Doanh nghiệp "mắc kẹt" vì thẻ vàng thuỷ sản và nguy cơ đóng cửa thị trường EU
Câu chuyện "thẻ vàng" IUU là một bài học lớn về sản xuất manh mún, tự phát khiến doanh nghiệp thủy sản có thể mất đi cơ hội xuất khẩu vào thị trường EU cũng như bị "siết" tại các thị trường khác.
Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thuỷ sản của Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ tiếp tục sang Việt Nam kiểm tra về hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không theo báo cáo và không theo quy định, gọi tắt là khai thác IUU trong cuối tháng 5 này.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Báo cáo kết quả thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về (khai thác hải sản IUU).
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển vào cuộc xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU, đặc biệt tập trung ngăn chặn, chấm dứt ngay tình trạng tàu cá và ngư dân địa phương khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, có biện pháp xử lý nghiêm đối với địa phương tiếp tục tái diễn các vụ việc tàu cá và ngư dân vi phạm.
"Mắc kẹt" vì bất cập trong truy xuất nguồn gốc
Sau gần 2 năm Việt Nam bị áp dụng "thẻ vàng" thuỷ sản, bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần Thuỷ sản Bình Định cho biết: “Doanh nghiệp thủy sản gần như bị “mắc kẹt” bởi chiếc thẻ vàng mà EU đưa ra. Nếu không tháo gỡ “thẻ vàng” sẽ khiến các doanh nghiệp và ngành thủy sản Việt Nam mất đi cơ hội xuất khẩu, mở rộng thị trường EU cũng như ảnh hưởng đến các thị trường khác”.
Có thể thấy, sau nhiều nỗ lực gỡ thẻ vàng thuỷ sản trong gần 2 năm qua, hiện trạng chống IUU của Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại. Trong đó, 4 nội dung mà EC khuyến nghị vẫn chưa đáp ứng, trong đó nổi lên là tình hình tàu cá và ngư dân khai thác hải sản trái phép vẫn tiếp diễn phức tạp. Hầu hết các hồ sơ xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thuỷ sản được kiểm tra không đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, các lỗi được phát hiện trong quá trình kiểm tra phần lớn đều nằm trong lỗi hệ thống kiểm soát trong chuỗi. Đồng thời, cơ sở vật chất hạ tầng chưa đáp ứng và nguồn nhân lực cho quản trị còn rất nhiều vấn đề.
Trong khi đó, sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam đã và đang chịu cảnh bị kiểm tra rất chặt. Toàn bộ lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu đều bị kiểm tra, điều này gây phát sinh chi phí lớn cho doanh nghiệp.
Thậm chí, nếu không khắc phục được thẻ vàng, Việt Nam sẽ cho là quốc gia không hợp tác, và có thể sẽ bị áp dụng biện pháp thẻ đỏ. "Trường hợp bị áp dụng biện pháp thẻ đỏ, tất cả sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU. Không những vậy, châu Âu là thị trường tín chỉ nên các thị trường khác có thể sẽ áp dụng biện pháp tương tự với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam”, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết.
Trên thực tế, phản ánh của các địa phương ven biển cho thấy, vướng mắc lớn nhất ở đây là khâu kiểm soát đối với tàu cá cũng như truy xuất nguồn gốc thủy hải sản khai thác. Cụ thể, hầu hết hồ sơ xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thuỷ sản được kiểm tra không đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, phần lớn các hồ sơ xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thuỷ sản không truy xuất được dữ liệu tàu cá cập cảng và sản lượng bốc dỡ từ sổ cái.
Đồng thời, khối lượng xác nhận nguyên liệu không khớp với nhật ký khai thác và biên bản kiểm soát tàu cá cập cảng. “Vẫn còn trên 78% số tàu chưa thực hiện việc nộp nhật ký, 100% tàu được kiểm tra chưa nộp báo cáo khai thác theo quy định. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc còn 13 lô hàng xuất vào thị trường EC bị tạm dừng thông quan để xác minh, kiểm tra thông tin (chiếm 0,03%)”, ông Hùng nhấn mạnh.
Cùng với đó, thống kê của Tổng cục Thủy sản cho thấy, từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn tiếp tục xảy ra và diễn biến phức tạp, với 16 vụ, 26 tàu và 96 ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Trước đó, trong năm 2018, đã xảy ra 85 vụ với 137 tàu và 1.162 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, tăng 28 vụ/46 tàu/379 ngư dân so với năm 2017. Nguyên nhân được chỉ ra là do các biện pháp xử phạt đối với chủ tàu, thuyền trưởng có tàu cá khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài thực hiện chưa nghiêm.
Có một thực tế, nhiều thuyền trưởng, ngư dân đã từng bị nước ngoài bắt giữ do vi phạm vùng biển khai thác, được chính quyền địa phương, Bộ Ngoại giao hỗ trợ đưa về nước nhưng được một thời gian lại tái phạm.
“Một trong những nguyên nhân này là do mức xử phạt tàu vi phạm vùng biển đánh bắt hiện nay rất thấp, chỉ vài chục triệu đồng nên không đủ sức răn đe. Trong khi đó, số lượng tàu thuyền ngày càng nhiều, nguồn lợi thủy sản ở vùng biển trong nước giảm nhiều tàu biết nhưng vẫn cố tình vi phạm vùng biển của các nước”, ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết.
Đồng thời hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát vùng biển do địa phương quản lý để xử lý các hành vi khai thác IUU trong nước chưa đáp ứng yêu cầu.
Có thể bạn quan tâm
Cảnh báo “thẻ vàng” là cơ hội để nghề cá phát triển bền vững
01:22, 30/10/2018
Gỡ “thẻ vàng” trước giờ G
16:35, 03/10/2018
Gỡ “thẻ vàng” trước giờ G
00:43, 02/10/2018
Ráo rốt gỡ “thẻ vàng” cho thuỷ sản
16:30, 03/08/2018
Siết chế tài xử phạt
Do đó, để giải quyết được điều này cần tăng cường tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và thực thi pháp luật của Việt Nam cũng như của các quốc gia trên thế giới.
Bên cạnh đó, nhanh chóng hoàn thiện bổ sung chế tài quản lý đối với thủy hải sản, xây dựng quy mô đội tàu, quy hoạch tàu khai thác thủy hải sản phù hợp với tiềm năng biển và hoàn thiện hệ thống kiểm tra giám sát.
Đặc biệt, về chế tài xử phạt, nhiều ý kiến đề xuất, trong khi một bộ phận ngư dân vẫn còn chưa nắm bắt được các quy định về pháp luật cần tăng nặng mức độ xử phạt trong đó tập trung vào xử phạt vào các chủ tàu, thuyền trưởng, máy trưởng trong Nghị định xử phạt sắp tới.
“Một số ngư dân sau khi vi phạm được phía ta đàm phán, bỏ tiền ra mua vé cho về nước, chính quyền địa phương cũng tới yêu cầu ký cam kết, xử phạt xong nhưng vì lợi nhuận họ vẫn đi. Vì vậy, theo tôi phải có biện pháp mạnh hơn nữa nếu không tình trạng này vẫn còn tiếp diễn. Chúng ta mới quyết liệt trên bờ chứ chưa quyết liệt trên biển, vì vậy nên đưa vi phạm này vào Luật hình sự vì rõ ràng đây là hình thức vượt biên trái phép”, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định kiến nghị..
Có cùng quan điểm, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng đề nghị, trong nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản sắp ban hành nên tăng mức độ xử phạt đối với thuyền trưởng để đảm bảo biện pháp răn đe và có cân nhắc đối với ngư dân.