tức mổ bụng tự tử (để không làm ô nhục danh dự nước Nhật). Đây là tinh thần Samurai - tinh thần võ sĩ đạo! Còn bây giờ, trong lúc đối mặt với những thảm họa kinh hoàng, những người âm thầm hy sinh này được tôn vinh là những Samurai cảm tử thời hiện đại.

Thực tế, tinh thần này vẫn còn ở trong cuộc sống hiện đại của người Nhật, các Giám đốc, nhà lãnh đạo các công ty phải chịu một áp lực chiến thắng cực kỳ lớn, nếu họ thua hay thất bại thì họ sẽ cảm thấy không còn có ích cho xã hội, cảm thấy mình vô dụng, không được người khác nể trọng nên họ sẽ “đâm đầu vào tàu điện” tự tử. Điều lạ là người dân Nhật bản họ chứng kiến cảnh tự tử đó mà họ cảm thấy hết sức bình thường. Bởi, tinh thần Samurai đã đi sâu vào nhận thức của họ. Một khi họ cảm thấy mình vô dụng, không có ích cho xã hội, nên chết theo tinh thần Samurai cho đỡ làm gánh nặng cho xã hội. 

Một điểm đáng chú ý nữa là, theo nhiều chuyên gia, người Nhật nói chung không thông minh lắm, nhưng họ biết cách phối hợp làm việc với nhau. Họ giỏi ko ở những cá nhân “xuất thần”. Mà họ giỏi là giỏi tập thể, giỏi phối hợp, đoàn kết với nhau cùng làm việc. Họ quan niệm rằng: “Thành công của họ là do nỗ lực của cả tập thể chứ không phải là sự “xuất thần” của một cá nhân”.

Và học tập người Nhật là học tập sự kiên nhẫn và sự khiêm tốn. Điều này giúp họ đi hết từ giới hạn này đến giới hạn khác, họ phá vỡ mọi giới hạn để có những mặt vượt trên cả nước Mỹ, mặc dù họ ngoan ngoãn nằm dưới cái ô bảo hộ chính trị của nước Mỹ. Và người Mỹ vẫn kính trọng người Nhật vì họ biết rằng, ngoan ngoãn nấp dưới cái ô chính trị của nước Mỹ là một sự kiên nhẫn khổng lồ của một dân tộc có niềm tự hào ghê gớm. Học người Nhật chúng ta phải học cái tỷ trọng của lòng tự trọng dân tộc và cách thể hiện cơ bản là sự táo bạo trong ý nghĩ, sự kiên nhẫn và chăm chỉ trong làm việc.

Vậy nên, nhìn nhận lại những bài học từ Nhật Bản là một việc giúp chúng ta có cái nhìn thực tiễn để bắt đầu cho sự đổi mới sâu sắc, toàn diện. Với ý chí lớn phát triển đất nước người Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần học hỏi tinh thần đó trong phát triển CNHT của Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • Cần những giải pháp thực tế hơn để công nghiệp hỗ trợ phát triển

    04:17, 20/12/2018

  • Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: "Việt Nam thiếu doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt công nghiệp hỗ trợ"

    10:24, 19/12/2018

  • Năng lực doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ còn thấp

    09:56, 19/12/2018

  • Công nghiệp hỗ trợ cần “cú hích” từ chính sách

    06:30, 19/12/2018

  • Giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

    16:00, 18/12/2018

Việt Nam nên học hỏi trong lĩnh vực kinh tế

Có thể nói, Việt Nam là một dân tộc có mối thiện cảm rất tốt đẹp với người Nhật Bản. Không phải chỉ có thế hệ hôm nay mà từ lâu rồi, chúng ta đã phát hiện ra Nhật Bản là tấm gương để chấn hưng đất nước của mình. Trong bối cảnh hiện nay, kinh tế thế giới khủng hoảng, đất nước gặp nhiều khó khăn, chúng ta buộc phải có những thay đổi căn bản và quyết liệt.

Ngoài tinh thần Samurai của người Nhật, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc còn lấy bài học từ sự thành công của bóng đá nước nhà thời gian qua với sự hợp tác, huấn luyện của người Hàn Quốc để so sánh với sự phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển ngành CNHT hiện nay. Sự so sánh này của Thủ tướng là có lý bởi bất cứ vấn đề gì, bất cứ cái gì nếu muốn phát triển cũng cần có tầm nhìn chiến lược, chiến thuật, bố trí đội hình… để thực hiện.

“Phát triển CNHT cần có tinh thần như đội bóng quốc gia Việt Nam do Huấn luyện viên Hàn Quốc, Park Hang-Seo dẫn dắt với tầm nhìn chiến lược về bố trí đội hình, dành nguồn lực, cả thể lực và trí lực, “chứ bình bình thì làm sao thành công được” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ.

Còn nhớ, trong lộ trình phát triển ngành CNHT, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp CNHT nội địa. Đây có thể coi là điểm đột phá trong chính sách phát triển CNHT Việt Nam. Theo đó, lần đầu tiên CNHT trợ có một chương trình tương đối toàn diện để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển.

Sẽ có 6 ngành gồm: dệt may, da giày, điện tử, cơ khí chế tạo, sản xuất lắp ráp ô tô và công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao được hỗ trợ và ưu đãi để phát triển. Các doanh nghiệp thuộc nhóm ưu tiên hỗ trợ nói trên sẽ được hưởng nhiều cơ chế ưu đãi về thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng), về tín dụng đầu tư - đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, về bảo vệ môi trường, tiền thuê đất, mặt nước..v..v.

Tiếc thay, thực tế vẫn minh chứng Việt Nam đang rất yếu kém trong phát triển công nghiệp, nhất là CNHT. Từ những cái đinh, ốc vít, phụ kiện… phục vụ cho sản xuất vẫn phải nhập từng cái một. Đây là điều đáng buồn, nhưng hẳn là các nhà có trách nhiệm với nền kinh tế phải thừa nhận để rút ra bài học: Tại sao đất nước chúng ta vẫn không phát triển nổi ngành CNHT, trong bối cảnh thế giới đã bước vào kỷ nguyên của công nghệ số?

Vì vậy, phải nghiên cứu phát triển, áp dụng công nghiệp 4.0, kỷ nguyên số vào thực tế ở Việt Nam, trong CNHT. Thủ tướng mong muốn: “Chúng ta không thể làm hết tất cả các phụ tùng, chi tiết liên quan, nhưng nếu ô tô anh làm được 40-45% chi tiết phụ tùng thành công thì đã thành công căn bản CNHT”.

Thế nên, yếu tố quan trọng nhất làm nên sự phát triển đó là nguồn lực con người. Để đất nước có thể phát triển trong thời đại kinh tế hội nhập, người Việt Nam cần rèn luyện tinh thần đoàn kết, đồng lòng và lạc quan vươn lên trước những khó khăn gian khổ, khắc phục và biến những bất lợi thành thời cơ để phát triển.

Và xét ở lĩnh vực kinh tế nói riêng, vẫn cần lắm tinh thần dân tộc để tất thảy cộng đồng chung tay góp phần vào sự phát triển chung của đất nước, trong đó cộng đồng doanh nghiệp phải tiên phong. Nói như Thủ tướng, “không ai làm thay doanh nghiệp trong phát triển CNHT. Doanh nghiệp Việt Nam phải có khát vọng gia nhập chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tinh thần dân tộc trong phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO