Đô thị hoá Việt Nam: (Kỳ 3) Cần chiến lược đô thị hóa phù hợp với các vùng khác nhau

LINH NGA 13/08/2021 04:00

Theo WB, duy trì tăng trưởng kinh tế dài hạn đòi hỏi sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực đất đai, lao động và ngân sách...

fd

Việt Nam phải tận dụng tốt hơn tiềm năng của đô thị hóa để thúc đẩy tăng năng suất và chuyển sang các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn trong các khu vực cấp hai và cấp ba. 

Cụ thể, để duy trì đà phát triển và cuối cùng là hoàn thành quá trình chuyển đổi lên tình trạng thu nhập trung bình cao và tiếp tục lên tình trạng thu nhập cao, Việt Nam phải tận dụng tốt hơn tiềm năng của đô thị hóa để thúc đẩy tăng năng suất và chuyển sang các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn trong các khu vực cấp hai và cấp ba. Do đó, chính sách phải giải quyết các vấn đề gắn với phát triển phân tán và thiếu kết nối trong nội bộ và giữa hai cấp độ.

Có thể đạt được mục tiêu này bằng cách tập trung vào hai nguyên tắc cơ bản có liên quan chặt chẽ với nhau: thứ nhất, thúc đẩy tính kinh tế nhờ tích tụ và giải quyết tốt hơn các ảnh hưởng của tắc nghẽn ở các trung tâm đô thị, và thứ hai là thúc đẩy liên kết vùng. Liên kết vùng giữa các cấp độ của Việt Nam, và trong mỗi cấp độ, sẽ cải thiện dịch chuyển lao động và, trên bình diện chung hơn, dịch chuyển các yếu tố, nhờ đó thúc đẩy tích tụ ở những địa điểm phù hợp (cả tổng thể và trong mỗi cấp độ).

Đồng thời, liên kết vùng về lâu dài sẽ kết nối người dân và doanh nghiệp ở những nơi nghèo hơn với người dân và doanh nghiệp ở những nơi thịnh vượng hơn thông qua luồng di cư và hạ tầng giao thông tốt hơn. Thực hiện được như vậy sẽ giúp giảm tình trạng cách biệt giữa các vùng. Nền tảng của các nguyên tắc này phải là cam kết để bảo đảm để mọi người dân, dù sống ở vùng đô thị Hà Nội và TP HCM, hoặc các khu vực nông thôn của các vùng cấp độ 2, đều có cơ hội tiếp cận giáo dục, y tế và các dịch vụ cơ bản khác với chất lượng tốt.

Điều này sẽ cho phép cải thiện dịch chuyển lao động để những người dân và gia đình muốn dịch chuyển đáp ứng với sức hút của cơ hội việc làm và kinh tế tốt hơn thông qua di cư thay vì dịch chuyển do lo ngại vì thiếu tiếp cận dịch vụ cơ bản. Hơn nữa, người di cư sẽ được trang bị kỹ năng cần thiết để dễ dàng hội nhập ở những thành phố và khu vực mà họ chuyển tới.

Khi thực hiện các nguyên tắc cơ bản vừa nêu, chính sách cũng cần tính đến các thế mạnh và thách thức khác nhau của các vùng. Các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cần xem xét và phân biệt giữa ba loại địa điểm cơ bản sau: Thứ nhất, các vùng đô thị lớn bao gồm Hà Nội và TP HCM, đại diện cho nhịp đập kinh tế quốc gia của Việt Nam. Những vùng đô thị lớn này có đặc trưng là có nền kinh tế đô thị tương đối đa dạng và nền tảng kỹ năng rộng lớn, do đó có tiềm năng tạo ra tính kinh tế nhờ tích tụ mạnh mẽ. Tuy nhiên, những vùng đô thị này cũng phải đối mặt với ảnh hưởng ngày càng lớn của tắc nghẽn. Việc xử lý những ảnh hưởng này đồng nghĩa với việc giải quyết những nhu cầu phức tạp về hạ tầng.

Thứ hai, đô thị cấp hai trong các vùng cấp độ 2 của Việt Nam như Đà Nẵng và Cần Thơ đóng vai trò các trung tâm kinh tế vùng.23 Những thành phố này có tiềm năng tạo ra tính kinh tế nhờ tích tụ dựa trên chuyên môn hóa trong các lĩnh vực riêng theo lợi thế cạnh tranh và lợi thế so sánh nền tảng của các vùng (hộp BO.2.1). Mặc dù những thành phố này phải đối mặt với những thách thức hạ tầng lớn hơn mức ở các khu vực đô thị và nông thôn nhỏ hơn, những thách thức này có thể không phức tạp như của các khu vực đô thị lớn.

Thứ ba, khu vực nông thôn trong các vùng cấp độ 2, chỉ có mức tăng năng suất hạn chế nhờ công nghiệp hóa. Những khu vực này có nhu cầu hạ tầng đơn giản hơn liên quan đến việc cung cấp hiệu quả các dịch vụ cơ bản có chất lượng. Tuy nhiên, do khả năng di cư cao hơn của những người trẻ tuổi, những khu vực này cũng có khả năng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của xu hướng nhân khẩu học của Việt Nam và những thách thức của tình trạng dân số già hóa. Những khu vực này có nhiều khó khăn về kết nối giao thông, là yếu tố gây thêm tình trạng phát triển thiếu kết nối.

Nhóm phân tích của WB cho rằng, sáu vùng kinh tế xã hội của Việt Nam có khác biệt đáng kể về nền tảng nguồn lực tài nguyên và do đó cũng khác biệt về lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh. Mặc dù Hà Nội và TP HCM có lợi thế về thị trường và nền tảng kỹ năng rộng lớn khiến những vùng này trở thành nơi có tiềm năng tự nhiên trong việc tạo ra các hoạt động thương mại có giá trị gia tăng cao trong khu vực sản xuất và dịch vụ, những vùng khác có những nguồn lực khiến những vùng đó trở nên phù hợp hơn với việc chuyên môn hóa các hoạt động khác. Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có lợi thế so sánh trong nông nghiệp và chế biến thủy hải sản và vùng Duyên hải Trung bộ có lợi thế về nông nghiệp.

Tuy nhiên, ngay trong nội bộ các vùng kinh tế xã hội nói chung, vẫn có chênh lệch về lợi thế cạnh tranh và so sánh. Mặc dù vùng Duyên hải Trung bộ nói chung có lợi thế so sánh về nông nghiệp, trung tâm đô thị nổi bật của vùng là Đà Nẵng lại có một số lợi thế tiềm năng nhờ tích tụ như Hà Nội và TP HCM.

Kỳ IV: Ba hành động chính sách để hiện thực hóa hiệu quả

Có thể bạn quan tâm

  • Đô thị hoá Việt Nam: (Kỳ 2) Ba chính sách quan trọng không còn phù hợp

    Đô thị hoá Việt Nam: (Kỳ 2) Ba chính sách quan trọng không còn phù hợp

    04:00, 11/08/2021

  • Đô thị hoá Việt Nam: (Kỳ 1) Phát triển phân tán và thiếu kết nối

    Đô thị hoá Việt Nam: (Kỳ 1) Phát triển phân tán và thiếu kết nối

    04:10, 10/08/2021

  • Tránh

    Tránh "lỗi sai" trong quá trình đô thị hóa

    16:58, 12/09/2019

  • Đô thị hoá và

    Đô thị hoá và "căn bệnh đầu to” khó chữa

    14:08, 15/08/2018

LINH NGA