Vì sao sân bay Tân Sơn Nhất xếp “đội sổ” về chất lượng dịch vụ hàng không?

Thy Hằng 11/03/2019 15:12

Theo công bố từ Cục Hàng không Việt Nam, trong số 6 cảng hàng không-sân bay được khảo sát tại Việt Nam về chất lượng dịch vụ thì Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất xếp cuối bảng xếp hạng.

Theo đó, mặc dù tăng điểm ở tiêu chí “Khu vực làm thủ tục hàng không”, “Khu vực soi chiếu an ninh”, “Khu vực xuất nhập cảnh” so với năm 2017, tuy nhiên Cảng HKQT Tân Sơn Nhất lại bị giảm điểm ở các tiêu chí “Nhà ga đến”, “Nhà ga đi”, “Phương tiện giao thông công cộng” và “Khu vực phòng chờ ra tàu bay”.

Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải

Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải.

Ách tắc "trên trời dưới đất"

"Điều này cũng dễ hiểu vì năm 2018, lượng hành khách qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt trên 38 triệu khách, tăng 6,4% so năm 2017 trong khi công suất thiết kế chỉ có 25 triệu khách. Mặc dù vậy, điểm trung bình tất cả các tiêu chí năm 2018 của Cảng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt 3,96 điểm, không thay đổi so năm 2017. Đây là điểm đáng ghi nhận trong bối cảnh quá tải tại Cảng hàng không này”, đại diện Cục Hàng không Việt Nam lý giải.

Trước đó, vào năm 2017, khảo sát Mức độ hài lòng của hành khách về chất lượng dịch vụ cũng được thực hiện, với 3 cảng hàng không Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất. Kết quả, Tân Sân Nhất cũng đứng cuối bảng xếp hạng, với 3,96 điểm.

Trên thực tế ghi nhận, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thường xuyên rơi vào tình trạng "quá tải", ách tắc "cả trên trời dưới đất". Do đó mà đã có phương án nâng cấp cảng hàng không này. Theo đó, trước mắt là mở rộng nhà ga T3. Được biết, ngoài Tổng công ty Cảng hàng không (ACV), mới đây, Tập đoàn FLC cũng đề nghị tham gia xây dựng nhà ga này.

“Theo quy định, khi có nhiều hơn một nhà đầu tư thì phải tiến hành đấu thầu cạnh tranh. Trong khi ACV đã có nghiên cứu chi tiết hơn, có đề án tiền khả thi thì phía FLC mới là đề nghị chưa có nghiên cứu chi tiết”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết.

Thứ trưởng khẳng định, do đây là dự án cấp bách nên Bộ sẽ tổng hợp các đề nghị, xem xét và đưa ra phương án để bàn thảo với Ủy ban trong thời gian sớm nhất. “Do đó, chúng tôi đã tổng hợp và đang làm việc với các cơ quan liên quan làm việc nhanh theo tính cấp bách của dự án”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định.

Được biết, thời gian qua ACV đã trình Bộ Giao thông Vận tải báo cáo nghiên cứu tiền khả thi xây dựng nhà ga hành khách T3 và các công trình phụ trợ để khắc phục quá tải hành khách tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Doanh nghiệp này đề xuất xây dựng công trình trên với công suất thiết kế 20 triệu khách mỗi năm, tổng diện tích mặt sàn khoảng 100.000 m2. Nhà ga sẽ được trang bị nhiều thiết bị, công nghệ hiện đại. Dự kiến, tổng kinh phí dự án hơn 11.430 tỷ đồng được ACV đầu tư bằng vốn doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • Có thể sẽ đấu thầu chọn nhà đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

    Có thể sẽ đấu thầu chọn nhà đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

    15:22, 01/03/2019

  • ACV chậm trễ, Bộ GTVT thúc tiến độ dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

    ACV chậm trễ, Bộ GTVT thúc tiến độ dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

    03:24, 18/02/2019

  • Đề xuất thêm giải pháp khắc phục quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất

    Đề xuất thêm giải pháp khắc phục quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất

    12:00, 10/01/2019

  • Đẩy nhanh tiến độ nâng cấp cảng hàng không Tân Sơn Nhất

    Đẩy nhanh tiến độ nâng cấp cảng hàng không Tân Sơn Nhất

    01:03, 29/12/2018

Sân bay Cát Bi đứng đầu về chất lượng dịch vụ

Với khảo sát năm 2018 của Cục Hàng không Việt Nam, khảo sát dựa trên đánh giá 25 tiêu chí về sự hài lòng của hành khách đối với 7 khu vực của 6 cảng hàng không là Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Cát Bi. Thời gian khảo sát từ tháng 10 - 12/2018.

Cụ thể, 7 khu vực được đánh gía bao gồm các khu vực nhà ga đi, khu vực làm thủ tục hàng không, khu vực soi chiếu an ninh, khu vực công an xuất nhập cảnh, phòng chờ ra tàu bay, nhà ga đến và phương tiện giao thông công cộng.

So sánh giữa Các Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Cát Bi, Phú Quốc cho thấy, ở tất cả các tiêu chí, hành khách đều đánh giá chất lượng dịch vụ tại Cảng HKQT Cát Bi đứng vị trí cao nhất với điểm trung bình đạt 4,56 điểm, tiếp theo là Cảng HKQT Cam Ranh đạt 4,31 điểm, Cảng HKQT Đà Nẵng đạt 4,23 điểm, Cảng HKQT Nội Bài đạt 4,22 điểm, Cảng HKQT Phú Quốc đạt 4,04 điểm, cuối cùng là Cảng HKQT Tân Sơn Nhất với số điểm là 3,96 điểm. 

Kết quả cho thấy công tác đào tạo đội ngũ nhân viên tuyến trước của các hãng hàng không và các công ty dịch vụ mặt đất về cách ứng xử, thái độ đối với hành khách cũng như chuyên môn nghiệp vụ và đã nhận được sự đánh giá cao từ hành khách.

Chất lượng dịch vụ tại Cảng HKQT Cát Bi được hành khách đánh giá cao nhất trong 06 Cảng HKQT được khảo sát và tiếp đó là các Cảng HKQT Cam Ranh và Cảng HKQT Đà Nẵng. Có thể thấy đây là các Cảng HKQT có sự đầu tư mới trong năm 2018 với việc đưa các Nhà ga hành khách quốc tế vào khai thác, sử dụng.

Tiêu chí “không gian” của nhà ga đi đạt 4,35 điểm tăng nhẹ so với năm 2017. Năm 2018, ACV đã đưa Cảng HKQT Cam Ranh vào khai thác và sửa chữa, cải tạo Cảng HKQT Nội Bài cho nên đã có những phản hồi tích cực từ hành khách về tiêu chí này.

Các tiêu chí về “chất lượng wifi” tại nhà ga đi và khu vực phòng chờ ra tàu bay có số điểm tăng nhẹ so với năm 2017.

Thy Hằng