Hướng đi mới cho trái cây Tiền Giang

Phan Nam 14/11/2018 18:23

Toàn tỉnh Tiền Giang đã có hơn 610 ha vườn chuyên canh được cấp chứng nhận Global GAP, Viet GAP cho các loại trái cây chủ lực như: xoài, thanh long, sầu riêng, vú sữa, dứa, mãng cầu xiêm...

Qua đó, đẩy mạnh xuất khẩu trái cây sang các thị trường khó tính.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Tiền Giang 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất: “Tiền Giang được mệnh danh là “vương quốc trái cây” với diện tích lớn nhất cả nước (trên 73 nghìn ha), đồng thời là nơi tập trung được nguồn lương thực, trái cây và thủy sản phong phú của vùng ĐBSCL, Tiền Giang có thể trở thành chỉ dẫn địa lý trái cây của Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung”. Đó không còn là một gợi mở mà đã trở thành hướng đi được ngành nông nghiệp Tiền Giang nỗ lực thực hiện. Minh chứng, vụ vú sữa 2017, tỉnh Tiền Giang đã xuất khẩu được 73 tấn thông qua các doanh nghiệp được cấp mã code là Công ty TNHH chế biến nông sản Cát Tường, Công ty Đại Lâm Mộc… Đáng chú ý, trái vú sữa đã chính thức đặt chân vào thị trường Hoa Kỳ, mở ra một hướng phát triển mới.

p/Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng giới thiệu nông sản Tiền Giang

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng giới thiệu nông sản Tiền Giang

Khơi dậy tiềm năng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, năm 2018 toàn tỉnh có trên 128 ha vú sữa đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Có hơn 270 nông dân ở các huyện là Cái Bè, Cai Lậy và Châu Thành tham gia chương trình sản xuất vú sữa xuất khẩu sang Hoa Kỳ và đã được ngành chuyên môn thẩm định, cấp mã code vùng trồng truy nguyên nguồn gốc.

Tỉnh Tiền Giang trích ngân sách hỗ trợ nông dân sản xuất vú sữa, thuốc trừ sâu sinh học, túi bao bọc trái cây, cung cấp giống sạch bệnh, tập huấn quy trình canh tác vú sữa không tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, trái không nhiễm dịch hại… ngoài ra, trong quá trình sản xuất, người trồng vú sữa còn thường xuyên được thông tin, tuyên truyền và tham gia các buổi chuyển giao kỹ thuật về quản lý dịch hại theo yêu cầu của Cơ quan Kiểm dịch động vật Mỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh có nguồn gốc sinh học, ghi nhật kí sản xuất, nhất là phải tuân thủ việc bao bọc trái vú sữa.

Không chỉ bước đầu thành công trong xuất ngoại trái vú sữa Tiền Giang còn nức tiếng với trái sầu riêng. Từ năm 2007 đến 2017, diện tích sầu riêng của tỉnh tăng từ 4.126ha (2007) đã tăng lên 9.183ha (2017) và sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tới do hiệu quả của cây sầu riêng cao gấp 14,46 lần so với cây lúa. Năm 2017 toàn tỉnh đã đạt 204.120 tấn sầu riêng (tương đương 24,9 tấn/ha). Gần như 100% sản lượng này bán cho thương lái và 70% sản lượng phải xuất tươi, xuất sang Trung Quốc và đã bắt đầu có mặt ở Canada, Úc, Singapore và Hàn Quốc.

Năm 2018, tỉnh Tiền Giang đã chuẩn bị xong nguồn nguyên liệu khoảng 400 tấn trái vú sữa, sản xuất theo yêu cầu của đối tác đặt ra, tăng gấp 2,5 lần so với vụ đầu tiên xuất khẩu vú sữa sang Hoa Kỳ.

Nói đến trái cây Tiền Giang người ta cũng không thể không nhắc đến Thanh Long. Hiện toàn tỉnh có hơn 7.000 ha trồng thanh long tập trung chủ yếu ở huyện Chợ Gạo, Châu Thành. Đây là cây trồng mang lại thu nhập cao cho người dân trong những năm gần đây... Nằm trong vùng sản xuất lương thực, thực phẩm lớn nhất cả nước với điều kiện tự nhiên thích hợp cho các vùng sinh thái khác nhau trải dài từ tiểu vùng Đồng Tháp Mười đến vùng biển phía đông của tỉnh, Tiền Giang rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp toàn diện, cơ cấu cây trồng vật nuôi phong phú, đa dạng.

Xuất ngoại trái cây

Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang: Xác định các vùng qui hoạch trọng điểm, định hình được những vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản tập trung mang tính hàng hóa lớn, Tiền Giang đã và và đang thực hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

 Ông Lê Văn Hưởng - Chủ tịch UBND tỉnh trong một lần khảo sát thực tế vườn vú sữa của nông dân

Ông Lê Văn Hưởng - Chủ tịch UBND tỉnh trong một lần khảo sát thực tế vườn vú sữa của nông dân

Điểm nổi bật trong thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh là sản xuất nông nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu và chất lượng. Trên cơ sở xác định các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế so sánh về giá trị gia tăng chúng tôi tập trung đầu tư về khoa học công nghệ, kết cấu hạ tầng, tạo bước đột phá về sức cạnh tranh, nâng cao giá trị sản phẩm. Trong thực hiện, tỉnh lấy liên kết chuỗi làm trọng tâm, lấy khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao làm động lực phát triển góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của ngành nông nghiệp.

Tiền Giang đã xác định các vùng quy hoạch trọng điểm gồm: Vùng kinh tế trung tâm tỉnh bao gồm các huyện Chợ Gạo, Châu Thành và thành phố Mỹ Tho phát triển cây thanh long chuyên canh; Vùng kinh tế phía Đông bao gồm các huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông và thị xã Gò Công chú trọng cây mãng cầu xiêm, cây thanh long; Vùng kinh tế phía Tây bao gồm các huyện Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy, Tân Phước trồng tập trung xoài cát, sầu riêng... Qua đó, đã định hình được những vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản tập trung mang tính hàng hóa lớn. Toàn tỉnh đã có hơn 610 ha vườn chuyên canh được cấp chứng nhận Global GAP, Viet GAP cho các loại trái cây chủ lực của tỉnh như: xoài, thanh long, vú sữa, sầu riêng, dứa, mãng cầu xiêm... Vì vậy, đã mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông sản chủ lực sang các thị trường mới.
Ông Nguyễn Văn Mẫn chia sẻ: Tiền Giang sẽ tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất nguyên liệu với bảo quản, chế biến và tiêu thụ trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, phù hợp với nhu cầu thị trường, bảo đảm an toàn thực phẩm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh. Tiếp tục mời gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn gắn với củng cố, phát triển các mô hình kinh tế tập thể đảm bảo hiệu quả và phát triển bền vững.

Tỉnh cũng tiếp tục hỗ trợ phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp; nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất mới, hiệu quả... xây dựng chương trình phát triển hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Từ đó thúc đẩy xuất khẩu trái cây sang các thị trường khó tính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hướng đi mới cho trái cây Tiền Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO