EVFTA: Cơ hội tăng xuất khẩu cho cà phê Việt
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được kỳ vọng sẽ giúp cho ngành cà phê lấy lại đà tăng trưởng.
Đánh giá của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho thấy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đang ở trong giai đoạn khó khăn nhất trong vòng 10 năm trở lại đây khi giá trị kim ngạch xuất khẩu liên tục giảm.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng qua xuất khẩu cà phê chỉ đạt trên 1 triệu tấn, giá trị kim ngạch là 1,82 tỷ USD, giảm lần lượt giảm 8,23% về lượng và trên 19% về giá trị so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam từ đầu năm đến tháng 7/2019 chỉ đạt mức 1,698 USD/tấn, giảm 11,8% so với cùng kỳ. Cà phê là một trong những mặt hàng chủ lực có giá xuất khẩu giảm sâu thời gian qua.
Có thể bạn quan tâm
Địa phương và doanh nghiệp làm gì để “đón sóng” EVFTA?
07:33, 30/08/2019
Không nhận thức rõ sở hữu trí tuệ ở EVFTA, doanh nghiệp sẽ phải chịu gánh nặng
15:00, 27/08/2019
Doanh nghiệp nông nghiệp tận dụng cơ hội từ EVFTA
17:11, 21/08/2019
Doanh nghiệp sẽ hưởng "lợi kép" từ EVFTA
00:02, 09/08/2019
EVFTA tạo lực hút đầu tư cho ngành dệt may
00:00, 07/08/2019
Tuy nhiên, ở thị trường trong nước, do cà phê mất mùa nên người nông dân đang có xu hướng giữ hàng, tránh bán ra thị trường, khiến giá cà phê trong nước tăng cao.
Ông Đỗ Hà Nam – Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam đánh giá, giá trị xuất khẩu cà phê sụt giảm do thị trường cà phê toàn cầu dư thừa nguồn cung. Tuy nhiên, ở Việt Nam, do mất mùa nên người nông dân không bán ra, dẫn tới giá tăng.
“Dù tình hình cà phê của Việt Nam có tình trạng đối ngược với xu hướng toàn cầu nhưng theo tôi thì đây cũng là một xu thế mới của nông dân Việt Nam. Do người nông dân hiện nay trồng trọt khá đa dạng nên khi cà phê không được giá họ sẵn sàng không bán ra vì sản phẩm này trữ được trong vòng 6 tháng đến 1 năm. Xu hướng này cho thấy vai trò của người nông dân nay đã khác, họ ở thế điều tiết thị trường, còn các doanh nghiệp cũng có bài học lớn là phải cân nhắc kỹ trước khi ký hợp đồng để tránh rủi ro” - ông Nam nhấn mạnh.
Tuy nhiên, với Hiệp định EVFTA đã được ký kết, kỳ vọng là cơ hội giúp xuất khẩu cà phê khởi sắc. Bởi EU vốn là một trong những thị trường quan trọng của Việt Nam. Khi EVFTA có hiệu lực, khoảng 93% dòng thuế của ngành hàng cà phê sẽ về mức 0%.
Đánh giá về tình hình xuất khẩu mặt hàng cà phê hiện nay, ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho biết, hiện nay chúng ta chủ yếu xuất thô. Tuy nhiên, để được hưởng thuế 0% tại EU thì chúng ta buộc phải đầu tư cho chế biến sâu vì thị trường này ưa chuộng các sản phẩm cà phê đã qua chế biến.
Đơn cử, ông Thái Như Hiệp - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (Gia Lai) cho biết, trong số 1,6 triệu tấn cà phê thô của cả nước được xuất khẩu, cà phê rang xay chiếm chưa đến 1% nên giá trị mang lại chưa xứng tầm.
Chính vì vậy, để tạo ra thương hiệu riêng trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã mạnh dạn liên kết với 10.000 hộ dân xây dựng vùng nguyên liệu 10.000 ha, sản lượng khoảng 30.000 tấn. Ngoài ra, doanh nghiệp còn chủ động đầu tư canh tác 45 ha cà phê chất lượng cao theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Mỹ và lắp đặt dây chuyền sản xuất cà phê chất lượng cao của Đức, tạo ra dòng sản phẩm mang thương hiệu cà phê L’amant.
Như vậy, việc đầu tư cho chế biến sâu sẽ mang lại lợi thế lớn, giúp cà phê Việt Nam được hưởng thuế suất 0%. Bên cạnh đó, còn giúp cà phê Việt giảm áp lực phụ thuộc vào thị trường kỳ hạn của hai sàn lớn là London và New York như hiện nay.
Việc tăng chế biến sâu không còn là vấn đề mới vì nhiều doanh nghiệp đã ý thực được khi nhìn đối thủ là Indonesia đã làm khá tốt với khoảng 50% sản phẩm cà phê được chế biến sâu (Việt Nam hiện mới khoảng 10%). Do đó, giá cà phê của nước này trong xuất khẩu tương đối ổn định, không chịu áp lực từ thị trường cà phê kỳ hạn của thế giới.
Để được hưởng lợi từ thuế quan, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam đang khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục đầu tư chiều sâu để nâng cao giá trị. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp phối hợp với các địa phương đầu tư cho vùng nguyên liệu tập trung, chất lượng nhằm phục vụ tốt nhất cho sản xuất.