Nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thực phẩm

ĐÌNH ĐẠI 14/07/2021 04:00

Đồng Nai xin mở điểm bán thịt heo để hỗ trợ người chăn nuôi, TP.HCM mở điểm trung chuyển giải quyết “cơn khát” rau củ, là những giải pháp được đưa ra.

Đồng Nai heo ứ đọng do bí đầu ra

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai vừa gửi văn bản lên UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất xin mở điểm bán thịt heo tại TP Biên Hòa nhằm hỗ trợ người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh nguồn cung đang bị ứ do bí đầu ra.

Lượng heo tại các trang trại của Đồng Nai đang bị ứ đọng do bí đầu ra, khi các chợ đầu mối tại TP.HCM phải tạm ngưng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19.

Lượng heo tại các trang trại của Đồng Nai đang bị ứ đọng do bí đầu ra, khi các chợ đầu mối tại TP.HCM phải tạm ngưng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19.

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết,  sự cố dịch bệnh COVID-19 đã khiến các chợ đầu mối lớn tại TP.HCM như chợ Bình Điền, chợ Thủ Đức và chợ đầu mối Hóc Môn, cùng các địa điểm phân phối lớn khác phải tạm ngưng hoạt động để phòng, chống dịch, khiến hoạt động thu mua heo tại địa phương hầu như đình trệ. Hiện tại, các trang trại chăn nuôi heo đều gặp khó khăn về tiêu thụ, giá heo hơi hiện ở mức thấp chưa từng thấy kể từ sau đợt dịch tả heo châu Phi trở lại đây.

Bên cạnh đó, hàng loạt thương lái của Đồng Nai kinh doanh ở các chợ này đều thuộc diện phải cách ly phòng dịch nên hầu như tạm dừng mọi hoạt động mua bán, kinh doanh mặt hàng thịt heo. Do đó, hoạt động thu mua heo tại địa phương hầu như đình trệ.

Các trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ của tư nhân bị thiệt hại nặng nề nhất vì không được bao tiêu đầu ra như các trại chăn nuôi gia công. Tình trạng dịch bệnh COVID-19 lan rộng khiến người chăn nuôi lo thị trường heo hơi rơi vào cơn khủng hoảng đầu ra vì không tiêu thụ được.

“Trong khi đó, giá bán lẻ tại các chợ truyền thống đến tay người tiêu dùng lại đang tăng do các chợ đầu mối ở TP.HCM đóng cửa khiến nguồn cung bị ảnh hưởng. Ngoài ra, chi phí cho các khâu trung gian kinh doanh hàng hóa lại tăng do phân phối khó khăn và phải tuân thủ các yêu cầu phòng, chống dịch khiến giá thịt heo đến tay người tiêu dùng tăng theo. Đời sống người lao động đã khó khăn càng khó khăn hơn. Thực trạng trên tạo nên sự mất cân bằng khi rớt giá tại nơi sản xuất nhưng giá nơi người tiêu dùng lại tăng cao”, văn bản của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nêu.

Nhằm góp phần cùng cả nước chung tay vượt qua đại dịch, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đề xuất điểm phân phối, tiêu thụ thịt heo trong thời điểm hiện tại bằng cách mở điểm bán thịt heo tại địa chỉ số 518, KP.3, P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa, Đồng Nai. Tại địa điểm trên, các trang thiết bị đủ tiêu chuẩn đáp ứng an toàn vệ sinh thực phẩm, mặt bằng thông thoáng, ngay trục đường chính nên thuận lợi cho việc phân phối.

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng cam kết bán đúng giá, tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an ninh trật tự. Nhân viên có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19, tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế. Nguồn heo lấy từ các trang trại chăn nuôi trong địa bàn tỉnh.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá heo hơi xuất chuồng tại Đồng Nai, ngày 13/7 chỉ từ 55.000 – 56.000 đồng/kg. Đây là mức giá chưa từng thấy kể từ sau dịch tả heo châu Phi. Hiệp hội hy vọng điểm bán thịt heo tại TP.Biên Hòa này vừa hỗ trợ người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm, vừa giúp người tiêu dùng có chỗ mua thịt với giá hợp lý. Đồng thời mong muốn được triển khai càng sớm càng tốt.

TP.HCM lập điểm trung chuyển giải “cơn khát” rau

Tại TP.HCM, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Thành phố đã phải tạm dừng hoạt động 3 chợ đầu mối lớn nhất Thành phố, nơi tiêu thụ phần lớn nông sản, thực phẩm cho cả khu vực phía Nam. Do đó, lượng hàng hóa rau củ, thực phẩm tồn đọng tại các trang trại, nhà vườn đang rất lớn. Trong khi đó, nhu cầu của thị trường TP.HCM những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cũng đang rất cao, khiến giá các mặt hàng rau củ quả và thực phẩm tươi sống tăng đột biến.

Việc các chợ đầu mối lớn tại TP.HCM phải tạm ngưng hoạt động, khiến nông sản tại các trang trại bị ứ đọng, trong khi nhu cầu của người dân lại đang rất cao.

Việc các chợ đầu mối lớn tại TP.HCM phải tạm ngưng hoạt động, khiến nông sản tại các trang trại bị ứ đọng, trong khi nhu cầu của người dân lại đang rất cao.

Trước diễn biến này, các chợ đầu mối của TP.HCM đang ráo riết lập các trạm trung chuyển hàng hóa từ các địa phương về TP.HCM để đưa đi phân phối trong nội thành Thành phố.

Đại diện chợ đầu mối Nông sản Thực phẩm Thủ Đức TP.HCM (chợ Thủ Đức) cho biết, chợ đầu mối Thủ Đức đã được cho phép lập các điểm trung chuyển hàng hóa ngay trong khuôn viên chợ. Hiện đã có 18 thương nhân lớn (9 vựa kinh doanh trái cây, 9 vựa kinh doanh mặt hàng rau củ quả) đăng ký số xe, người đưa hàng hóa vào điểm trung chuyển này.

“Điểm tập trung hàng này nằm trong khu vực bãi đậu xe container có diện tích rộng gần 8.500 m2, được chia làm 18 ô cho 18 thương nhân lớn đã đăng ký. Thời gian hoạt động sẽ từ 17 giờ hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau. Việc kiểm soát dịch COVID-19 tại điểm trung chuyển này chắc chắn được thực hiện nghiêm ngặt, xe chở hàng vào bãi phải đăng ký rõ ràng trước, tài xế và bốc vác phải có giấy xét nghiệm âm tính. Nếu hoạt động hết công suất, mỗi đêm, 18 thương nhân này cũng đưa về chợ hơn 1.000 tấn, giải quyết được phần nào "cơn khát" thực phẩm tươi sống của thị trường TP.HCM”, đại diện chợ Thủ Đức cho biết.

Tương tự, tại chợ đầu mối Hóc Môn cũng đã đề xuất xin lập điểm trung chuyển hàng hóa ngay trong khuôn viên sân chợ, rộng 2.000 m2. Hiện tại, đã thông báo cho các thương nhân đăng ký đưa hàng về, danh sách xe, lượng hàng dự kiến…

Theo đại diện chợ đầu mối Hóc Môn, thời gian qua, khi chợ Hóc Môn tạm ngưng hoạt động, mặt hàng thịt heo được thương nhân giao cho khách hàng tại lò mổ, nhưng mặt hàng rau củ quả, trái cây từ chợ “chạy quanh” giao hàng, gây không ít cảnh bát nháo quanh khu vực chợ, đặc biệt khu vực QL 22, nơi nhiều xe tải chở rau từ Củ Chi về.

“Hiện nay, nhu cầu mua các mặt hàng rau củ quả rất lớn trong khi hệ thống cửa hàng bán lẻ khó có thể cung ứng đủ cho khu vực dân lao động, trong các hẻm nhỏ. Do đó, nguồn rau từ chợ này sẽ giải quyết sự thiếu hụt đó. Bên cạnh đó, các trang trại trồng rau củ cũng đến mùa thu hoạch, chậm quá là vứt bỏ, nên điểm trung chuyển mục đích vừa giải quyết việc tồn hàng tại trang trại và giải quyết “cơn khát” rau củ của thị trường”, đại diện chợ chợ Hóc Môn chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Giải

    Giải "bài toán" tiêu thụ nông sản?

    11:00, 11/06/2021

  • BRGMART hỗ trợ tiêu thụ nông sản Bắc Giang

    BRGMART hỗ trợ tiêu thụ nông sản Bắc Giang

    18:38, 08/06/2021

  • Grab công bố dự án GrabConnect nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thúc đẩy chuyển đổi số

    Grab công bố dự án GrabConnect nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thúc đẩy chuyển đổi số

    11:57, 08/06/2021

  • Xây dựng mô hình tiêu thụ nông sản mùa dịch COVID

    Xây dựng mô hình tiêu thụ nông sản mùa dịch COVID

    04:10, 01/06/2021

  • Lực lượng quản lý thị trường thúc đẩy hỗ trợ tiêu thụ nông sản

    Lực lượng quản lý thị trường thúc đẩy hỗ trợ tiêu thụ nông sản

    16:31, 27/05/2021

ĐÌNH ĐẠI