Nhu cầu lớn đang mở ra “không gian mênh mông” đưa trái dứa - một trong những mặt hàng trái cây chủ lực vươn tầm từ quy mô xuất khẩu triệu USD lên tỷ USD.
Từ đầu năm đến nay, dứa là một trong những sản phẩm trái cây xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng, những tháng đầu năm mức tăng đạt hơn 100%. Xét về mặt giá trị, xuất khẩu dứa chưa lớn so với các mặt hàng tỷ USD khác nhưng đã có mặt ở nhiều thị trường khó tính, đòi hỏi yêu cầu, tiêu chuẩn chất lượng như châu Âu, Mỹ…
Tốc độ tăng trưởng ấn tượng này, theo Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, trước hết đến từ nhu cầu tiêu dùng sản phẩm dứa trên thế giới rất cao, khách hàng chuyển sang xu hướng tiêu dùng đảm bảo sức khỏe. Quy mô thị trường dứa toàn cầu năm 2024 đạt gần 29 tỷ USD và tiếp tục tăng trưởng kép mỗi năm, khoảng 6,3% để đến năm 2029 có thể đạt 39 tỷ USD.
Nhu cầu này đang mở không gian mênh mông cho ngành dứa tăng trưởng, phát triển. Sản phẩm dứa của Việt Nam được đánh giá là có khả năng cạnh tranh cao. Thực tế có doanh nghiệp có thời điểm không có đủ hàng để bán.
Tuy nhiên, đây là loại quả đặc thù. Sau thu hoạch, quả chín, dễ hư hỏng nên để gia tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu, doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ chế biến sâu và bảo quản phù hợp. Không chỉ phục vụ tiêu dùng, sản phẩm dứa qua chế biến còn dùng trong ngành dược phẩm… Do vậy, có khách hàng Nhật Bản sẵn sàng trả giá cao để mua sản phẩm dứa cô đặc với giá khoảng 4000 USD/tấn, cao hơn cả ngàn USD so với các khách hàng ở Mỹ và châu Âu.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, dữ liệu trên cho thấy vị thế và chất lượng dứa của Việt Nam được bạn hàng quốc tế đánh giá cao. Trước cơ hội thị trường đang tốt, để trái dứa vươn tầm từ mặt hàng triệu USD lên mặt hàng tỷ USD cần phải có chiến lược rõ ràng, tổ chức sản xuất bài bản, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung… Đặc biệt cần đầu tư giống, áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất và chất lượng.
Ngoài ra, để đưa cây dứa trở thành cây chủ lực, Chính phủ nên quan tâm xây dựng cái hệ thống thủy lợi phục vụ cho những vùng trồng dứa. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, nhất là ở những vùng trồng dứa năng suất cao. Chi phí đầu tư ban đầu cho 1 ha dứa không hề thấp, khoảng 120 - 130 triệu nhưng bù lại, sản phẩm cho thu hoạch nhanh, chỉ trong vòng từ 10 - 15 tháng.
Quan trọng nhất, đại diện Hiệp hội rau quả Việt Nam kiến nghị Chính phủ cởi trói rào cản lớn nhất cho sự phát triển của các doanh nghiệp trong ngành nói chung. Đó là vấn đề đất đai, nhất là đất trong các công ty nhà nước, nông lâm trường. Nguồn lực này được khơi thông qua các hình thức như cổ phần hóa hoặc cho thuê dài hơi, đấu giá, tạo điều kiện tiếp cận đất đai bình đẳng cho doanh nghiệp tư nhân mở rộng mặt bằng tổ chức sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết...