Sáng tạo trong môi trường biến đổi
“Sáng tạo trong môi trường biến đổi sẽ là chìa khoá quan trọng để doanh nghiệp hoá giải những khó khăn của COVID-19” - đó là chia sẻ của GS. TS. Nguyễn Đức Khương với Doanh Nhân.
G S. TS. Nguyễn Đức Khương, Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu, IPAG Business School (Paris), & Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) với Doanh Nhân. GS. TS. Nguyễn Đức Khương cho rằng, COVID-19 giống như một phép thử cho tương lai, những nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam cần nhìn xa, phát hiện các cơ hội và hành động cẩn trọng để đưa các hoạt động kinh tế trở lại bình thường nhất.
- Hơn 1 năm nay COVID -19 xuất hiện và đã biến đổi thế giới như thế nào, thưa ông?
Tuy khác biệt về không gian, thời gian và mức độ ảnh hưởng nặng nhẹ, nhưng thế giới và Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức vô cùng lớn đến từ đại dịch COVID-19. Thách thức đó vừa sâu, vừa rộng, tác động trực tiếp đến cuộc sống, sức khoẻ con người, kinh tế, và các hoạt động xã hội.
Ưu tiên hàng đầu của các quốc gia là sức khoẻ người dân, thể hiện qua các chính sách kiểm soát bệnh dịch (phong toả, cách ly, giới nghiêm, hạn chế đi lại), nâng cấp hệ thống y tế cộng đồng, tiêm chủng phòng ngừa, đồng thời kết hợp với các giải pháp thích ứng để nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế với COVID-19 (+ các rủi ro tương tự trong tương lai), và khả năng phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội của người dân, doanh nghiệp.
Nhiều thay đổi về chiến lược, địa chính trị đang diễn ra ở nhịp độ cao nhằm: Giảm sự phụ thuộc – tăng tự cường, điều chỉnh chuỗi cung ứng – chuỗi giá trị - chuỗi sản xuất, xu hướng tạo lập các liên kết kinh tế chiến lược, thúc đẩy số hoá nền kinh tế ở cấp độ cao với các công nghệ tương lai (dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, tự động hoá…).
- Từ quan sát của ông, các lĩnh vực ngành nghề nào chịu ảnh hưởng lớn nhất?
Tất cả các lĩnh vực ngành nghề đều chịu ảnh hưởng bởi COVID-19. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh tới 2 lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất là y tế và kinh tế.
Trước tiên, với lĩnh vực y tế: Kể từ khi có dịch bệnh đã thống kê được hơn 222 triệu ca nhiễm trên 221 countries and territories, gần 4.6 triệu tử vong và còn khoảng 23 triệu người vẫn đang phải điều trị COVID. Ở những thời khắc khác nhau thì hệ thống y tế của rất nhiều quốc gia bị quá tải, có nguy cơ sụp đổ.
Việc thế giới chế tạo được vaccine trong 1 thời gian ngắn kỷ lục cho thấy sự tiến bộ của khoa học công nghệ ngày nay và cơ may vượt qua khủng hoảng, nhưng một bài toán lớn hiện nay là sự phân bổ và tiếp cận vacine rất khác biệt giữa nhiều quốc gia. Theo Economists Intelligence Unit thì bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine (sau 18 tháng có dịch thì 60% dân số ở các nước phát triển đã được tiêm ít nhất 1 liều, trong khi chỉ 1,9% ở các nước nghèo) có thể đưa đến thiệt hại khoảng 2300 tỷ cho GDP toàn cầu. Sự xuất hiện liên tục các biến chủng mới vẫn đặt ra yêu cầu phòng ngự và chuẩn bị sẵn sàng ở cấp độ cao.
Với lĩnh vực kinh tế, đại dịch COVID-19 toàn cầu đang và còn tác động tiêu cực nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu. Chi phí kinh tế để chống lại COVID-19 là con số không hề nhỏ. Trong khi đó, kinh tế thế giới tăng trưởng âm -3,5%, so với dự báo 3,4% (năm 2019), như vậy GDP toàn cầu mất khoảng 7% năm 2020. Theo tính toán của The Economist vào hồi tháng 1/2021 đại dịch sẽ làm “bốc hơi” 10.000 tỷ USD của GDP toàn cầu, chỉ tính trong 2 năm 2020 và 2021.
Nếu như trước đây, doanh nghiệp hoạt động đơn thuần vì mục tiêu lợi nhuận thì giờ đây vấn đề sức khoẻ, an toàn và hạnh phúc nguồn nhân lực sẽ phải là trọng tâm trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp bởi nếu chỉ cần một nhân lực không may gặp vấn đề về sức khoẻ như bị nhiễm COVID thì cả công ty sẽ chịu ảnh hưởng.
Một nền kinh tế mở như Việt Nam sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các đối trọng về thương mại, vào việc các nền kinh tế như Mỹ, châu Âu sử dụng những chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ như thế nào trong thời gian tới đây để khôi phục nền kinh tế của họ.
Đại dịch cũng buộc những nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải thích ứng linh hoạt, sáng tạo và thúc đẩy chuyển đổi số để thích ứng với yêu cầu mới về phương thức làm việc hỗn hợp (từ xa, trực tiếp), tối đa hóa hiệu quả các nhóm làm việc từ xa… Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp khó có thể ngay lập tức đáp ứng được. Những nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần phải xây dựng mô hình quản trị rủi ro cho doanh nghiệp của mình với sự chuẩn bị bài bản hơn các kịch bản ứng phó rủi ro và khả năng tiết kiệm chi phí, tự chủ chuỗi cung ứng qua việc chú trọng xây dựng các nguồn cung ứng địa phương.
- Đâu sẽ là những cơ hội cho Việt Nam trong bối cảnh mới này,
thưa ông?
Việt Nam tạo được lòng tin chiến lược quan trọng với hầu hết các quốc gia, là đầu mối quan trọng cho nhiều Hiệp định tự do thương mại tự do thế hệ mới (EVFTA, RCEP...) nên khi bão dịch qua đi, các cơ hội mới vẫn sẽ đến với chúng ta. Dòng dịch chuyển sản xuất và đầu tư đến Việt Nam nhờ tiềm năng tăng trưởng cao, nền kinh tế mở. Ước tính khoảng 70% giá trị mới được tạo ra trong nền kinh tế trong thập kỷ tới sẽ dựa trên các mô hình kinh doanh nền tảng được hỗ trợ kỹ thuật số, doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế do tính năng động và năng lực tiếp cận số cao, nhanh.
- Ông có kỳ vọng gì về những thay đổi sắp tới của nền kinh tế?
Tôi có hai kỳ vọng. Tôi mong muốn Việt Nam tìm thấy con đường để đi nhanh hơn và những “điểm nghẽn” để giải quyết. Hiện nay tất cả các quốc gia đều khó khăn. Ngay cả các nước đã có tỷ lệ miễn nhiễm cao rồi cũng vẫn gặp khó khăn trong việc đưa người dân trở lại quỹ đạo sống và phát triển kinh tế như bình thường. Điều này cần một sự bứt phá. Theo tôi, Việt Nam nên bắt đầu suy nghĩ về những chiến lược dài và đồng bộ. Có 3 cực cần quan tâm: cân đối địa chính trị, hợp tác khoa học công nghệ, và phát triển thị trường.
Bối cảnh thế giới chắc chắn không phải lúc nào cũng yên bình và luôn luôn thay đổi. Các quan hệ về địa kinh tế và địa chiến lược cũng thường xuyên thay đổi, nhất là trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi có rất nhiều điểm nóng về địa chính trị. Tìm được điểm cân bằng sẽ giúp môi trường vĩ mô ổn định, không có những rủi ro lớn. Chúng ta cần có hợp tác trọng điểm với những quốc gia có nền khoa học công nghệ tương thích về trình độ và nhu cầu phát triển của Việt Nam, mà chúng ta có thể hợp tác sâu rộng, liên tục, dài hạn để từ đó có chuyển giao công nghệ. Đây là yếu tố then chốt để đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển với tầm nhìn 2045.
Một định vị về nhóm quốc gia có thể phát triển trở thành thị trường xuất khẩu của Việt Nam cũng rất cần thiết. Ngoài các thị trường lớn đã dần thành truyền thống thông qua các hiệp định thương mại mới và cũ (EVFTA, CPTPP, RCEP,…), còn rất nhiều thị trường mới, thị trường tiềm năng như châu Phi. Đại đa số các quốc gia châu Phi có trình độ phát triển khoa học công nghệ và sản xuất kinh doanh, độ mở kinh tế tài chính thấp hơn so với chúng ta. Nếu các ngành công nghiệp của Việt Nam đang phát triển ở mức cao hơn họ, họ cần loại công nghệ và kiểu phát triển ở mức kinh phí có thể chấp nhận được. Khi đó, Việt Nam sẽ có vị trí đứng ở các thị trường. Đó sẽ là thị trường vô cùng rộng mở với chúng ta.
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
TECHFEST Việt Nam 2021: Phát động ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
11:35, 16/09/2021
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - tạo tác động xã hội
09:49, 06/09/2021
Nới lỏng giãn cách để phục hồi kinh tế: Hà Nội - An toàn đến đâu mở cửa đến đó
15:00, 02/10/2021
Nới lỏng giãn cách để phục hồi kinh tế: Sản xuất phải an toàn
11:00, 02/10/2021
Phục hồi kinh tế - Cần một chương trình tổng thể với quy mô đủ lớn
04:20, 02/10/2021
Phục hồi kinh tế - "Sử dụng nguồn lực phải đúng mục đích, hiệu quả"
04:10, 02/10/2021