Giá xăng E5 RON 92 và dầu cùng tăng từ 15h chiều nay
Chiều nay (28/7), giá xăng E5 RON 92 và các loại dầu tăng nhẹ so với hiện hành trong khi đó giá xăng RON 95 được giữ nguyên.
Liên Bộ Tài chính - Công Thương vừa phát đi thông tin về việc điều hành giá xăng dầu từ 15h ngày 28/7. Theo đó, Liên Bộ quyết định thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với xăng E5RON92 ở mức 100 đồng/lít, xăng RON95 trích lập ở mức 200 đồng/lít, dầu diesel ở mức 500 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít và dầu mazut trích lập ở mức 300 đồng/kg.
Giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá: Xăng E5RON92: không cao hơn 14.409 đồng/lít; Xăng RON95-III: không cao hơn 14.973 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 12.397 đồng/lít; Dầu hỏa: không cao hơn 10.279 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 11.183 đồng/kg.
Theo liên Bộ, dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và trong nước có diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến khả năng phục hồi kinh tế của các nước. Bên cạnh đó, căng thẳng quan hệ ngoại giao và thương mại giữa các nước lớn (Mỹ - Trung Quốc) đã ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa thế giới. Giá xăng dầu trong 15 ngày vừa qua do chịu ảnh hưởng của các yếu tố chính trị, kinh tế và dịch bệnh, đã có sự điều chỉnh tăng giảm nhẹ nhưng xu hướng chung chủ yếu là tăng.
Để hạn chế mức tăng giá, hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ở trong nước đang có diễn biến xấu, Liên Bộ Công Thương – Tài Chính quyết định tiếp tục chi Quỹ BOG đối với các loại xăng, dầu hỏa và dầu để giữ nguyên giá bán lẻ đối với xăng RON95, tăng nhẹ đối với xăng E5RON92 và các mặt hàng dầu.
Cụ thể, đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 900 đồng/lít (kỳ trước chi 961 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 479 đồng/lít (kỳ trước là 526 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 100 đồng/lít (kỳ trước 88 đồng/lít), dầu mazut ở mức 100 đồng/kg (kỳ trước 254 đồng/kg); dầu diesel ở mức 0 đồng/lít, ngừng chi sử dụng (kỳ trước 167 đồng/lít).
Được biết, mới đây Bộ Công Thương trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu. Tại dự thảo Nghị định, Bộ Công Thương đề xuất thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá xăng dầu liên tiếp là 10 ngày hoặc giữ nguyên là 15 ngày. Trường hợp ngày điều hành giá là ngày nghỉ hoặc ngày nghỉ lễ theo quy định, Bộ Công Thương thực hiện điều hành giá vào ngày đầu tiên sau ngày nghỉ hoặc ngày nghỉ lễ của chu kỳ tính giá.
Trường hợp giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu tăng cao bất thường so với giá cơ sở kỳ liền trước đó, ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định thời gian điều hành giá cụ thể cho kỳ điều hành đó.
Cho ý kiến về việc này, một số doanh nghiệp xăng dầu cho rằng thực tế này cho thấy bất cập về việc điều chỉnh xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày, chu kỳ này quá dài, cho nên tốt nhất là hãy để thị trường tự điều tiết. Theo đó nhập tăng thì bán tăng, nhập giảm thì bán giảm.
Khi xăng dầu giảm mà không kịp thời điều chỉnh thì gây thiệt hại người tiêu dùng, còn khi tăng mà không kịp thời điều chỉnh thì làm khó cho doanh nghiệp. Thực tế, cách đây 2 tháng, trước tình trạng thị trường xăng dầu xuất hiện nhiều bất cập trong vấn đề nguồn cung, nhiều cây xăng đã đóng cửa, găm hàng, chờ đến ngày điều chỉnh xăng dầu để tăng giá bán.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, xăng dầu thế giới biến động hàng ngày, thậm chí hàng giờ, cho nên không nên để thời gian quá dài cho một chu kỳ điều chỉnh.
PGS TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định từ rất lâu, việc dựa hoàn toàn vào giá xăng dầu quốc tế để định giá xăng dầu bán lẻ trong nước là không hợp tình, hợp lý.
Hiện xăng dầu trong nước đã chủ động được tới hơn 80%, thậm chí có thời điểm nhập khẩu bằng 0, vậy nhưng, Bộ Công Thương vẫn căn vào giá nhập khẩu dầu thô quốc tế đề tính giá bán lẻ xăng dầu trong nước là quan liêu, lỗi thời, không phù hợp với thực tế kinh doanh. “Kể cả khi ngành xăng dầu không nhập khẩu lít xăng nào nhưng vẫn lấy giá quốc tế để tính giá xăng dầu trong nước thì cũng không ai quản lý được”, PGS Nguyễn Văn Nam nhận định.
Có thể bạn quan tâm