Trung Quốc "siết" nhập khẩu trái cây từ Việt Nam
Từ ngày 1/5 tới, Trung Quốc sẽ siết thêm các quy định về bao bì và truy xuất nguồn gốc nông sản nhập khẩu của Việt Nam như dưa hấu, thanh long, vải, chuối, nhãn, mít, xoài, chôm chôm.
Hiện nay, đối với chính ngạch, Trung Quốc chỉ mới mở cửa cho 8 loại quả tươi của Việt Nam là dưa hấu, thanh long, vải, chuối, nhãn, mít, xoài, chôm chôm.
Trái cây phải dán tem, truy suất nguồn gốc
Theo ông Đỗ Ngọc Chất, Giám đốc Công ty Việt Á Agrifood, cần đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc để có giá trị tăng cao, đảm bảo thanh toán, giảm rủi ro đã được nhắc đến rất nhiều lần. Thế nhưng, hiện chỉ có một số mặt hàng nông sản được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.
Thống kê cho thấy có khoảng 60% nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nên gặp nhiều rủi ro từ nhập khẩu cho đến thanh toán và chính sách bán hàng.
Tuy nhiên, theo quy định mới nói ở trên, Hải quan Trung Quốc sẽ siết thêm các quy định về bao bì và truy xuất nguồn gốc nông sản nhập khẩu. Theo đó, Hải quan sẽ thực hiện không thông quan dưa hấu lót rơm, yêu cầu dùng xốp lưới hoặc chất liệu không có vi sinh vật gây hại để bọc trái. Đối với mít tươi phải dùng giấy dai Kraft hoặc bao bì là thùng giấy. Với chuối cũng phải được bọc bằng thùng giấy hoặc túi nhựa… và bao bì phải in thông tin truy xuất nguồn gốc.
Đồng thời, từ ngày 1/5, tất cả nông sản xuất sang Trung Quốc phải đăng ký thông tin nhà vườn, nhà xưởng.
Ngoài 8 loại quả tươi được xuất khẩu qua đường chính ngạch nói trên, những loại quả khác còn phải đợi đàm phán cho đến khi 2 bên ký hiệp định thư chính thức.
Điều đáng nói, do chính sách siết nhập khẩu tiểu ngạch của Trung Quốc, từ đầu năm đến nay, một số địa phương thu hoạch khoai lang, dứa… đã gặp cảnh dội chợ, giá rẻ vì thương lái Trung Quốc không mua. Gần đây nhất, dứa Lào Cai đã không bán sang Trung Quốc được vì mặt hàng này chưa có trong danh sách được nhập khẩu. Một số xe sầu riêng từ miền Tây chở sang biên giới phải quay đầu về bán nội địa vì lý do tương tự.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam đánh giá, những động thái trên cho thấy Trung Quốc đang thực hiện đúng những gì đã công bố.
"Doanh nghiệp, nông dân Việt Nam không nên hy vọng có thể xuất khẩu qua đường tiểu ngạch như trước. Rau quả Việt Nam muốn vào Trung Quốc chỉ còn cách duy nhất là đi đường chính ngạch. Họ cũng đã tạo điều kiện cho mua bán chính ngạch khi giảm thuế từ 17% trước đây còn 3%-4%", ông Nguyễn Lâm Viên dẫn chứng.
Cũng theo ông Viên, lâu nay nhiều người bán hàng kiểu "hàng chợ" với thương nhân Trung Quốc nên giờ lúng túng trước các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn. "Nếu doanh nghiệp Việt Nam không thể làm thì ngành trái cây Việt Nam có thể phải làm gia công cho doanh nghiệp Trung Quốc", ông Viên lo ngại.
Có thể bạn quan tâm
Để mục tiêu xuất khẩu 3,6 tỷ USD trái cây không quá... xa vời!
07:01, 19/03/2019
Xóa bỏ các vấn đề cốt lõi để xuất khẩu trái cây, Indonesia cạnh tranh với Thái Lan và Việt Nam
01:00, 04/03/2019
Hướng đi mới cho trái cây Tiền Giang
18:23, 14/11/2018
Mở rộng số trái cây được xuất khẩu chính ngạch
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T, cho hay hiện công ty đang xuất khẩu chính ngạch thanh long, nhãn, vải, chôm chôm sang Trung Quốc. Đối với những mặt hàng trái cây khác như bưởi dù không muốn vẫn phải bán qua con đường tiểu ngạch.
Thậm chí, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo, tình hình tiêu thụ trái cây năm nay sẽ khó khăn do Việt Nam vẫn chưa mở thêm được mặt hàng nào mới sang thị trường Trung Quốc.
"Phải mất 5-10 năm mới mở cửa được một loại trái cây tươi. Tình hình này, chúng tôi khuyến cáo nông dân không nên trồng quá nhiều mặt hàng như khoai lang, sầu riêng… để chờ thị trường Trung Quốc vì rất rủi ro. Nông dân chỉ nên trồng những mặt hàng đã xác định rõ đầu ra", ông Nguyên lưu ý.
Cũng theo ông Nguyên, những mặt hàng đã được mở cửa, rất cần cơ quan chức năng cung cấp thông tin sâu về thị trường, thị hiếu tiêu dùng để tránh tình trạng được mùa, rớt giá.
"Rau quả tươi là mặt hàng ăn ngay nên đòi hỏi cao về độ an toàn. Hiện nay, tỉ lệ rau quả VietGAP, GlobalGAP… trên tổng diện tích canh tác chỉ khoảng 10%, nếu tăng lên 60%-70% thì không lo đầu ra nên vấn đề là trồng trọt phải theo hướng chuyên nghiệp, an toàn, truy xuất được nguồn gốc", ông Nguyên phân tích.
Đặc biệt, các doanh nghiệp còn cho rằng, rất nhiều loại trái cây có số lượng lớn của Việt Nam vẫn chưa được ký kết, như: sầu riêng, các loại rau,... “Nếu so với các nước khác thì chúng ta bị yếu thế hơn rất nhiều, Thái Lan được ký kết đến 23 loại trái cây. Như vậy, các doanh nghiệp phải lên tiếng với các hiệp hội, với các cục của bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Chính phủ. Chỉ có sự đoàn kết mới giúp việc xuất khẩu nông sản nước ta sang Trung Quốc được đảm bảo và bền vững”, ông Nguyễn Lâm Viên nhấn mạnh