Trung Quốc "siết" nhập khẩu nông sản: Làm sao vượt khúc quanh hiểm nghèo?

Thy Hằng 06/05/2019 03:20

Trung Quốc chấm dứt con đường tiểu ngạch của xuất khẩu nông sản Việt là yêu cầu tất yếu của thị trường, nông dân và doanh nghiệp phải chủ động làm truy xuất nguồn gốc và chứng nhận đảm bảo chất lượng.

Top 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu "tỷ đô" của Việt Nam bị giảm sút đáng lo ngại trong quý I/2019, nguyên nhân một lần nữa đến từ thị trường Trung Quốc.

Sầu riêng rớt giá thảm hại những ngày vừa qua do Trung Quốc

Sầu riêng rớt giá thảm hại những ngày vừa qua do Trung Quốc siết chặt đường biên mậu.

Không còn “du di”

Theo ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty Huy Long An, việc Trung Quốc “siết” nhập khẩu tiểu ngạch, trong khi yêu cầu cao về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm là thách thức lớn với doanh nghiệp và nông dân ngành nông nghiệp.

“Đơn cử với trái sầu riêng, chúng ta đã làm rất mạnh rồi, nhưng trái sầu riêng lại chưa được phép xuất chính ngạch sang Trung Quốc nên khi họ “ách lại” thì giá sầu riêng dù giảm nữa vẫn không xuất khẩu được”, ông Huy nói.

Có cùng quan điểm, ông Đoàn Hoài Phương, đại diện Cơ sở Hương Miền Tây chuyên xuất khẩu bưởi da xanh tiêu chuẩn VietGap cho các thị trường Đức, Trung Quốc, Singapore, Philippines, Bắc Mỹ cũng cho biết: "Hải quan Trung Quốc đã thông báo không làm thủ tục cho bưởi da xanh của Việt Nam do loại sản phẩm này không được nhập khẩu chính ngạch vào nước này".

Không riêng bưởi da xanh hay sầu riêng, theo quy định, hiện chỉ có 8 loại trái cây tươi là thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít và chôm chôm được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, toàn bộ các loại trái cây tươi khác của Việt Nam đều bị “cấm cửa” vào thị trường này.

Theo đó, từ ngày 1/5/2019, Hải quan Trung Quốc sẽ thực hiện thêm một số quy định mới đối với một số loại trái cây nhập khẩu từ Việt Nam, cụ thể, Trung Quốc yêu cầu thay đổi vật liệu đệm, lót dưa hấu là rơm bằng các xốp lưới ni lông; với các sản phẩm mít và chuối, phía Trung Quốc khuyến cáo sử dụng giấy dai kraft để bọc và sử dụng bao bì, thùng bằng catton, trên đó ghi thông tin truy xuất nguồn gốc.

Ngoài ra, tất cả các loại trái cây nhập khẩu sang Trung Quốc phải đăng ký mẫu tem truy xuất nguồn gốc tại cơ quan hải quan của Trung Quốc và dán tem nhãn này nên trên các sản phẩm hoặc trên bao bì. Thông tin trên tem nhãn phải gồm các thông tin về vườn trồng, cơ sở đóng gói… phải được cơ quan nước xuất khẩu, ở đây là Bộ NN&PTNT thông báo chính thức với cơ quan hải quan Trung Quốc.

Đặc biệt, Trung Quốc có một số thay đổi trong giám sát xuất nhập khẩu hoa quả vào nước này. Đó là từ ngày 1/10/2019, sản phẩm thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc phải có Chứng nhận an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp cho các lô hàng.

Thực tế, không chờ tới khi các quy định này có hiệu lực thực hiện, ngay từ những tháng đầu năm, đã có những câu chuyện nông dân địa phương thu hoạch khoai lang, dứa... nhưng gặp cảnh dội chợ, rớt giá thảm hại. Gần đây nhất, dứa Lào Cai đã không bán sang Trung Quốc được vì mặt hàng này chưa có trong danh sách được nhập khẩu. Một số xe sầu riêng từ miền Tây chở sang biên giới phải quay đầu về bán nội địa vì lý do tương tự.  

"Một cân dứa bằng cốc trà đá, chúng tôi thua canh bạc "xuất sang Trung Quốc" vì Trung Quốc bất ngờ cắt cầu", Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lào Cai nói.

Điều này khiến lượng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã bắt đầu giảm. Thống kê của Tổng cục Hải quan, đến hết quý I/2019, xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt trên 680 triệu USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2018 do thị trường này bắt đầu thực hiện việc truy xuất nguồn gốc trái cây nhập khẩu. 

Trước đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường Trung Quốc liên tục ghi nhận sự tăng trưởng ở mức hai con số, năm 2017, xuất khẩu rau quả vào thị trường này mang về khoản ngoại tệ lên đến 2,65 tỉ USA, tăng đến 52,43% so với năm 2016 và năm 2018 con số này lên đến 2,78 tỉ USD, tăng 5,03% so với năm 2017.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Dương: Hoang mang mùa vải khi Trung Quốc “siết” nhập khẩu tiểu ngạch

    Hải Dương: Hoang mang mùa vải khi Trung Quốc “siết” nhập khẩu tiểu ngạch

    04:30, 05/05/2019

  • Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Đối mặt khúc quanh hiểm nghèo

    Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Đối mặt khúc quanh hiểm nghèo

    13:30, 19/04/2019

  • Trung Quốc

    Trung Quốc "siết" nhập khẩu trái cây từ Việt Nam

    01:10, 18/04/2019

Xây dựng cơ chế bình đẳng

Có một thực tế đã tồn tại nhiều năm qua, là tâm lý cho rằng Trung Quốc là thị trường “dễ tính” khiến việc sản xuất trở nên “dễ dãi”, xuất khẩu hàng hóa chính ngạch của Việt Nam vào Trung Quốc chưa thực sự khởi sắc, việc giao thương giữa hai quốc gia chủ yếu vẫn bằng đường tiểu ngạch.

“Dù thị trường Trung Quốc đã khác so với cách đây 20 năm, thế nhưng suốt chừng ấy năm, đa số doanh nghiệp Việt vẫn giữ thói quen buôn bán theo lối cũ, có hàng gì cũng chở lên biên giới, đắt rẻ gì cũng bán. Cách làm ấy đến bây giờ chỉ khiến doanh nghiệp Việt thua lỗ nặng”, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại nhận định.

Do đó, khi thông tin thị trường này “siết” các quy định về nhập khẩu đã khiến kim ngạch hàng hoá giảm sút. “Không có cách nào khác, từng người nông dân, từng doanh nghiệp phải hiểu rằng cách trồng trọt bây giờ đã khác trước, muốn bán được hàng cho Trung Quốc thì hàng hóa phải có xuất xứ, chất lượng”, ông Nam nhấn mạnh.

Ở góc độ doanh nghiệp, Phạm Văn Quý, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Thái Dương khẳng định: “Đã qua thời làm ra nông sản nào cũng bán được và nông dân chỉ quan tâm tăng năng suất để thu lợi nhuận tốt. Nông dân phải chủ động làm truy xuất nguồn gốc và chứng nhận đảm bảo về chất lượng sản phẩm do mình làm ra nếu muốn xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc”.

Đồng thời, đảm bảo sản xuất nâng cao chất lượng cho sản phẩm nông sản. Ông Lương Ngọc Trung Lập, Công ty TNHH Sản xuất và Chế biến nông sản Cát Tường, nguyên Trưởng bộ môn nghiên cứu thị trường thuộc Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (Sofri) còn đặc biệt cho rằng, để tháo gỡ khó khăn ở thị trường Trung Quốc không còn cách nào khác là phải đàm phán để mở cửa xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. 

“Chính phủ và các cơ quan xúc tiến thương mại cũng cần hỗ trợ đàm phán xây dựng cơ chế bình đẳng và ổn định cho hoạt động xuất khẩu nông sản Việt sang thị trường Trung Quốc. Không thể mãi lệ thuộc vào thị trường này mà không chủ động được sản xuất”, ông Lập nhấn mạnh.

Thy Hằng