Doanh nghiệp bán lẻ: Am hiểu để chiếm lĩnh thị trường

Trọng Tuấn 27/11/2019 02:53

Trong khi nhiều “ông lớn” bán lẻ thế giới chấp nhận rời thị trường thì các doanh nghiệp bán lẻ nội như Vingroup, Saigon Coop lại có động thái thâu tóm, sáp nhập các kênh bán lẻ mở rộng địa bàn .

Suốt từ cuối năm 2018 đến nay, thị trường bán lẻ Việt Nam liên tiếp chứng kiến sự rời bỏ thị trường của những “ông lớn” nước ngoài như Metro, Auchan, Casino Group (Pháp), Parkson… Một số doanh nghiệp bán lẻ khác như 7-Eleven, GS25… không thể mở rộng phạm vi kinh doanh như tuyên bố khi bắt đầu gia nhập thị trường mà gần như chỉ đang tạm duy trì.

Đáng chú ý, doanh nghiệp đứng lên mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị của các kênh phân phối nước ngoài chính là các doanh nghiệp bán lẻ nội. Điển hình là vụ mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị Auchan Reatil (Pháp) của Saigon Co.op vào tháng 6/2019, hay vụ thâu tóm Z-Mart (4/2019), Shop & Go (4/2019) và Queenland Mart (9/2019) của Vincommerce.

Trước đó, khi nói về làn sóng hàng loạt các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đến Việt Nam, nhiều chuyên gia đã bày tỏ sự lo ngại sự đổ bộ của các giấu nổi lo ngại bán lẻ nước ngoài sẽ chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam. Tuy nhiên, xu hướng thực tế trên thị trường thời gian qua đã chứng minh rằng những suy đoán này không hẳn đã chính xác.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, quan trọng hơn các yếu tố như vốn, kinh nghiệm, doanh nghiệp bán lẻ muốn phát triển được rộng khắp thì phải nắm bắt được tâm lý khách hàng, áp dụng triệt để xu hướng địa phương hóa, cá nhân hóa.

Chẳng hạn, thị trường bán lẻ miền Bắc và miền Nam sẽ mang hai đặc tính khác nhau, hàng hóa khu vực thành thị và nông thôn cũng có những điểm khác biệt. Doanh nghiệp phải nắm được thói quen của người tiêu dùng mới có thể duy trì và mở rộng được hệ thống phân phối của mình. Nếu như doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế về dày vốn thì am hiểu thị trường lại là điểm mạnh của doanh nghiệp bán lẻ nội.

 Vingroup đang mở rộng hệ thống phân phối bán lẻ nhờ am hiểu địa phương

Vingroup đang mở rộng hệ thống phân phối bán lẻ nhờ am hiểu địa phương

“Thời gian qua, doanh nghiệp bán lẻ đã tập trung vào 2 xu hướng là địa phương hóa và cá nhân hóa. Địa phương hoá là xu hướng tập hợp các sở thích, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng địa phương để xây dựng một danh mục hàng hoá cung ứng phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu đó. Còn cá nhân hoá là hiểu được văn hoá mua sắm, những yêu cầu về việc trải nghiệm trong quá trình mua sắm để từ đó đưa ra các hình thức mua sắm mới lạ, sáng tạo, thu hút được khách hàng. Đây chính là lý do doanh nghiệp bán lẻ nội chiếm lĩnh tốt thị trường” – bà Đinh Thị Mỹ Loan cho hay.

Đồng ý kiến, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, doanh nghiệp Việt Nam cũng được nhận định đang có nhiều lợi thế bởi am hiểu thị trường và xu hướng tiêu dùng của người Việt. Đây chính là lý do cho sự rời đi của nhiều doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài, để lại “miếng bánh” thị phần cho doanh nghiệp nội. Chỉ khi am hiểu thói quen tiêu dùng của từng địa phương, người tiêu dùng, doanh nghiệp mới có thể chiếm lĩnh thị trường.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp bán lẻ cần thay đổi để thích ứng “cuộc chơi” 4.0

    Doanh nghiệp bán lẻ cần thay đổi để thích ứng “cuộc chơi” 4.0

    01:26, 18/10/2019

  • Doanh nghiệp bán lẻ đồng hồ giành thị phần trị giá 750 triệu USD/năm

    Doanh nghiệp bán lẻ đồng hồ giành thị phần trị giá 750 triệu USD/năm

    00:24, 17/08/2019

  • Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam và “cuộc chiến” thị phần ngay trên sân nhà

    Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam và “cuộc chiến” thị phần ngay trên sân nhà

    07:00, 16/02/2019

Dẫn câu chuyện bày bán mặt hàng gì để phù hợp với người tiêu dùng từng địa phương, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Liên hiệp HTX Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) chia sẻ, mỗi vùng miền có thói quen tiêu dùng khác nhau. Đơn cử, cùng là mặt hàng chuối nhưng người tiêu dùng miền Bắc thích chuối sứ, chuối cau, còn người miền Nam thích chuối tiêu già, doanh nghiệp bán lẻ phải nắm được điều này để bày bán mặt hàng cho phù hợp. Không chỉ hàng hóa, dịch vụ mà cả hình thức nhận diện, logo của nhà bán lẻ cũng có thể được điều chỉnh cho phù hợp với khách hàng từng khu vực.

 Am hiểu thị trường là điểm mạnh, song thị trường bán lẻ trong nước được nhận dịnh vẫn chịu sự cạnh tranh khốc liệt và vẫn là miếng bánh ngon cho các nhà đầu tư nước ngoài. Người tiêu dùng trong nước ngày càng yêu cầu cao, đa dạng hơn về chất lượng hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt họ đến trung tâm thương mại không chỉ mua sắm mà còn để trải nghiệm.

Do đó, các nhà bán lẻ Việt vẫn cần có chiến lược dài hơi, song song với đó áp dụng các mô hình siêu thị đa kênh, siêu thị tích hợp điểm vui chơi giải trí để phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng. Làm được điều đó, doanh nghiệp bán lẻ sẽ giữ được thị phần cho mình.

Trọng Tuấn